Sáng 13/12, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh khai mạc lớp tập huấn chuyên sâu về phát triển thương hiệu, khai thác sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm OCOP cho 150 chủ thể có sản phẩm OCOP năm 2023, năm 2024.
Tại lớp tập huấn, các chuyên gia, giảng viên Sở KH&CN, Sở NN&PTNT trao đổi các chuyên đề về tạo dựng, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ phát triển sản phẩm OCOP; những vấn đề trong thiết kế, sử dụng các dấu hiệu về sở hữu trí tuệ trong bao bì, nhãn mác của sản phẩm OCOP; chất lượng, an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Học viên cũng sẽ được trao đổi, thảo luận, chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để hỗ trợ tháo gỡ.
Lớp tập huấn được tổ chức trong thời gian 1 ngày.
Sau hơn 5 năm thực hiện chương trình OCOP, Hà Tĩnh đã công nhận 385 sản phẩm; trong đó có 303 sản phẩm còn hiệu lực chứng nhận gồm: 15 sản phẩm 4 sao và 288 sản phẩm 3 sao. Đến tháng 10/2024, toàn tỉnh có 3.068 đối tượng sở hữu công nghiệp được đăng ký bảo hộ (sáng chế/giải pháp hữu ích: 27; kiểu dáng công nghiệp: 19; nhãn hiệu: 3.022), tăng hơn 10 lần so với năm 2015. Có 16 sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc thù của tỉnh được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Một số lưu ý trong khai thác, sử dụng thương hiệu: Phải trang bị đầy đủ kiến thức về sở hữu trí tuệ; thương hiệu phải gắn liền với chất lượng của sản phẩm/dịch vụ; có chiến lược phát triển thương hiệu hướng đến đối tượng khách hàng, phù hợp đặc điểm của sản phẩm; sử dụng nhãn hiệu một cách hợp lý lên tất cả các sản phẩm/dịch vụ và giấy tờ, dụng cụ liên quan (bộ nhận diện thương hiệu);
Hạn chế thay đổi logo nhãn hiệu, trường hợp cần phải thay đổi cần có lộ trình và phương pháp thông báo đến khách hàng và đối tác; khai thác và phát huy ưu thế của các mạng xã hội, internet trong quảng bá thương hiệu; sử dụng đồng hành thương hiệu riêng và thương hiệu cộng đồng để mang lại hiệu quả quảng bá tốt nhất; khai thác các giá trị truyền thống lễ hội làng nghề gắn với hoạt động quảng bá, tiêu thụ…