Theo dự thảo Nghị định, trường hợp vay bù đắp bội chi NSĐP phải được bù đắp chủ yếu bởi các khoản vay trung và dài hạn. Ảnh T.L minh họa
Nâng mức thẩm quyền quyết định dự phòng NSTW
Một trong những điểm mới quy định tại dự thảo Nghị định là về bội chi ngân sách của ngân sách địa phương (NSĐP). Nội dung này, theo Bộ Tài chính, ngoài quy định của Luật NSNN năm 2015, để bảo đảm NSĐP có khả năng trả nợ và do vay bù đắp bội chi của NSĐP dùng để đầu tư, nên các khoản vay cần phải bảo đảm thời gian vay trung hạn và dài hạn, tránh tình trạng thường xuyên phải vay mới và trả nợ cũ.
Vì vậy, dự thảo Nghị định có quy định 02 điều kiện được phép bội chi NSĐP để tổng hợp trình Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
Trong đó, Bộ Tài chính dự kiến 2 phương án quy định về điều kiện được phép bội chi NSĐP khi phát sinh khoản nợ quá hạn nhằm bảo đảm NSĐP phải chủ động bố trí trả hết nợ (cả gốc và lãi) khi đến hạn từ các nguồn bố trí dự toán đầu năm, nếu bố trí dự toán đầu năm chưa đủ thì phải sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi trong năm và nguồn kết dư ngân sách năm trước.
Cụ thể, phương án 1: Kết thúc thời gian chỉnh lý quyết toán năm trước năm xây dựng dự toán, không phát sinh nợ quá hạn đối với các khoản nợ vay phải thanh toán trong năm ngân sách trước năm xây dựng dự toán. Trường hợp đặc biệt, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Phương án 2: Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm ngân sách trước năm xây dựng dự toán, không phát sinh nợ quá hạn đối với các khoản nợ vay phải thanh toán trong năm ngân sách trước năm xây dựng dự toán. Trường hợp đặc biệt, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Trường hợp vay bù đắp bội chi NSĐP phải được bù đắp chủ yếu bởi các khoản vay trung và dài hạn. Bộ Tài chính hằng năm, căn cứ diễn biến thị trường vốn, trình Chính phủ, Quốc hội quy định tỷ lệ tối thiểu các khoản vay bù đắp bội chi NSĐP có thời hạn vay trung và dài hạn.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định rõ việc xác định, tính toán mức dư nợ vay tối đa của các địa phương và số thu NSĐP để xác định mức dư nợ tối đa chỉ tính thu NSĐP được hưởng theo phân cấp (không bao gồm thu bổ sung từ ngân sách cấp trên, thu chuyển nguồn, thu từ quỹ dự trữ tài chính,..).
Về thẩm quyền quy định sử dụng dự phòng NSTW, dự thảo Nghị định cơ bản kế thừa Nghị định số 60/2003/NĐ-CP, theo đó quy định Chính phủ giao Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định sử dụng dự phòng NSTW. Riêng đối với thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính, để đảm bảo giá trị tương đương của đồng tiền Việt Nam và quy mô NSNN hiện nay, dự kiến nâng mức thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính từ không quá 01 tỷ đồng (mức này quy định từ năm 1997, với tốc độ trượt giá từ năm 1997 đến hết năm 2015 là 239%), lên không quá 03 tỷ đồng.
Đơn vị cấp phép được thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Đối với nội dung phân cấp quản lý ngân sách và mối quan hệ giữa ngân sách các cấp, dự thảo quy định gồm 8 điều (từ điều 14 đến điều 21). Trong đó, thực hiện Điều 35 của Luật NSNN năm 2015 giao Chính phủ quy định chi tiết về nguồn thu của NSTW, dự thảo Nghị định (Điều 14) có quy định, hướng dẫn chi tiết bốn nội dung.
Một là, thuế tiêu thụ đặc biệt từ hàng hóa nhập khẩu, bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt từ hàng hóa nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hóa từ cơ sở kinh doanh hàng nhập khẩu (trừ xăng các loại) tiếp tục bán ra trong nước (điểm c khoản 1 Điều 14) là khoản thu NSTW hưởng 100%.
Hai là, các khoản thu từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, NSTW hưởng 100%, bao gồm: Thuế tài nguyên, thuế TNDN, thuế GTGT, lãi được chia nước chủ nhà, các loại phí, tiền thuê mặt nước, các khoản thuế, phí và thu khác từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí (điểm đ khoản 1 Điều 14). Đồng thời, kế thừa quy định hiện hành quy định thuế TNDN của các nhà thầu phụ phát sinh từ các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động thăm dò và khai thác dầu, khí là khoản thu phân chia giữa NSTW và NSĐP.
Ba là, thuế TNDN, dự thảo Nghị định (điểm c khoản 2 Điều 14) quy định là khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa NSTW và NSĐP. Tuy nhiên, đối với thuế thu nhập của các DN hạch toán tập trung lĩnh vực thương mại, dịch vụ có hoạt động kinh doanh trên địa bàn nhiều tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng nếu đưa về nơi đóng trụ sở để phân chia ngân sách thì không công bằng, mà phải thực hiện phân bổ số thu cho các địa phương trước khi phân chia ngân sách như đối với thuế thu nhập của các DN hạch toán tập trung lĩnh vực sản xuất hiện nay đang thực hiện (đối với DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đã được quy định trong Điều 12 của Luật thuế TNDN).
Vì vậy, dự thảo Nghị định (điểm b khoản 2 Điều 14) quy định: Đối với DN có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với địa bàn nơi DN có trụ sở chính, thì số TNDN được tính nộp theo tỷ lệ chi phí sản xuất giữa nơi có cơ sở sản xuất và nơi có trụ sở chính.
Đối với DN trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có hoạt động kinh doanh trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng hạch toán tập trung và nộp thuế TNDN tại địa phương nơi có trụ sở chính, thì số thuế TNDN được phân bổ cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi DN có hoạt động kinh doanh theo tỷ lệ doanh thu của các cơ sở hạch toán phụ thuộc trên tổng doanh thu của DN. Các trường hợp các DN đặc thù không tính theo doanh thu, thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc kê khai, nộp thuế TNDN đối với DN hạch toán tập trung và phân bổ cho các địa phương cấp tỉnh nơi DN có hoạt động kinh doanh.
Bốn là, về thu cấp quyền khai thác khoáng sản, Luật NSNN năm 2015 chưa quy định nội dung này. Hiện nay, khoản thu này được quy định tại Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Theo đó quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với giấy phép do trung ương cấp, NSTW hưởng 70%, NSĐP hưởng 30%; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với giấy phép do địa phương cấp, NSĐP hưởng 100%.
Để đảm bảo thống nhất phân chia nguồn thu giữa NSTW và NSĐP, dự thảo Nghị định quy định khoản thu này như đối với phí, lệ phí và thu xử phạt hành chính, theo đó dự thảo Nghị định (điểm l khoản 1 Điều 14 và điểm q khoản 1 Điều 16) quy định: tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do cấp nào cấp phép thì ngân sách cấp đó hưởng./.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật NSNN số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015 (gọi tắt là Luật NSNN năm 2015), thay thế Luật NSNN năm 2002 và có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017; trong đó có nhiều quy định mới rất quan trọng làm thay đổi quy trình quản lý NSNN. Vì vậy, để cụ thể hóa Luật NSNN năm 2015 và đồng bộ cơ sở pháp lý quản lý NSNN, thì việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật NSNN năm 2015 là cần thiết. |