Đề xuất này nằm trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm học phí đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo, quy định học sinh công lập ở các cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT sẽ được miễn học phí.
Bộ cũng đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ học phí cho cả học sinh mầm non và phổ thông đang theo học tại các trường dân lập, tư thục, cũng như các cơ sở giáo dục thường xuyên công lập và tư thục khác có dạy chương trình phổ thông. Mức hỗ trợ này dự kiến tối đa bằng mức học phí trần của các trường công lập chưa tự chủ tài chính do HĐND tỉnh quy định.
Theo lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc hỗ trợ học phí cho cả trẻ mầm non và học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục nhằm đảm bảo thực thi chính sách thống nhất và công bằng cho tất cả người học, không phân biệt loại hình trường. Cơ quan soạn thảo đề xuất thời điểm áp dụng chính sách miễn, giảm và hỗ trợ học phí trên phạm vi toàn quốc sẽ bắt đầu từ năm học 2025-2026.
Chính sách này nếu được thông qua sẽ mở rộng diện được miễn học phí so với quy định hiện hành trong Luật Giáo dục. Luật Giáo dục chỉ quy định học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; trẻ em mầm non 5 tuổi (không phải vùng đặc biệt khó khăn) và học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Cuối tháng 2, Bộ Chính trị quyết định học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên toàn quốc được miễn học phí từ năm học 2025-2026. Quyết định này được đưa ra khi Bộ Chính trị xem xét báo cáo của Chính phủ về khả năng cân đối tài chính trong và sau quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo số liệu năm học 2023-2024, cả nước có tổng cộng 23,2 triệu học sinh. Khối công lập chiếm đa số với 21,5 triệu em, còn lại 1,7 triệu học sinh theo học tại các trường ngoài công lập. Trong đó, 4,8 triệu trẻ mầm non, 8,8 triệu là học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh THCS và 2,99 triệu học sinh THPT.
Ước tính dựa trên số liệu này, tổng nhu cầu kinh phí ngân sách để thực hiện việc miễn và hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến hết lớp 12 trên cả nước vào khoảng 30.000 tỷ đồng.
Tổng ngân sách miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học và THCS năm học 2025-2026 là 22.500 tỷ đồng. Như vậy, để triển khai đầy đủ chủ trương mở rộng miễn giảm và hỗ trợ học phí theo kết luận của Bộ Chính trị, ngân sách nhà nước dự kiến cần tăng thêm 8.200 tỷ đồng.
Hiện tại, mức học phí đối với học sinh mầm non dao động từ 50.000 đến 540.000 đồng/tháng, và học sinh phổ thông từ 50.000 đến 650.000 đồng/tháng tùy theo cấp học, khu vực (thành thị, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Mức học phí cụ thể do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định trong khung quy định của Chính phủ. Nhiều địa phương lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... đã chủ động chi ngân sách để giảm hoặc miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông trên địa bàn.
Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội 4 tháng trước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh mục tiêu của chính sách phổ cập giáo dục là đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội học tập, với lộ trình thực hiện từng bước từ tiểu học lên các cấp học cao hơn, bao gồm cả hỗ trợ tài chính thông qua miễn giảm học phí và cung cấp suất ăn miễn phí.