Hà Tĩnh xử lý nhiều vụ vi phạm bán hàng qua tiktok, facebook

(Baohatinh.vn) - Qua rà soát các tổ chức, cá nhân sử dụng website, mạng xã hội để bán hàng, Cục QLTT Hà Tĩnh đã xử lý nhiều vụ vi phạm trên lĩnh vực thương mại điện tử.

5.jpg
Lực lượng QLTT kiểm tra các cơ sở kinh doanh có bán hàng qua mạng xã hội, website.

Ngày 13/6, thông qua công tác quản lý địa bàn, Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra một hộ kinh doanh hàng gia dụng tại xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) sử dụng tiktok để bán hàng.

Tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 1 phát hiện 3.000 hộp đựng đồ gia dụng do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ kèm theo. Đơn vị đã ban hành quyết định xử phạt 8 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, đồng thời tịch thu toàn bộ 3.000 hộp đựng có trị giá 21 triệu đồng.

Đây là một trong số các vụ vi phạm trên lĩnh vực thương mại điện tử mà Đội QLTT số 1 xử lý trong thời gian gần đây. Ông Trương Quang Thắng - Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết: "Trong 5 ngày liên tiếp (từ ngày 9 - 13/6), đơn vị đã kiểm tra, xử lý 4 vụ liên quan đến thương mại điện tử với tổng số tiền phạt 45,5 triệu đồng; tịch thu hàng hóa có giá trị 21 triệu đồng. Các hành vi vi phạm gồm: không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng; kinh doanh hàng hóa nhập lậu...

2.jpg
Đội QLTT số 3 phát hiện 986 áo khoác nắng không có hóa đơn tại 1 hộ kinh doanh tại thị trấn Hương Khê.

Còn tại Đội QLTT số 3, sau nhiều ngày nắm bắt thông tin trên các trang mạng xã hội như: facebook, zalo, tiktok, sáng 17/6, đơn vị đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh TP M.G (tại thị trấn Hương Khê) do ông N.V.H làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 986 cái áo khoác nắng không có hóa đơn, chứng từ và các căn cứ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Tổng trị giá tang vật vi phạm gần 70 triệu đồng. Cục QLTT đã xử phạt 25 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Được biết, thời gian qua, Cục QLTT Hà Tĩnh đã chủ động rà soát các tổ chức, cá nhân có sử dụng website, mạng xã hội như: facebook, zalo, tiktok… phục vụ cho việc quảng bá, giới thiệu, kinh doanh để lập kế hoạch, phương án kiểm tra các dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, làm việc với các ngành chức năng, chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình cũng như phối hợp triển khai công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử.

Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm tra, xử lý 29 hành vi vi phạm trên lĩnh vực thương mại điện tử; số tiền xử phạt hành chính gần 400 triệu đồng, tịch thu, tiêu hủy hàng hóa trị giá trên 130 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu như: buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa nhập lậu, vi phạm trong thiết lập website thương mại điện tử bán hàng (không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; không công bố hoặc công bố không đầy đủ thông tin trên website), không đăng ký kinh doanh…

1.jpg
Lực lượng QLTT kiểm tra việc chấp hành đăng ký và thông báo website kinh doanh của các cơ sở.

Theo nhận định của lãnh đạo Cục QLTT Hà Tĩnh, hiện nay vi phạm trên môi trường mạng vẫn diễn ra với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, trong khi công tác kiểm tra, quản lý còn gặp rất nhiều khó khăn. Một số đối tượng kinh doanh thông qua mạng xã hội khó xác định được danh tính, không có cơ sở kinh doanh cố định; việc kinh doanh, lưu giữ hàng hóa diễn ra ngay tại nhà ở, giao dịch chủ yếu theo hình thức ship hàng tận nơi dẫn đến khó kiểm tra, xử lý.

Ngoài ra, các đối tượng kinh doanh lập nhiều tài khoản trên các trang mạng xã hội, bán hàng theo hình thức livestream hoặc đăng bán; các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua nhắn tin riêng. Đây cũng là những nguyên nhân gây khó khăn hơn trong công tác kiểm tra, xử lý.

5.jpg
Đội QLTT số 1 quản lý hàng hóa lưu thông trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đình Khoa – Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Tĩnh cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục rà soát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân để kịp thời phát hiện, xử lý đối với các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cùng đó, tăng cường trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng như công an, hải quan, thuế… đối với hoạt động kinh doanh trên website, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để phối hợp kiểm tra, xử lý các vi phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử, cảnh báo các hành vi lợi dụng môi trường thương mại điện tử để thu thập thông tin khách hàng, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.

Đặc biệt, Cục QLTT cũng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân sử dụng website để kinh doanh phải thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định và công bố đầy đủ thông tin trên website.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Không chỉ là bài học riêng cho 3 bị cáo, phiên tòa mà TAND tỉnh Hà Tĩnh vừa mở còn là lời cảnh tỉnh cho những ai hám lợi để vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Đói ăn vụng, túng làm liều

Đói ăn vụng, túng làm liều

Chỉ vì cần tiền thỏa mãn nhu cầu cá nhân, Nguyễn Văn Trọng (SN 1989, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã bất chấp hậu quả, sa chân vào con đường bất chính…
Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Quy định mới về xử lý người vi phạm Luật ATGT có hiệu lực thi hành được nhiều người dân đồng tình, tuy nhiên vẫn có một bộ phận cho rằng, mức xử phạt quá nặng.
Khi lòng tham lấn át lý trí

Khi lòng tham lấn át lý trí

Dù trong độ tuổi lao động nhưng Phùng Hà Trang (trú ở TP Hà Tĩnh) không tu chí làm ăn, mà rẽ lối sang con đường phi pháp. Kẻ lừa đảo đã phải nhận 15 năm tù giam.