Hà Tĩnh quyết liệt tạo bứt phá về tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm

(Baohatinh.vn) - Trước nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh nửa đầu năm 2022 chỉ đạt 0,08%. Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng đạt 8,5 - 9% như đã đề ra, cần sự bứt phá mạnh mẽ, sự vào cuộc quyết liệt, tập trung cao của cả hệ thống chính trị trong những tháng cuối năm.

Những gam màu sáng

Một nửa chặng đường thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2022 của Hà Tĩnh đi qua với các yếu tố bất lợi tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân như: dịch COVID-19, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, giá các loại hàng hóa thiết yếu, vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng cao tăng cao… Song, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu đề ra, bức tranh kinh tế Hà Tĩnh trong nửa đầu năm vẫn bật lên những gam màu sáng trên một số lĩnh vực.

Hà Tĩnh quyết liệt tạo bứt phá về tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 1 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 12,1%; xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 19,36%, so với cùng kỳ năm 2021. Từ khoảng tháng 4 trở đi, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát nên hoạt động thương mại dịch vụ - du lịch từng bước phục hồi. So với cùng kỳ năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt hơn 23.500 tỷ đồng, tăng gần 10%; tổng lượng khách tham quan tăng 36,5% và khách lưu trú tăng 23%. Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp mang nhiều tín hiệu tích cực.

Đặc biệt, thu ngân sách thắng lợi với số thu đạt hơn 10.400 tỷ đồng, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm trước.

Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà cho biết: “Trong điều kiện khó khăn, UBND tỉnh đã bám sát các nghị quyết, chương trình công tác trọng tâm, chủ động, linh hoạt lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, chỉ đạo thực hiện phù hợp với diễn biến tình hình và các vấn đề phát sinh. Các cấp, ngành đã tập trung cao trong phòng, chống dịch, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ được giao; tích cực hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh... nên đạt những kết quả tích cực”.

Hà Tĩnh quyết liệt tạo bứt phá về tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm

Từ quý II/2022, ngành thương mại - dịch vụ dần khởi sắc khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,08%. Với con số khiêm tốn này, đây là năm có tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Phải nhìn nhận rằng, nền kinh tế tỉnh nhà đang phụ thuộc vào những doanh nghiệp lớn trên địa bàn trong khi các động lực tăng trưởng mới chưa thật sự rõ rệt. Do đó, “sức khỏe” của một số doanh nghiệp lớn thay đổi, chẳng hạn như khi xảy ra sự cố tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã tác động lớn đến chỉ số kinh tế của tỉnh.

Hà Tĩnh quyết liệt tạo bứt phá về tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm

Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 gặp sự cố, ngừng hoạt động khiến tổng sản lượng điện giảm hơn 38%.

Theo Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng, trong những năm qua, ngành công nghiệp luôn là động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp giảm 7,26% đã “kéo” chỉ số tăng trưởng kinh tế đạt thấp. Nguyên nhân là do Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 gặp sự cố đang phải ngừng hoạt động từ tháng 9/2021 khiến tổng sản lượng điện sản xuất toàn tỉnh trong 6 tháng giảm hơn 38%.

Bên cạnh đó, do giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá thép thành phẩm giảm, “hạt nhân” nền kinh tế là Formosa trong nửa đầu năm chỉ sản xuất được 2,67 triệu tấn thép. Nếu so với cùng kỳ năm 2021 thì sản lượng thép của công ty chỉ tăng hơn 1%.

Hà Tĩnh quyết liệt tạo bứt phá về tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm

Sản lượng lúa vụ xuân năm 2022 đạt hơn 33,4 vạn tấn, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn đầu năm cũng gặp các yếu tố bất lợi nên tăng trưởng thấp. Theo đó, GRDP khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ tăng 0,22% so với cùng kỳ và đóng góp 0,03 điểm % trong tổng mức tăng chung.

Theo phân tích của ngành chức năng, giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao, điều kiện thời tiết bất thường, sâu bệnh xảy ra ở những thời điểm sinh trưởng và phát triển quan trọng của cây trồng làm giảm năng suất, sản lượng lúa và một số cây trồng vụ xuân… đã ảnh hưởng lớn đến mức tăng của ngành.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm

Tình hình những tháng tiếp theo được nhận định sẽ còn nhiều khó khăn khi ảnh hưởng dịch COVID-19 dự báo còn kéo dài, giá xăng dầu có xu hướng tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, vận chuyển, giá thành hàng hóa, dịch vụ. Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 dự kiến khó hoàn thành khắc phục sự cố trong năm nay.

Việc thực hiện được mục tiêu tăng trưởng năm đạt 8,5 - 9% như đã đề ra là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển.

Hà Tĩnh quyết liệt tạo bứt phá về tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cùng đoàn công tác đi kiểm tra tiến độ triển khai dự án Nhà máy sản xuất Pin VinES ngày 5/7.

Theo phân tích của Cục Thống kê, tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm phải đạt gần 17% thì mới có thể hoàn thành mục tiêu. Nếu vậy, ngành công nghiệp phải đạt tăng trưởng 23%, xây dựng tăng trưởng 60%, nông nghiệp tăng trưởng 4,7%, dịch vụ tăng trưởng hơn 3%.

Tuy nhiên, tính toán trên các yếu tố tăng trưởng thì lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp khó đạt con số nêu trên. Điều này đồng nghĩa với việc, 6 tháng cuối năm, tăng trưởng sẽ chủ yếu dựa vào sức tăng ngành xây dựng với những dự án có khối lượng lớn như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, Nhà máy sản xuất Pin VinES, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các dự án đầu tư công... và sự phục hồi từ ngành du lịch, dịch vụ.

Hà Tĩnh quyết liệt tạo bứt phá về tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 - một trong những động lực tăng trưởng mới cho Hà Tĩnh đang được đẩy nhanh tiến độ.

Do nền kinh tế đang phụ thuộc vào một số dự án lớn nên Hà Tĩnh cần những động lực mới để kinh tế phát triển ổn định và bền vững. Bởi vậy, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng để các dự án đầu tư sớm đi vào hoạt động sẽ đóng góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung cho nền kinh tế ở giai đoạn tới.

Tại cuộc họp đánh giá tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm vừa đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã nhấn mạnh các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới là tập trung rà soát, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ những dự án đang triển khai; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; nỗ lực thu ngân sách đạt cao nhất; tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn để có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. Cùng đó là đảm bảo các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới…

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Chủ đề Đưa nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh vào cuộc sống

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.