Lễ tiễn đoàn công tác Bệnh viện Việt Đức lên đường vào hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Chiều 18/8, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết để hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phòng, chống dịch COVID-19, tính riêng đợt dịch lần thứ 4, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung đã cử 13.145 cán bộ y tế tham gia chống dịch.
Bộ Y tế đã điều động 11.411 cán bộ y tế tham gia chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam, gồm các bác sỹ, điều dưỡng và 6.008 giảng viên, sinh viên từ các trường y.
Các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung đã cử 1.734 nhân viên y tế, với 438 bác sỹ và 1.248 cán bộ y tế, tình nguyện viên.
Thực hiện chỉ đạo, phân công của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long , 5 Giám đốc các Bệnh viện tuyến trung ương là Chợ Rẫy, Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Trung ương Huế và Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh được giao đảm đương kiêm nhiệm Giám đốc bệnh viện hồi sức COVD-19 Thành phố Hồ Chí Minh quy mô 1.000 giường và 4 Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô 500 giường/Trung tâm để đồng hành cùng Thành phố trong điều trị tích cực bệnh nhân COVID-19 nặng.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh và 4 Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 với sự có mặt của các chuyên gia đầu ngành, các y bác sĩ chuyên môn sâu và trang thiết bị đồng bộ đi vào hoạt động đã giúp nhiều bệnh nhân nặng thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Nhiều người bệnh nặng đã được ra viện.
Bên cạnh đó, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đảm đương kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp cứu người bệnh COVID-19 với quy mô gần 500 giường trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Tại tỉnh Long An, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đang kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19; tại tỉnh Vĩnh Long, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đang kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19.
Các Trung tâm này đã đi vào hoạt động, có thể nâng dần quy mô khi cần, góp phần giúp Long An, Vĩnh Long trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, giảm thiểu tử vong trên địa bàn.
Cùng với hỗ trợ về nhân lực, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ vật tư, trang thiết bị như thành lập Kho dã chiến tại Thành phố Hồ Chí Minh để tập kết vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ Thành phố và các tỉnh phía Nam.
Trong đợt dịch COVID-19 thứ 4 đến nay, Bộ Y tế đã quản lý, cấp phát 4.975 máy thở (trong đó có 4.080 máy thở dòng cao HFNC), 191 máy xét nghiệm RT-PCR, 93 máy tách chiết, 10 máy ECMO, 50 máy lọc máu và hàng triệu test xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Bộ Y tế đã tích cực vận động, huy động các doanh nghiệp, tổ chức tham gia hỗ trợ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đến nay các doanh nghiệp đã tham gia hỗ trợ 4.315 máy thở các loại, trên 100 máy RT-PCR, 63 máy tách chiết, 63 xe tiêm chủng lưu động, 63 xe vận chuyển vaccine, trên 3 triệu test nhanh kháng nguyên, trên 300.000 test RT-PCR và hàng chục nghìn vật tư tiêu hao, trang bị phòng hộ cá nhân các loại, với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn để mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ các loại thuốc điều trị COVID-19 nhằm tạo đẩy mạnh hiệu quả công tác điều trị người bệnh COVID-19 , như phối hợp với Vingroup mua, nhập khẩu, tiếp nhận thuốc Remdesivir điều trị người nhiễm COVID-19; chuẩn bị tiếp nhận thuốc để triển khai chương trình điều trị có kiểm soát F0 tại cộng đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã phối hợp với tổ chức Công đoàn các cấp vận động, huy động, tiếp nhận hàng tỷ đồng kinh phí, hàng hóa thiết yếu từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức để hỗ trợ cho lực lượng cán bộ y tế tuyến đầu tham gia chống dịch, yên tâm công tác, nhất là các cán bộ bị lây nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình thực hiện nhiệm vụ./.