Hà Tĩnh không có người mắc sốt rét ác tính, không xảy ra dịch sốt rét

(Baohatinh.vn) - Trong hơn một năm qua, với sự nỗ lực của ngành y tế, Hà Tĩnh đã không có người mắc sốt rét ác tính, không có người tử vong do sốt rét và không để xảy ra dịch sốt rét. Đến nay, Hà Tĩnh được công nhận là một trong 35 tỉnh đã loại trừ sốt rét.

Trong năm 2021 đến những tháng đầu năm 2022, dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, song, các hoạt động phòng, chống sốt rét tại Hà Tĩnh vẫn được triển khai tích cực, đúng tiến độ, tình hình sốt rét giảm số lượng mắc và các yếu tố nguy cơ.

Hà Tĩnh không có người mắc sốt rét ác tính, không xảy ra dịch sốt rét

Cán bộ y tế lấy mẫu máu để xét nghiệm cho một trường hợp nghi ngờ nhiễm sốt rét.

Bị nhiễm sốt rét khi đi xuất khẩu lao động tại Cameroon, anh Lê Hữu Tạo (xã Sơn Long, huyện Hương Sơn) đã phải nhanh chóng trở về quê để điều trị. "Cứ cách 2-3 ngày, tôi lại lên cơn sốt, nhức đầu và đau mỏi khắp cơ thể. Ngay khi trở về quê, tôi đã liên hệ trạm y tế, được cán bộ y tế tư vấn, làm xét nghiệm và cấp thuốc điều trị kịp thời. Đến nay, tôi đã không còn lên cơn sốt” - anh Tạo cho biết.

Trường hợp của anh Tạo là một trong 2 ca nhiễm sốt rét ngoại lai được phát hiện từ năm 2021 đến nay trên địa bàn huyện Hương Sơn.

Hà Tĩnh không có người mắc sốt rét ác tính, không xảy ra dịch sốt rét

Cán bộ Khoa Ký sinh trùng - côn trùng (CDC Hà Tĩnh) tiến hành bẫy muỗi để phân tích, định dạng.

Chị Nguyễn Thị Lan - cán bộ chuyên trách Chương trình Phòng chống sốt rét thuộc Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn cho biết: “Hương Sơn từng là một trong những huyện có nhiều xã nằm trong vùng trọng điểm về sốt rét với nhiều bệnh nhân sốt rét là người lao động về từ các vùng sốt rét lưu hành nặng như: các tỉnh ở Tây Nguyên, một số nước châu Phi, Lào... Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác phòng, chống sốt rét, tỷ lệ bệnh nhân sốt rét và ký sinh trùng sốt rét toàn huyện giảm hẳn. Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện tiến hành xét nghiệm 4.136 lam máu và test chẩn đoán nhanh. Kết quả chỉ phát hiện 2 ký sinh trùng mang mầm bệnh từ 2 trường hợp đi làm ăn xa trở về”.

Được biết, để nâng cao hiệu quả trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét, Hương Sơn đã củng cố hệ thống xét nghiệm phát hiện ký sinh trùng sốt rét với 9 điểm kính trên toàn huyện. Nhờ hệ thống này, số bệnh nhân sốt rét có ký sinh trùng được phát hiện sớm hơn ngay tại tuyến cơ sở, giúp công tác điều trị được thực hiện một cách tích cực, giảm nguồn lây trong cộng đồng.

Hà Tĩnh không có người mắc sốt rét ác tính, không xảy ra dịch sốt rét

Cán bộ y tế xét nghiệm bằng kính hiển vi để khẳng định chủng loại, giai đoạn phát triển và mật độ ký sinh trùng.

Cũng như Hương Sơn, các địa phương khác có nhiều nguy cơ về sốt rét như: Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên... đã không ngừng nâng cao năng lực xét nghiệm và điều trị sốt rét ngay tại cơ sở.

Đối với cấp tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Hà Tĩnh) là đơn vị đầu não trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống sốt rét. Suốt thời gian qua, CDC Hà Tĩnh đã tập trung đẩy mạnh công tác giám sát dịch tễ, phát hiện, điều trị sớm bệnh nhân sốt rét tại cơ sở, kịp thời nắm bắt và theo dõi biến động ký sinh trùng, côn trùng. Duy trì 58 điểm kính, góp phần phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét trên toàn tỉnh. Đối với các xã trọng điểm về sốt rét, người dân được hỗ trợ tẩm màn để phòng chống muỗi đốt.

Hà Tĩnh không có người mắc sốt rét ác tính, không xảy ra dịch sốt rét

CDC Hà Tĩnh tổ chức tẩm màn phòng chống muỗi đốt cho người dân ở một số xã trọng điểm về sốt rét.

CDC Hà Tĩnh cũng đã triển khai hệ thống xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét bằng kính hiển vi và test chẩn đoán nhanh, trong đó xét nghiệm bằng kính hiển vi là tiêu chuẩn vàng để khẳng định chủng loại, giai đoạn phát triển và mật độ ký sinh trùng; còn kỹ thuật soi định loại muỗi là để xác định véc-tơ chính truyền bệnh sốt rét.

Qua hệ thống máy móc hiện đại, muỗi sau khi bắt về được phân tích, định dạng một cách chính xác. Những số liệu này có ý nghĩa quan trọng để đánh giá hiệu quả của việc thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh sốt rét thời gian qua, từ đó đề ra các giải pháp trong thời gian tiếp theo.

Từ năm 2021 cho đến nay, toàn tỉnh thực hiện xét nghiệm 26.978 lam máu đối với các trường hợp nghi ngờ. Kết quả soi lam phát hiện 3 ca ký sinh trùng sốt rét ngoại lai, toàn tỉnh không ghi nhận ca sốt rét lâm sàng. Hà Tĩnh là một trong 35 tỉnh thành được xét công nhận loại trừ bệnh sốt rét từ năm 2020.

Thời gian qua, dù đối mặt với nhiều khó khăn, song, hệ thống phòng, chống sốt rét từ tỉnh đến cơ sở vẫn thực hiện thành công các mục tiêu về phòng chống sốt rét. Hà Tĩnh đã xây dựng được các yếu tố phòng, chống và loại trừ sốt rét bền vững, từ đó, góp phần cùng cả nước loại trừ bệnh sốt rét ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, ngành y tế cũng cảnh báo các địa phương cần tăng cường giám sát dịch tễ để phát hiện sớm bệnh nhân sốt rét tại cơ sở, nhất là từ những người trở về từ nhiều vùng lưu hành sốt rét nặng.

BS Nguyễn Hữu Thanh - Phó Giám đốc CDC Hà Tĩnh

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.
Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh lựa chọn sinh con ở độ tuổi sau 35. Điều này có thể kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe cho cả mẹ và con cũng như giảm chất lượng dân số.