Hậu Brexit: Scotland sẽ phải nộp đơn xin tái gia nhập EU

Ngày 13/3, Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas tuyên bố Scotland sẽ phải nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nếu cử tri nước này ủng hộ tách khỏi Vương quốc Anh trong một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 tới đây.

hau brexit scotland se phai nop don xin tai gia nhap eu

Những người ủng hộ độc lập tuần hành tại Quảng trường George ở Glasgow, Scotland. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon công bố kế hoạch tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 về việc độc lập khỏi Anh sau Brexit (Anh ra khỏi EU).

Ông Schinas nhắc lại lập trường của nguyên Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso tuyên bố tháng 2/2014 trước khi Scotland tiến hành trưng cầu ý dân lần thứ nhất về việc độc lập khỏi Anh, trong đó ông này nhấn mạnh một Scotland độc lập tách khỏi Anh sẽ phải làm đơn xin gia nhập EU như các nước muốn gia nhập EU và phải được sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên EU, chứ không thể tự động là thành viên của EU được. Ông Barroso cũng nhấn mạnh rằng sẽ rất khó để giành được sự chấp thuận từ tất cả 27 nước thành viên còn lại để gia nhập.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng lên tiếng nói rằng Scotland độc lập không có nghĩa tư cách thành viên NATO của Scotland cũng tự động được công nhận.

Trước đó, ngày 13/3, Thủ hiến Scotland Sturgeon tuyên bố vùng lãnh thổ này sẽ sớm khởi động tiến trình yêu cầu Chính phủ liên hiệp Anh tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới về khả năng rời khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019, trước khi Anh rời EU. Theo bà, điều quan trọng là Scotland có thể thực hiện quyền lựa chọn tương lai của riêng mình vào thời điểm phù hợp khi các sự lựa chọn đã rõ ràng hơn, song vẫn phải đảm bảo trước khi quá muộn để quyết định đi hay ở lại Vương quốc Anh.

Trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra ngày 23/6 năm ngoái, 52% người dân trên khắp Vương quốc Anh ủng hộ Brexit. Tuy nhiên, riêng tại Scotland, có đến 62% người dân xứ này lựa chọn ở lại EU. Do đó, ngay sau cuộc trưng cầu dân ý trên với phần thắng nghiêng về phe Brexit, Thủ hiến Sturgeon nhiều lần khẳng định Scotland không muốn rời khỏi EU và quyết tâm ở lại liên minh này.

Scotland có khoảng 5,3 triệu dân và có lịch sử 300 năm nằm trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Trong cuộc trưng cầu năm 2014 về nền độc lập, có hơn 55% cử tri Scotland ủng hộ ở lại Vương quốc Anh. Dù trong các cuộc thăm dò mới, số người ủng hộ xứ này độc lập đã tăng lên song phần lớn người dân vẫn phản đối việc tổ chức lại một cuộc trưng cầu ý dân mới về độc lập trước khi Anh rời khỏi mái nhà chung EU.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.