Hội nghị trực tuyến chính phủ ngày thứ 2: Các bộ trưởng nêu định hướng lớn

(Baohatinh.vn) - Sáng 29/12, dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hội nghị trực tuyến triển khai nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với phần tham luận của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ. .

Hội nghị trực tuyến chính phủ ngày thứ 2: Các bộ trưởng nêu định hướng lớn

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng Lê Đình Sơn, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Chống Covid-19 là ưu tiên hàng đầu

Báo cáo nguyên nhân, kết quả đạt được trong năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh các bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành. Đó là, phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp.

Hội nghị trực tuyến chính phủ ngày thứ 2: Các bộ trưởng nêu định hướng lớn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cáo nguyên nhân, kết quả đạt được trong năm 2020

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ trương đúng đắn này được triển khai suốt thời gian qua và cần được thực hiện mạnh mẽ thời gian tới trong bối cảnh rất khó đoán định. Cùng với đó, tận dụng các cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, thu hút FDI… để gia tăng khả năng chống chịu, sự độc lập, tự chủ của nền kinh tế; nhận định, đánh giá đúng tình hình về khó khăn, thách thức và cơ hội, xây dựng giải pháp, đối sách phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Theo đó, phòng chống Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất để thực hiện các nhiệm vụ, việc mở cửa trở lại phải xem xét rất thận trọng.

Cùng với đó, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, các đột phá chiến lược, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp, các sản phẩm. Đẩy nhanh chuyển đổi số. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao. Khẩn trương lập Đề án trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và TPHCM. Tập trung hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý và triển khai các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Tập trung đẩy nhanh công tác lập quy hoạch. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành giá, nhất là giá cả hàng hóa phải thận trọng, phù hợp. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp để các doanh nghiệp vươn ra quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thu ngân sách tăng cao hơn 150.000 tỷ đồng so với đánh giá

Hội nghị trực tuyến chính phủ ngày thứ 2: Các bộ trưởng nêu định hướng lớn

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, mặc dù trải qua nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2020 nhưng kết quả kinh tế - xã hội, thu ngân sách khá toàn diện và tích cực.

Kết quả thu cân đối ngân sách nhà nước đến hết 28/12/2020 đạt 1 triệu 426 nghìn tỷ đồng, bằng 94,32% dự toán, cao hơn hơn 101,4 nghìn tỷ đồng so với con số đã báo cáo Quốc hội, vẫn đang chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc phối hợp với các cấp các ngành đôn đốc các khoản thu trên tinh thần thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định và tuyệt đối không động viên các doanh nghiệp nộp trước các khoản chưa đến hạn.

Ước thu ngân sách cả năm đạt 1 triệu 472 nghìn tỷ đồng, bằng 98,3% dự toán cao hơn 148-150 nghìn tỷ đồng so với con số đánh giá tháng 8, tháng 9 để báo cáo Quốc hội, trong đó thu nội địa trên 98%, thu dầu thô 97,7%...

Trong điều kiện thu ngân sách khó khăn, vẫn bảo đảm nguồn thực hiện các khoản chi quan trọng theo dự toán, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, đồng thời bổ sung chi phòng chống dịch, hỗ trợ người lao động bị giảm sâu vào thu nhập, chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

Năm 2021, ngành Tài chính khẩn trương rà soát, báo cáo Chính phủ và các cấp có thẩm quyền các giải pháp ưu đãi, miễn giảm, giãn các khoản thuế, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thu hút các nguồn dịch chuyển vốn đầu tư phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn kế hoạch..., tuy nhiên cũng cần căn cứ vào thực tiễn.

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế đề nghị các ngành, cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo công tác quản lý ngân sách bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thu; chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, buôn lậu gian lận thương mại, xuất xứ, giao chỉ tiêu giảm nợ đọng thuế, trốn thuế 5%, phấn đấu tăng thu ngân sách tối thiểu 3% so với dự toán ngân sách được giao…

Chuyển nguy thành cơ

Hội nghị trực tuyến chính phủ ngày thứ 2: Các bộ trưởng nêu định hướng lớn

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà ngành đã chuyển đổi thành công, biến nguy thành cơ, từ bị động thành chủ động.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, trước đây, ngành Tài nguyên và Môi trường thường được nhắc đến với những khó khăn, tồn tại. Nhưng cùng với những thành tựu chung của đất nước, ngành đã chuyển đổi thành công, biến nguy thành cơ, từ bị động thành chủ động.

Ngành đã liên tục lắng nghe ý kiến các địa phương, trình Chính phủ ban hành 5 nghị định liên quan tới lĩnh vực đất đai, giải quyết rất nhiều nội dung mà nhiều địa phương đã nêu tại Hội nghị, đặc biệt là liên quan tới việc chuẩn bị đất đai cho các dự án đầu tư. “Vấn đề này khẳng định sẽ được giải quyết, nếu có vấn đề gì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng”, Bộ trưởng nói.

