Hàng nghìn trẻ em Mỹ cấp cứu vì dùng kẹo hỗ trợ giấc ngủ

Mỹ báo cáo khoảng 11.000 trẻ em nhập viện cấp cứu những năm gần đây do dùng melatonin, một thực phẩm chức năng hỗ trợ giấc ngủ không kiểm soát.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Báo cáo được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đưa ra vào ngày 8/3 trên Tạp chí JAMA. Melatonin là một loại hormone do não sản xuất để phản ứng với bóng tối, điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ tự nhiên của cơ thể, còn gọi là nhịp sinh học. Chất bổ sung melatonin, thường được bán dưới dạng kẹo dẻo có hương vị, phổ biến với những người bị khó ngủ do lệch múi giờ hoặc làm ca.

Trong báo cáo mới, các nhà nghiên cứu từ CDC và Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Mỹ đã xác định các trường hợp trẻ em từ 5 tuổi trở xuống được đưa đến khoa cấp cứu từ năm 2019 đến năm 2022 sau khi uống melatonin mà không có sự giám sát.

Hơn một nửa số ca vô tình nuốt phải viên chứa melatonin là ở trẻ từ ba đến 5 tuổi, phần lớn các trường hợp này không liên quan đến dùng thuốc bổ sung. Trong hầu hết ca cấp cứu được ghi nhận, bác sĩ không ghi rõ nhãn hiệu melatonin trẻ ăn phải. Tuy nhiên, kẹo dẻo melatonin chiếm khoảng 5.000 trường hợp.

Nghiên cứu cho thấy 25 sản phẩm được dán nhãn là kẹo dẻo melatonin chứa hàm lượng hormone nguy hiểm. Các chuyên gia của CDC viết: "Khác biệt về thành phần hoặc hàm lượng có thể gây rủi ro đối với trẻ em".

Kẹo ngủ melatonin. Ảnh: Eatingwell

Kẹo ngủ melatonin. Ảnh: Eatingwell

Họ khuyến nghị người lớn sống cùng với trẻ nhỏ phải cân nhắc khi mua các sản phẩm melatonin, luôn để thuốc ngoài tầm với của trẻ. Nghiên cứu cũng cảnh báo các bậc cha mẹ không cho con uống melatonin ngoài chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

CDC lưu ý, tỷ lệ sử dụng melatonin ở người trưởng thành cũng tăng vọt kể từ đầu những năm 2000. Sự gia tăng này trùng với mức tăng 420% số lượt trẻ em đến khoa cấp cứu, uống melatonin không được giám sát.

Các nhà khoa học cho biết cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để xem xét việc sử dụng melatonin cho trẻ (dưới dạng kẹo ngủ) có an toàn và cần thiết hay không. Theo Trung tâm Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp Quốc gia, một khoa của Viện Y tế Quốc gia, melatonin dường như "an toàn cho hầu hết trẻ em nếu sử dụng trong thời gian ngắn". Tuy nhiên, họ chưa chỉ rõ lượng melatonin là bao nhiêu, cũng chưa so sánh giữa lợi ích và rủi ro của sản phẩm này.

Nguồn: https://vnexpress.net/hang-nghin-tre-em-my-cap-cuu-vi-dung-keo-ho-tro-giac-ngu-4720690.html

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast