Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác Trung ương kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh tại của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh vào ngày 31/8/2022.
Nhiều chỉ tiêu phục hồi, khởi sắc
Tại các cuộc nghị sự về phát triển KT-XH của Hà Tĩnh gần đây, một thực tế đã được chứng minh là, để đạt mục tiêu tăng trưởng của năm là 8,5-9% thì yếu tố tăng trưởng từ ngành xây dựng với những dự án có khối lượng lớn như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, Nhà máy Sản xuất Pin VinES, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các dự án đầu tư công... và sự phục hồi từ ngành du lịch, dịch vụ sẽ là “sếu đầu đàn”.
Các hoạt động thi công, xây dựng các dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng diễn ra sôi động. Trong ảnh: Công nhân thi công bến số 3 cảng Vũng Áng.
“Phép giải” cho bài toán tăng trưởng đã được thống nhất trên cơ sở vì sự phát triển chung của tỉnh nên đã tạo được làn sóng nỗ lực, tập trung cao của các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong hành trình đạt các mục tiêu phát triển KT-XH của năm 2022.
Xác định việc thực hiện và thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ, Hà Tĩnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, Hà Tĩnh đã thành lập và phát huy hiệu quả 3 tổ công tác cấp tỉnh để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các “điểm nghẽn” trong giải ngân nguồn vốn này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn - Tổ trưởng Tổ công tác số 2 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 kiểm tra dự án hạ tầng ngoài hàng rào Cụm Công nghiệp Thạch Bằng (Lộc Hà).
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà cho biết: “8 tháng năm 2022, toàn tỉnh giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 3.311 tỷ đồng, bằng 41,4% kế hoạch vốn được giao năm 2022”.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhìn chung, các đơn vị liên quan đã tăng cường theo dõi, chủ động kiểm tra, rà soát những dự án, rút ngắn tối đa thời gian, tiến độ thực hiện, đảm bảo chất lượng công trình; khẩn trương hoàn thành công việc còn tồn đọng của các dự án; thực hiện thủ tục thanh toán cho các dự án ngay sau khi có khối lượng được nghiệm thu; thực hiện bàn giao, hoàn thành hồ sơ, thủ tục thanh toán, quyết toán dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, 8 tháng thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH vừa qua của tỉnh cũng đã ghi nhận sự phục hồi của lĩnh vực du lịch, dịch vụ. So với cùng kỳ 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt gần 33.000 tỷ đồng, tăng 19%; có hơn 1 triệu lượt khách tham quan, gấp 3 lần so với cùng kỳ, doanh thu du lịch tăng 16%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt gần 33.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2021.
Đặc biệt, với việc tập trung cao của ngành thuế, hải quan cũng như sự đồng hành của doanh nghiệp, người nộp thuế, tổng thu ngân sách 8 tháng ước đạt gần 13.000 tỷ đồng, bằng 77% dự toán, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trương Quang Long - Cục trưởng Cục Thuế cho biết: “Cục Thuế đã chủ động triển khai nhiều giải pháp quản lý thuế phù hợp vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, vừa đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Đến nay, thu nội địa 8 tháng ước đạt gần 5.731 tỷ đồng, bằng 72% dự toán, tăng 27% so với cùng kỳ”.
Phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư cũng có những tín hiệu phục hồi đáng mừng. Trong 8 tháng, toàn tỉnh thành lập mới 963 doanh nghiệp với tổng vốn gần 5.523 tỷ đồng. Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư 14 dự án, trong đó 13 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 2.910 tỷ đồng, 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 3 triệu USD. Tỉnh kêu gọi một số nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp hữu cơ khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn.
Cán bộ Cục Thuế Hà Tĩnh hỗ trợ trực tiếp người nộp thuế tại Văn phòng Cục.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, QP-AN đảm bảo các mục tiêu phát triển, nhất là về giáo dục, y tế. Lần đầu tiên, đất học Hà Tĩnh giành được huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế, không chỉ là niềm tự hào mà còn truyền động lực thi đua cho các em học sinh. Dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, tỷ lệ “phủ” vắc-xin phòng COVID-19 đang được các địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai với tinh thần đạt tỷ lệ cao nhất.
Tuy vậy, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, một số chỉ tiêu chưa đạt như kỳ vọng như: kim ngạch xuất khẩu đạt 112 triệu USD, giảm 46%; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm gần 44% so với cùng kỳ năm trước; lúa vụ xuân năng suất thấp hơn so với năm 2021…
Tập trung cụ thể hóa động lực tăng trưởng mới
Với việc xác định rõ nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững không thể phụ thuộc vào một “cực tăng trưởng” nên Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp để tìm kiếm, hoạch định, cụ thể hóa một số động lực tăng trưởng mới của tỉnh.
Đến nay, sau gần 9 tháng thi công, dự án Nhà máy sản xuất Pin VinES với quy mô giai đoạn 1 là 8 ha, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng tại Khu kinh tế Vũng Áng của Tập đoàn Vingroup đã hoàn thành 100% hạng mục nhà xưởng. Đây là một tín hiệu khả quan để đẩy tăng trưởng trên lĩnh vực xây dựng của tỉnh. Nếu thuận lợi, Nhà máy Sản xuất Pin VinES có thể hoàn thành việc lắp đặt hệ thống máy móc, trang thiết bị và đi vào hoạt động trong năm 2022 này. Cũng từ đây, dự án sẽ đánh dấu bước đột phá bền vững đối với công nghiệp Hà Tĩnh, góp phần quan trọng tăng thu ngân sách, giải quyết tốt hơn các vấn đề an sinh xã hội…
Nhà máy sản xuất Pin VinES giai đoạn 1 của Tập đoàn Vingroup đã hoàn thành 100% hạng mục nhà xưởng.
Bên cạnh đó, các dự án lớn như Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II cũng đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công. Hiện nay, dự án này đã đạt 19% khối lượng thi công (vượt tiến độ gần 2%). Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vinhomes đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ thủ tục. Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh với tổng mức đầu tư 1.250 tỷ đồng đã chính thức khai trương, đi vào sản xuất ổn định. Dự kiến sau khi sản xuất đại trà, nhà máy sẽ đóng góp vào ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm…
Để những dự án mang nhiều kỳ vọng này thuận lợi trong quá trình triển khai, Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh với tổng mức đầu tư 1.250 tỷ đồng đã sản xuất những mẻ bia đầu tiên.
Để có thể hoàn thành cao nhất các mục tiêu của năm 2022, Hà Tĩnh đang tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; thực hiện đồng bộ các đề án sản xuất vụ hè thu, vụ đông 2022; chủ động triển khai các phương án, giải pháp về phòng chống thiên tai; chủ động theo dõi, dự báo tình hình thị trường, biến động cung - cầu hàng hóa trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ thủ tục, sớm đầu tư các dự án du lịch quy mô lớn tạo chuỗi phát triển du lịch, dịch vụ dọc ven biển.
Hà Tĩnh đang hướng đến vụ hè thu thắng lợi.
Đặc biệt, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư, công tác đấu thầu để triển khai dự án và giải ngân các nguồn vốn…
Hà Tĩnh đang chỉ đạo, điều hành bằng quyết tâm cao nhất: phải đạt mức tăng trưởng 2 con số từ nay đến cuối năm 2022. Kịch bản ở từng lĩnh vực, sách lược cho từng mục tiêu phát triển đã được cả hệ thống chính trị xây dựng và thống nhất. Trong “chặng về đích” của năm 2022, Hà Tĩnh chờ đợi một sự bứt tốc có cơ sở…