Hà Tĩnh tăng cấp độ phòng cháy, chữa cháy rừng

(Baohatinh.vn) - Trong những tháng cao điểm về nắng nóng, lực lượng kiểm lâm, các địa phương, chủ rừng... ở Hà Tĩnh đang tập trung nâng cao cấp độ PCCCR.

2 - Copy.jpg
Các tuyến đường vào những khu vực rừng dễ cháy ở Thịnh Lộc (Lộc Hà) đang được canh gác nghiêm ngặt.

Tháng 5 và tháng 6 là thời kỳ cao điểm của nắng nóng nên ngay khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 43/CĐ-TTg ngày 1/5/2024 về việc tiếp tục quyết liệt triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên phạm vi cả nước và Chủ tịch UBND tỉnh có Công điện số 06/CĐ-UBND ngày 8/5/2024 về tăng cường các biện pháp cấp bách về PCCCR, huyện Lộc Hà đã nhanh chóng tăng cấp độ bảo vệ rừng.

Theo đó, cùng với việc soát xét, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong các phương án, kế hoạch PCCCR của các địa phương, đơn vị, chủ rừng, Hạt Kiểm lâm Lộc Hà cũng đang huy động tối đa nhân lực, phương tiện phối hợp với các lực lượng chức năng khác đảm bảo an toàn cho 2.106 ha rừng; nhất là gần 50 ha rừng dễ cháy ở Hồng Lộc, Tân Lộc, Thịnh Lộc, thị trấn Lộc Hà, Bình An...

DSC_0437 - Copy.JPG
Lực lượng kiểm lâm Lộc Hà đang nâng cao cấp độ PCCCR, luôn sẵn sàng trong mọi tình huống.

Ông Nguyễn Xuân Mận – Hạt Trưởng hạt Kiểm lâm Lộc Hà cho biết: “Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát công tác PCCCR của các địa phương, chủ rừng và tuần tra bảo vệ rừng tại gốc, chủ động phát hiện sớm các đám cháy.

Với nguyên tắc “phòng là chính”, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các địa phương, chủ rừng thường xuyên canh gác để ngăn chặn người vào rừng trong các ngày nắng nóng (đi lấy mật ong, đi picnic, hái sim, chăn thả gia súc...), kiểm soát tốt các nguồn gây lửa, tăng mật độ tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân...”

3 - Copy.jpg
Trong những ngày nắng nóng cao điểm, lực lượng kiểm lâm và cán bộ lâm nghiệp của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực rừng dễ cháy.

Huyện Kỳ Anh là địa phương trọng điểm trong công tác PCCCR và những tháng nắng nóng kéo dài sắp tới, nguy cơ cháy rừng sẽ ở cấp IV, cấp V. Vì vậy, Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh sẽ thường xuyên theo dõi sát sao tình hình thời tiết, gửi thông báo cấp dự báo cháy rừng trên hệ thống gửi nhận văn bản, nhóm zalo của các xã và cơ quan chức năng để thông báo kịp thời, rộng rãi cho mọi người. Lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng cũng đang phối hợp với trung tâm truyền thông huyện tăng mật độ, thời lượng tuyên truyền, thông báo gắn với tăng cường các hình thức tuyên truyền trực quan bằng biển tường, biển cấm lửa, pa nô, bảng cấp dự báo cháy rừng...

Ông Nguyễn Đình Lưu – Hạt Trưởng hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nâng cao cấp độ PCCR bằng cách “kích hoạt” tất cả các biện pháp, giải pháp và huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang bị đang có. Cùng với lực lượng của huyện gần 700 người (kiểm lâm, lâm nghiệp, công an, quân sự, biên phòng...) thì mỗi xã, mỗi chủ rừng sẽ có 4 - 5 tổ xung kích (tối thiểu 20 người/tổ), các thôn gần rừng có 1 tổ (tối thiếu 10 người), luôn trực gác 24/24h và sẵn sàng tham gia chữa cháy trong mọi thời điểm, mọi vị trí. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, báo cáo, phát huy vai trò của ban chỉ đạo các cấp, làm tốt công tác quản lý vật liệu cháy và xử lý tình huống khi có cháy”.

Ngọc Sơn - Copy.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (BĐBP Hà Tĩnh) tham gia dập lửa, ngăn cháy rừng ở xã Ngọc Sơn (huyện Thạch Hà) vào giữa tháng 4/2024.

Cùng với kiểm lâm, các lực lượng hỗ trợ khác cũng luôn sẵn sàng tham gia cứu rừng khi có cháy. Trung tá Nguyễn Tiến Khánh - Chính trị viên Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động (BĐBP Hà Tĩnh) cho biết: “Cùng với nhiệm vụ huấn luyện thì hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng “chi viện” lực lượng cho các địa phương khi xảy ra cháy rừng. Để tham gia PCCCR hiệu quả, an toàn, chúng tôi đã hướng dẫn cho bộ đội kỹ năng thực hiện nhiệm vụ, rèn luyện sức khỏe, chuẩn bị sẵn sàng các loại trang bị, phương tiện cần thiết”.

1 - Copy.jpg
Cán bộ lâm nghiệp của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A kiểm tra, xử lý các đám cháy nhỏ do người đi lấy mật ong để lại.

Để bảo vệ tốt các diện tích rừng và đất lâm nghiệp được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ, các chủ rừng lớn cũng đang tập trung vào cuộc, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm của mình.

Ông Võ Văn Tiến – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A cho biết: “Để bảo vệ 14.744 ha rừng và đất lâm nghiệp trước nguy cơ cháy cao, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện tốt các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng đã xây dựng và quán triệt đầy đủ, kịp thời các nội dung trong công điện của Chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt, chúng tôi đang duy trì nghiêm túc hoạt động của đội xung kích PCCCR (45 người), tổ trực cháy tại các cửa rừng, vùng trọng điểm, tuyến xung yếu (mỗi tổ gồm 6 - 10 người) và tổ chức trực gác, chốt chặn liên tục 24/24h. Nếu không may xảy ra cháy thì chúng tôi cũng đã có phương án dập lửa tại chỗ và thông tin huy động thêm lực lượng hỗ trợ để không xảy ra cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng”.

DSC_3294 - Copy.JPG
Kiểm lâm Hương Khê sẵn sàng trang thiết bị, máy móc để kịp thời ứng cứu khi xảy ra cháy rừng.

Ông Phan Thanh Tùng - Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) cho biết: “Nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho 359.366 ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn trong những tháng nắng nóng sắp tới rất nặng nề. Vì vậy, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, phối hợp với chính quyền các cấp, chủ rừng, lực lượng chức năng quán triệt kịp thời, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nội dung trong Công điện số 06/CĐ-UBND về tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR của UBND tỉnh. Chúng tôi cũng đang soát xét để bổ sung các nội dung về “phòng” gắn với triển khai lực lượng, phương tiện, trang bị để tăng cấp độ “chống” nhằm hướng tới mục tiêu hạn chế tối đa cháy rừng”.

Chủ đề Lâm nghiệp - bảo vệ rừng

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.