Chiều 29/9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, UBND tỉnh Hà Tĩnh họp nghe báo cáo và lấy ý kiến góp ý dự thảo đề án “Phát triển Trường Đại học Hà Tĩnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp, Tiến sỹ Đoàn Hoài Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh cho biết: Được thành lập từ năm 2007, đến nay, nhà trường có gần 350 cán bộ, giáo viên và nhân viên, quy mô đào tạo gần 4.000 học sinh sinh viên. Trường đang đào tạo 23 mã ngành đại học.
Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh báo cáo nội dung đề án.
Qua 14 năm, trường đã đào tạo gần 12.000 nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực, trong đó có hơn 3.500 nhân lực cho Lào. Trường Phổ thông liên cấp và Trường Mầm non hiện giảng dạy và chăm sóc 850 học sinh.
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời gian tới, nhà trường đã xây dựng dự thảo đề án “Phát triển Trường Đại học Hà Tĩnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hồng Cường: Nhà trường cần xác định rõ mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể. Khung thời gian thực hiện đề án nên từ năm 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 thay vì từ năm 2020 - 2025.
Dự thảo đề án xác định, Trường Đại học Hà Tĩnh phấn đấu là trường đại học đa cấp, đa ngành, định hướng nghiên cứu, ứng dụng và cung cấp sản phẩm khoa học công nghệ, nguồn nhân lực có kiến thức, năng lực thực hành phù hợp với yêu cầu sử dụng lao động thực tiễn của tỉnh và khu vực Bắc miền Trung.
Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thị Tố Hoa: Quá trình xây dựng đề án, trường cần quan tâm tinh giản bộ máy, đảm bảo phù hợp tỷ lệ đội ngũ giảng viên với đội ngũ cán bộ phục vụ hành chính, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.
Định hướng phấn đấu đến năm 2025 trường có 3 - 5 ngành đào tạo thạc sỹ, đến năm 2030 có một số ngành đào tạo tiến sỹ và có thể tự đào tạo nhân lực.
Trường thành lập trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; từng bước chuẩn hóa cán bộ; phát triển các chương trình đào tạo liên kết...
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Huy Trọng: Các chiến lược khoa học công nghệ cần đi vào chiều sâu, đề cao tính ứng dụng của các đề tài khoa học vào thực tiễn.
Tại cuộc họp, đại biểu cho rằng, đề án cần tính toán, rà soát lại các số liệu đảm bảo chính xác, đánh giá, nhìn nhận rõ thực trạng hiện có, từ đó xây dựng mục tiêu, giải pháp sát đúng với tình hình thực tiễn. Đề án cần phát huy thế mạnh về đào tạo sư phạm, đào tạo ngoại ngữ; chú trọng mở rộng đào tạo liên kết; chiến lược khoa học công nghệ cần đi vào chiều sâu; quan tâm tinh giản bộ máy đảm bảo hiệu lực hoạt động...
Đối với việc mở thêm các mã ngành đào tạo mới, nhà trường cần nghiên cứu kỹ nhu cầu thực tiễn và các yếu tố liên quan trước khi quyết định.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND Lê Ngọc Châu khẳng định, cần xác định rõ mục tiêu xây dựng Trường Đại học Hà Tĩnh phát triển cùng với sự phát triển chung của tỉnh là yếu tố tất yếu và cần thiết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Trường Đại học Hà Tĩnh tiếp thu các ý kiến của đại biểu, chọn lọc nội dung phù hợp để bổ sung, hoàn thiện dự thảo đề án. Đề án cũng cần tiếp tục được thảo luận, họp bàn kỹ lưỡng và xin ý kiến từ các nhà khoa học, các chuyên gia.
Trong quá trình xây dựng đề án, nhà trường cần làm rõ các giải pháp sắp xếp về tổ chức bộ máy; cập nhật các chính sách mới; phân tích kỹ xu hướng nghề, định hướng phát triển của Hà Tĩnh và các tỉnh trong khu vực để xác định ngành nghề đào tạo phù hợp; nghiên cứu thêm về đào tạo nghề ngắn hạn, liên kết đào tạo...