Ngành đã chuyển hơn 230.000 ha đất sang mục đích phi nông nghiệp, phục vụ các dự án phát triển kinh tế. Khai thác khoáng sản tài nguyên khác vượt dự thu. Dự toán thu từ đất công sản vượt hơn 150%.

Quan trọng hơn, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Sắp tới, có thể chuyển 25% lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày thành năng lượng với việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Bộ trưởng cũng mong muốn các địa phương cụ thể hóa bằng các hành động để thực hiện tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững.

Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương để xây dựng các quy hoạch có chất lượng, đặc biệt là vấn đề phòng chống thiên tai.

Về biến đổi khí hậu, Nghị quyết 120 của Chính phủ phát triển bền vững ĐBSLC là hết sức quan trọng và các vùng khác như Tây Bắc, Tây Nguyên… cũng cần có những văn bản như vậy.

Lắng nghe từng hơi thở của doanh nghiệp

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HHĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam bày tỏ cảm ơn sự chỉ đạo chính xác, quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương trong phòng chống dịch COVID – 19, nhờ đó, ngành Dệt may Việt Nam là nước duy nhất trong top 5 các nước xuất khẩu lớn nhất thế giới không bị cách ly và không bị dừng sản xuất. Đây có thể nói là nguyên nhân quan trọng nhất giúp cho Dệt may Việt Nam có mức giảm thấp nhất trong xuất khẩu, xét về mặt hàng quần áo.

Hội nghị trực tuyến chính phủ ngày thứ 2: Các bộ trưởng nêu định hướng lớn

Các đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh

Ông Trường cho biết, theo số liệu cập nhật mới nhất trong ngành Dệt may thì lợi nhuận thời trang toàn cầu giảm 93%, hơn 10 chuỗi cung ứng và thương hiệu thời trang lớn phá sản, khoảng 200 nghìn lao động trong chuỗi cung ứng thời trang của Mỹ đã mất việc làm.

Trong khi đó, nhờ không bị giản đoạn sản xuất nên thị phần hàng dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, lần đầu đạt tăng trưởng 20% tại thị trường Mỹ. Trong đó, nhiều tháng đứng đầu về thị phần. Các hiệp định thương mại, FTA không bù đắp được hoàn toàn sự sụt giảm của thị trường nhưng cũng đã góp phần đỡ thiếu hụt về mặt đơn hàng.

Hàng Dệt may Việt Nam đã có sự chuẩn bị từ đầu năm khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, có nhiều giải pháp tổng hợp và dịch chuyển nguồn cung. Ngay từ đầu tháng 2, nhiều doanh nghiệp đã sản xuất các sản phẩm phòng dịch và bình ổn giá trong nước, các mặt hàng này đã thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng đảm bảo việc làm cho nhiều người lao động.

Ngành cũng xác định hai tài sản quan trọng nhất cần bảo vệ đó là lực lượng lao động lành nghề và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu với mục tiêu đáp ứng ngay thị trường khi phục hồi trở lại. Chính quan điểm này đã giúp ngành dệt may đảm bảo cơ bản được việc làm cho người lao động với trên 4 triệu người dù việc ít đi, thu nhập thấp đi nhưng vẫn trên mức trung bình, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Ngành Dệt may năm 2020 kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 10%, lợi nhuận giảm 15% nhưng lương của người lao động chỉ giảm 4,5%, đạt trung bình trên 8,1 triệu đồng/người/ tháng, do giảm giờ làm trên 12%, lương thực tế theo giờ tăng trên 8%.

Các doanh nghiệp nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng gặp riêng ngành Dệt may 2 lần, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp chỉ đạo ngành Dệt may các sản phẩm phòng dịch, các Bộ trưởng đều có cuộc làm việc riêng để giải quyết các khó khăn của ngành trong những tháng gay gắt nhất tình hình dịch.

Năm 2021 vẫn đầy khó khăn và bất định. Xu thế giảm giá, hàng hoá đơn giản sẽ thay thế hàng thời trang, dẫn tới năng lực sản xuất sẵn có sẽ trở nên dư thừa và xuất hiện nhiều yêu cầu các năng lực sản xuất mới.

Ngành dệt may đặt kế hoạch bằng 2020, xuất khẩu cao nhất 39 tỷ USD. Ông Lê Tiến Trường cũng nêu một số kiến nghị về tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lãi suất vay dài hạn. Bộ Công thương hướng dẫn cụ thể hơn về các FTA…

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Showroom VinFast Hà Tĩnh 2 không chỉ là nơi trưng bày và kinh doanh sản phẩm mà còn là cầu nối giữa VinFast với khách hàng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường.
Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Dự án toà căn hộ D' Metropole - Luxury Apartments hứa hẹn sẽ chinh phục được trái tim người mua nhà nhờ vị trí đắc địa, thiết kế sang trọng, tiện ích đẳng cấp, đáp ứng trọn vẹn nhu cầu sống nghỉ dưỡng – tiện nghi của khách hàng.
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại

Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại

Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn 9999 cùng bật tăng mạnh cả triệu đồng một lượng trong phiên giao dịch sáng đầu tuần (18/11) do hưởng lợi từ đà tăng của giá vàng thế giới.