Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ mang lại để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.
Để tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân, giảm thiểu các nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng, từ ngày 10/10/2024, Bộ TT&TT đã phát động chiến dịch “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng” dưới sự chủ trì của Cục An toàn thông tin.
Chiến dịch tập trung phổ biến các kiến thức, kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, nâng cao nhận thức cũng như kiến thức cho người dân thông qua 5 nhóm kỹ năng chính, bao gồm: Kỹ năng nhận biết, kỹ năng phát hiện, kỹ năng xử lý, kỹ năng phòng tránh và kỹ năng bảo vệ.
Chiến dịch được triển khai trên diện rộng từ ngày 10/10/2024 đến ngày 20/11/2024, phối hợp với các bộ, ban, ngành từ trung ương tới địa phương, các doanh nghiệp an toàn thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến, nền tảng mạng xã hội và các cơ quan báo chí, truyền thông trên cả nước.
Triển khai chiến dịch, từ ngày 18/10/2024, Sở TT&TT Hà Tĩnh đã ban hành công văn yêu cầu các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh cùng phối hợp, tuyên truyền, lan tỏa các thông tin về phòng chống lừa đảo qua mạng theo bộ tài liệu của Cục An toàn thông tin… Ngoài ra, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm truyền thông tuyên truyền phòng chống lừa đảo qua mạng.
Là cơ quan truyền thông chủ lực của tỉnh, thời gian qua, Báo Hà Tĩnh, Đài PT&TH tỉnh đã tăng cường xây dựng các tuyến tin, bài, phóng sự cung cấp thông tin nhận diện phương thức lừa đảo qua mạng; các cách thức phòng tránh lừa đảo. Các sản phẩm báo chí không chỉ được đăng, phát liên tục qua báo, đài mà còn được truyền thông rộng rãi qua các nền tảng mạng xã hội do các cơ quan truyền thông quản lý. Đây cũng trở thành nguồn thông tin hữu hiệu để các ngành, cơ quan, đơn vị chia sẻ, lan tỏa.
Ông Nguyễn Trường Sơn ở xã Thiên Lộc (Can Lộc) chia sẻ: “Đọc, xem các thông tin, phóng sự thiết thực, bổ ích trên Báo Hà Tĩnh, Đài PT&TH tỉnh về phòng chống lừa đảo qua mạng, tôi lại chia sẻ về các nhóm chát của tổ liên gia, thôn để nhiều người cùng biết, cùng theo dõi. Truyền thông thường xuyên, liên tục là cách làm hay “mưa dầm thấm lâu” sẽ giúp người dân hiểu và biết cảnh giác trước các phương thức lừa đảo”.
Tích cực phát huy vai trò của lực lượng trẻ trong truyền thông phòng chống lừa đảo qua mạng, thời gian qua, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn, hội, đội trong toàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền qua mạng xã hội và thông qua nhiều diễn đàn, hội nghị, sinh hoạt.
Là đơn vị có số lượng đoàn viên đông đảo, thời gian qua, Đoàn Khối CCQ&DN tỉnh đã tập trung công tác tuyên truyền phòng chống lừa đảo qua mạng cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) cơ quan, trường học trực thuộc.
Bí thư Đoàn Khối CCQ&DN tỉnh Phan Thị Quỳnh Hương cho biết: “Vừa qua, Đoàn Khối CCQ&DN tỉnh đã phối hợp với Sở TT&TT, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm lừa đảo công nghệ cao (Công an tỉnh) tổ chức 2 chương trình truyền thông phòng chống lừa đảo qua mạng cho hơn 450 ĐVTN trong Khối. Đoàn Khối chú trọng các hình thức tuyên truyền trực quan, đưa ra tình huống thực tế để ĐVTN dễ tiếp cận. Chúng tôi hướng tới mục tiêu không chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ĐVTN trong nội dung này mà còn để mỗi ĐVTN trở thành một tuyên truyền viên tích cực lan tỏa rộng rãi trong gia đình, người dân, cộng đồng để cùng cảnh giác, phòng tránh lừa đảo”.
Chiến dịch truyền thông phòng chống lừa đảo qua mạng đã và đang được các đơn vị, địa phương, hội đoàn thể tích cực vào cuộc bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội, tuyên truyền qua phát tờ rơi, qua loa phát thanh… những nội dung phòng, chống lừa đảo qua mạng đang được tiếp cận gần hơn với các đối tượng từ học sinh, sinh viên đến các tầng lớp Nhân dân. Cổng thông tin điện tử các sở, ngành, đơn vị, địa phương cũng tích cực chia sẻ, đăng tải các thông tin phòng chống lừa đảo qua mạng. Nhờ đó, làm nên chiến dịch truyền thông khá đồng bộ trong toàn tỉnh.
Phát huy vai trò chủ công, Sở TT&TT đã chủ trì tổ chức cuộc thi trực tuyến về an toàn thông tin trên không gian mạng tỉnh Hà Tĩnh năm 2024 thu hút 62.846 lượt thi; phối hợp tổ chức game show “Nhận diện lừa đảo trên không gian mạng” tạo dấu ấn mạnh mẽ trong truyền thông phòng chống lừa đảo qua mạng; phối hợp Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Trung tâm An ninh mạng VNPT tổ chức triển khai diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Bên cạnh đó, Sở TT&TT cũng đã tổ chức 30 cuộc tập huấn, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về an toàn, an ninh mạng; nhận diện phương thức lừa đảo, tấn công mạng; bảo mật thông tin, phòng chống lừa đảo trực tuyến trong giao dịch điện tử cho cán bộ, người dân, các doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể trên địa bàn toàn tỉnh…
Sở đã kịp thời phát hiện 21 lượt đơn vị có nguy cơ mất an toàn thông tin mạng, từ đó cảnh báo tới các đơn vị và phối hợp xử lý hiệu quả. Đồng thời, triển khai xây dựng và phê duyệt hồ sơ đề xuất bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của 12 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh…
Hiện nay, các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh được triển khai đánh giá an toàn thông tin theo cấp độ theo hướng dẫn của Bộ TT&TT. Theo đó, cấp tỉnh đạt 100%, cấp huyện và cấp xã đạt 70%... Sở TT&TT đang tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát các hệ thống thông tin để xác định cấp độ và triển khai đầy đủ các phương án bảo vệ an toàn thông tin theo hồ sơ đã được phê duyệt.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Dương Kim Nga đánh giá: “Chiến dịch đã được các cơ quan, địa phương trên toàn tỉnh hưởng ứng và triển khai tích cực, đa dạng hình thức, tạo sức lan tỏa rộng lớn. Tuy vậy, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Việc tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng là một hành trình không ngừng nghỉ, đòi hỏi sự cảnh giác và nỗ lực liên tục. Bởi vậy, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, mong rằng, mỗi người dân cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành một người dùng an toàn và thông minh trên không gian mạng. Sở TT&TT sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn để truyền thông phòng chống lừa đảo qua mạng không chỉ dừng lại là một chiến dịch mà sẽ được triển khai thường xuyên, liên tục”.