Hà Tĩnh nhộn nhịp tết Đoan ngọ: Vịt “hút” khách, hoa quả đắt hàng

(Baohatinh.vn) - Đã thành thông lệ, cứ đến ngày 5/5 âm lịch (tết Đoan ngọ), các chợ trên địa bàn Hà Tĩnh lại nhộn nhịp, tấp nập người mua sắm. Theo đó, các mặt hàng phục vụ nhu cầu cúng lễ cũng được tiêu thụ mạnh hơn.

Vịt cỏ “hút” khách

Ngay từ sáng sớm, tại chợ Thạch Lưu (Thạch Hà) đã có khá nhiều xe máy chở vịt từ các xã lân cận đổ về; không khí náo nhiệt, người bán người mua tấp nập.

Vịt là món ăn đặc trưng trong ngày tết Đoan ngọ 5/5

Theo quan niệm dân gian, vào tết Đoan ngọ (mồng 5/5 âm lịch hàng năm), mọi người thường dùng thịt vịt làm món chính để cúng lễ và thưởng thức, do đó đây cũng là mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất trong dịp này.

Chị Phan Thị Mai – một người bán vịt tại chợ Thạch Lưu (Thạch Hà) cho biết: “Một số khách mua vịt từ trước nhưng phải đến sáng mùng 5 mới thực sự đông vì người dân sợ vịt mua sớm về nhốt sẽ bị gầy. Nhìn chung, giá cả mặt hàng này không tăng quá nhiều so với ngày thường. Vịt còn sống dao động từ 70 – 80 ngàn đồng/con, vịt làm sẵn ở mức khoảng 90 - 100 ngàn đồng/con”.

Bà Lê Thị Ngân (Thạch Đài, Thạch Hà) phấn khởi khi mua được đôi vịt cỏ béo đẹp.

Bà Lê Thị Ngân (Thạch Đài) chia sẻ: “Hôm nay 5/5 âm lịch nên tôi ra chợ sớm hơn thường lệ để chọn mua vịt cỏ, sau đó về làm mâm cơm "lễ bạc lòng thành" để dâng cúng ông bà tổ tiên".

Năm nay, vịt trời cũng là mặt hàng khá được ưa chuộng bởi sự mới lạ.

Đối với nhiều người dân Hà Tĩnh thì vịt là món không thể thiếu trong ngày tết Đoan ngọ. Cũng bởi ngày 5/5 âm lịch là ngày lập hạ nên thời tiết oi bức, trong khi thịt vịt có tính mát, lại dễ chế biến thành nhiều món hấp dẫn như: vịt xáo măng, nấu sả ớt, vịt quay, vịt luộc ... ăn kèm với bún vừa ngon miệng vừa giúp giải nhiệt cơ thể.

Hoa quả đắt hàng

Thị trường hoa quả cúng lễ đa dạng, phong phú hơn so với mọi năm.

“Tết Đoan ngọ năm nay trùng vào lúc nông dân như bác vừa kết thúc thu hoạch lúa xuân và gieo cấy vụ hè - thu. Năm nay, lúa được mùa, được giá nên bác tranh thủ đi chợ sớm mua thêm ít hoa quả tươi đặt cạnh mâm cơm nấu bằng gạo mới, thắp hương tỏ lòng thành kính với tổ tiên, cầu mong cho vụ mùa mới bội thu” – bác Nguyễn Thị Liên chia sẻ.

Vải thiều là một trong những loại quả được ưa chuộng nhất trong dịp này.

Các loại hoa cũng được tiêu thụ mạnh hơn ngày thường. Hoa cúc vàng là mặt hàng được ưa chuộng nhất, giá khoảng 5.000 - 7.000 đồng/bông. Cau trầu, vàng mã là mặt hàng không thể thiếu trong các lễ cúng của người dân Việt Nam nên rất đắt hàng nhưng giá chỉ tăng nhẹ. Giá cau trầu trong dịp này đã “hạ nhiệt” hơn so với dịp tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng, mỗi đĩa chỉ dao động từ 5 - 7.000 đồng.

Ai cũng cố gắng chọn những bông hoa tươi, đẹp nhất về làm lễ cúng ông bà, tổ tiên.

Mặc dù giá cả các mặt hàng "nhích nhẹ" so với ngày thường nhưng sức mua tăng mạnh, bởi theo quan niệm của người Việt, tết Đoan ngọ là lúc con cháu thể hiện lòng thành kính với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đồng thời, cũng là một dịp đặc biệt để các thành viên trong gia đình sum họp bên mâm cơm; cùng nhau tâm sự, chia sẻ cuộc sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói