Hậu duệ... "xảm" tàu!

(Baohatinh.vn) - Cũng như các phương tiện giao thông khác, tàu thuyền vẫn không tránh khỏi những “sự cố” khi lênh đênh trên biển. Đó có thể là “lủng” vỏ, hư máy hay nước sơn xuống cấp... Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, nhiều thợ thuyền miền biển Hà Tĩnh đã tiếp nối các thế hệ giữ nghề “vá” (còn gọi là xảm, làm nước) tàu thuyền vỏ gỗ như một duyên nghiệp...

hau due xam tau

Trước khi tiến hành vá vỏ tàu thuyền gỗ, công đoạn làm sạch lớp võ cũ cũng không kém phần quan trọng

Thường thì sau 5 năm hạ thủy, tàu thuyền vỏ gỗ mới bắt đầu được chủ thuyền cho “nghỉ ngơi”, tu sửa lại. Tùy theo tuổi thọ, mức độ hư hỏng của tàu thuyền mà có phương án cải tạo khác nhau. Nếu qua 5 năm sử dụng thì tiểu tu, 10 năm thì trung tu và nhiều hơn thế là đại tu. Thế nhưng, cũng có khi vì những bất trắc như va vào tàu khác, “sóng dập, gió dồi” nên tàu thuyền hư hỏng sớm hơn. Thường tàu thuyền phải kéo lên bờ mới tiến hành tu sửa được nên ở các vùng biển, cảng cá, bến bãi âu thuyền hay “sản sinh” ra thợ thuyền nhiều hơn các vùng khác.

Thợ thuyền ở vùng biển Thạch Kim (Lộc Hà) tuy không mạnh về đóng tàu mới nhưng lại được các lão ngư nhắc nhớ về kỹ thuật sửa chữa vỏ tàu hay còn gọi là xảm, làm nước. Mặc dù số lượng thợ thuyền chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng những cái tên như ông Danh, ông Bé hay anh Hào, anh An luôn được chủ tàu thuyền tín nhiệm mỗi khi “ngôi nhà di động” của họ có vấn đề.

Gặp thợ thuyền lão luyện Nguyễn Minh Danh (thôn Hoa Thành - Thạch Kim) trong một buổi chiều nhuộm màu xám xịt. Tựa cửa nhìn về phía biển, với giọng nói trầm khàn đặc trưng, lão mở lời: “Trời động thế này vừa tội bà con không ra khơi được lại vừa tội mình. Tàu thuyền có đi biển nhiều thì mới hư, mới cần đến mình. Nghề này không chờ đến mùa mà cứ bình bình, chậm chậm nhưng hơn 40 năm qua, tôi và gia đình vẫn sống ổn với nghề…”.

hau due xam tau

Công việc “vá” tàu thuyền đòi hỏi sự tỉ mỉ và bàn tay khéo léo của người thợ. Ảnh: Chính Cương

“Vá” thuyền không quá khó nhưng để khe “vá” bền lại là cả một bí quyết gia truyền. Và theo đánh giá của nhiều chủ thuyền, tay thợ ở Thạch Kim khá hơn nhiều chỗ khác khi độ bền sau khi xảm được đến hơn 4 năm. Trước đây, nghề sửa chữa vỏ tàu gỗ rất vất vả khi phải phụ thuộc vào thủy triều, hầu như toàn ngồi không đợi nước rút mới ra sửa và nếu chưa xong lại cập rập thu dọn đồ nghề vào bờ chờ ngày mai. Nhưng gần 10 năm lại nay, khi xuất hiện triền đà (đường ray để kéo tàu thuyền lên bờ - PV) thì nghề xảm hiệu quả hơn.

Hiện nay, HTX Hải Hà (thôn Xuân Phượng - Thạch Kim) chuyên về dịch vụ sửa chữa, đóng mới tàu thuyền đã đứng ra làm đầu mối để giúp chủ thuyền và thợ xảm thuận tiện hơn khi có nhu cầu. HTX hiện có 2 triền đà kéo được tàu thuyền công suất nhỏ và đang triển khai lắp mới triền đà công suất lớn hơn để phục vụ sửa chữa các tàu xa bờ.

Theo đó, tàu thuyền có nhu cầu sửa chữa sẽ được một nhóm 4-6 công nhân của HTX Hải Hà kéo lên bờ theo triền đà. Sau khi dọn lớp sơn bên ngoài, thợ thuyền sẽ căn chỉnh, lắp ghép ván gỗ ở những chỗ hư hỏng không thể phục chế hoặc “chế thuốc” để xảm vào những khe hở của tàu thuyền. Để xảm tàu thuyền, người thợ phải dùng đục to bảng để đưa xơ tre trộn với dầu và một số chất kết dính khác vào khe hở của 2 tấm ván trên thân tàu nhằm trét mạch, tránh nước biển vào trong. Công việc xảm tàu thuyền đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ. Thợ xảm càng kỹ lưỡng thì tàu thuyền càng lâu bị nước vào, kéo dài tuổi thọ.

Dù không nguy hiểm như nghề chẻ đá trên triền núi hay lặn biển bắt tôm cá ngoài khơi, nhưng chấn thương do té ngã, bất cẩn khi thao tác kỹ thuật là chuyện không thể tránh khỏi đối với những người thợ cẩu kéo, sửa chữa tàu thuyền vỏ gỗ. Tùy vào mức độ hư hỏng, yêu cầu của chủ thuyền mà giá cả sửa chữa khác nhau. Tuy thu nhập của các thợ thuyền không cao, chỉ từ 6-8 triệu đồng/tháng nhưng khá đều đặn.

Lúc nhỏ thì theo cha anh, khi “đủ lông, đủ cánh” lại một mình đứng vững làm nghề và khi tuổi già, sức yếu lại truyền nghề cho con. Vòng duyên nghiệp ấy hiện đang “vận” vào những người làm nghề “vá” tàu ở vùng biển Thạch Kim. Những thợ thuyền trẻ tuổi như anh An, anh Hào là “hậu duệ” tiếp nối nghề truyền thống của gia đình. Dù có xao động bởi những nghề mới nhẹ nhàng hơn, thu nhập cao hơn nhưng các anh vẫn đau đáu một điều “người làm nghề đã ít, nay mình mà chuyển nghề nữa thì lấy ai xảm tàu cho bà con…”. Bởi cũng không quá khi nói rằng, những thợ sửa chữa tàu thuyền cũng là hậu phương tiếp sức cho các lão ngư dũng mãnh vươn khơi…

Chủ đề 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.