Hàng trăm người dân Hà Tĩnh chủ động tiêm phòng bệnh dại

(Baohatinh.vn) - Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm 2020 đã có 641 trường hợp đến khám, tư vấn tiêm vắc - xin và huyết thanh dự phòng bệnh dại.

Hàng trăm người dân Hà Tĩnh chủ động tiêm phòng bệnh dại

Bà Mỳ được cán bộ Trung tâm Y tế Cẩm Xuyên tiêm vắc - xin phòng dại.

Đi tiêm phòng mũi phòng dại thứ 3 tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên, bà Lê Thị Mỳ (xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên) cho biết: “Cách đây 10 ngày tôi có sang nhà hàng xóm chơi, không may bị chó cắn vào ngón tay trái, vết cắn dài 3cm, chảy nhiều máu. Ngay sau đó, tôi về rửa vết cắn bằng xà phòng cẩn thận. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, tôi tiếp tục đến Trung tâm y tế để tiêm vắc - xin phòng bệnh dại".

Tương tự đối với bà Đặng Thị Xuân (xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà) không may bị chó cắn ở chân. Dù chó sau khi cắn vẫn khỏe mạnh, mọi người tư vấn cho bà nếu 12 ngày nếu chó không chết, không bỏ đi thì bà không phải đi tiêm phòng. Tuy nhiên để cẩn thận, bà Xuân vẫn tiến hành đến Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Tĩnh tiêm phòng dại.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh dại là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương do virus dại gây ra, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi. Virus dại thuộc họ Rhabdoviridae lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó và mèo. Virus xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắn, vết liếm, vết cào, da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở.

Hàng trăm người dân Hà Tĩnh chủ động tiêm phòng bệnh dại

Không chủ quan với việc bị chó cắn, bà Xuân đã đến Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Tĩnh tiêm vắc xin phòng dại.

Thời kỳ ủ bệnh có thể thay đổi từ 12 ngày đến 1 năm, nhưng thường từ 2 - 3 tháng, kể từ ngày bị cắn. Thời kỳ ủ bệnh ngắn hay dài tùy thuộc vào vị trí vết cắn và số lượng virus xâm nhập qua vết cắn. Bệnh khởi phát với các triệu chứng ban đầu như: sốt, sợ hãi, đau đầu, mệt mỏi, khó chịu... Giai đoạn phát bệnh dại xuất hiện với các biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động, gió và nước. Ngoài ra, bệnh nhân có thể kèm theo các rối loạn như: giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vả mồ hôi, hạ huyết áp và tử vong.

Thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 50.000 - 70.000 người tử vong do bệnh dại và trên 10 triệu người phải điều trị dự phòng bằng vắc - xin dại. Tại Việt Nam, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm và hiện nay số tử vong do dại vẫn ghi nhận ở mức cao với khoảng 100 trường hợp trong một năm.

Đối với Hà Tĩnh, từ năm 2013 đến nay trên địa bàn cũng đã có 8 trường hợp tử vong sau khi bị chó cắn.

Hàng trăm người dân Hà Tĩnh chủ động tiêm phòng bệnh dại

Chuyên gia y tế khuyến cáo quản lý tốt đàn vật nuôi, hạn chế tiếp xúc với chó vào mùa hè.

Số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cho thấy, nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh số người đến tiêm phòng dại khá cao. Năm 2018 có 1.760 ca được tiêm vắc - xin phòng dại, năm 2019 là 2.050 ca và trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù số lượng tiêm phòng giảm mạnh do phòng chống dịch Covid-19 và một số đơn vị hết vắc - xin phòng dại, nhưng cũng đã có 641 trường hợp đến khám, tư vấn tiêm vắc - xin và huyết thanh dự phòng bệnh dại.

Bác sỹ Nguyễn Chí Trung, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (CDC Hà Tĩnh) cho biết: “Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thể điều trị dự phòng bằng vắc - xin và huyết thanh ngay sau khi bị phơi nhiễm tùy theo từng mức độ tổn thương. Tiêm phòng vừa là biện pháp dự phòng vừa là biện pháp điều trị duy trì để có thể cứu sống bệnh nhân khi bị súc vật dại cắn. Bệnh dại không thể cứu được khi đã phát bệnh, tỷ lệ tử vong là 100%".

Hàng trăm người dân Hà Tĩnh chủ động tiêm phòng bệnh dại

Bác sỹ Nguyễn Chí Trung, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh) khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn, cào cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng vắc xin dại kịp thời.

Bác sỹ Trung cũng khuyến cáo, tất cả các trường hợp sau khi bị chó, mèo, cắn, cào cần phải xử lý sơ bộ bằng cách rửa xà phòng đậm đặc, sau đó rửa bằng nước muối và bôi cồn Iốt hoặc cồn sát trùng thông thường nhằm giảm tối đa lượng virus tại nơi nơi bị tổn thương; sau đó, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng vắc - xin dại kịp thời.

Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không đắp thuốc lá, không tự chữa, không nhờ thầy lang bốc thuốc để chữa bệnh dại. Mỗi gia đình, cá nhân tích cực tham gia phòng và quản lý tốt đàn vật nuôi, không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại, không mua bán, vận chuyển chó mèo ra, vào vùng dịch. Khi phát hiện hay nghi động vật bị dại cần báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó mèo bị dại.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.
“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.