Vụ hè thu năm ngoái, Công ty cổ phần Nano Industry Đăng Quang hỗ trợ 100% lượng phân bón lá hữu cơ Nano Canxi - Silic “PAN” (160 lít, trị giá 80 triệu đồng) để thí điểm trên 45 ha lúa (có 5 ha đối chứng) tại các thôn Tân Phú, Phú Mỹ và Liên Giang của xã Thạch Mỹ.
Vụ xuân 2024, công ty tiếp tục hỗ trợ 200 lít Nano Canxi - Silic “PAN” (trị giá 100 triệu đồng) thực nghiệm tại 55 ha lúa VNR10 ở thôn Đại Yên, Tây Giang, Phú Mỹ (có 5 ha đối chứng) của xã Thạch Mỹ.
Qua các vụ mùa cho thấy, cây lúa khỏe, đẻ nhánh tốt, bộ lá cứng, chống chịu sâu bệnh tốt, bông chắc, hạt lúa sáng và mẩy hơn so với diện tích đối chứng. Năng suất của ruộng mô hình đạt 64,7 tạ/ha, cao hơn ruộng đối chứng gần 18%.
Ngoài ra, việc sử dụng phân bón hữu cơ còn có lợi ích về môi trường, giúp cải tạo đất, tăng độ phì của đất, bảo tồn nguồn thiên địch trên đồng ruộng, hỗ trợ phun bằng máy bay không người lái để giảm sức lao động thủ công và độc hại cho người nông dân...
Ông Lê Văn Thân - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ cho biết: “Mô hình trồng lúa sử dụng phân bón lá hữu cơ cho lợi nhuận, hiệu quả kinh tế cao hơn 290 – 323 nghìn đồng/sào so với đối chứng nên chúng tôi đang khuyến khích bà con đẩy mạnh sản xuất theo hướng này để mở rộng diện tích. Đây cũng được xem là cơ sở, nền tảng để hướng tới sản xuất lúa hoàn toàn hữu cơ trên đồng ruộng của xã”.
Vụ lúa xuân năm nay, nông dân xã Hồng Lộc tiếp tục đón niềm vui mới khi mô hình sản xuất lúa hữu cơ do Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm phối hợp với Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện triển khai đã thành công.
Theo đó, 5 ha lúa giống Hà Phát 3 ở thôn Thượng Phú và thôn Yến Giang được chăm sóc theo quy trình kết hợp giữa sử dụng phân hữu cơ, vi sinh với một số loại phân truyền thống. Với mô hình này, cây lúa sinh trưởng tốt, chịu rét tốt, trổ bông nhanh, ít sâu bệnh, năng suất đạt 330 kg/sào, cao hơn mặt bằng chung 30 kg/sào nên chính quyền địa phương đang khuyến khích bà con mở rộng diện tích trong các vụ tới.
Người trồng dưa hấu hữu cơ ở thôn Nam Sơn (xã Thịnh Lộc) cũng đang rất vui vì thành quả sau thời gian trồng, chăm sóc.
“Được Công ty Quế Lâm cung ứng giống dưa Mỹ, phân bón hữu cơ, quy trình kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm... nên mỗi sào dưa hấu trồng theo hướng hữu cơ (3 tháng/vụ) bán được khoảng 27 – 30 triệu đồng, cao gấp 4 – 5 lần so với các loại cây trồng khác. Vì vậy, sau vụ khi này kết thúc (cuối tháng 5), giữa tháng 6 này, chúng tôi sẽ xuống giống tiếp lứa mới. Hiện, chính quyền địa phương và một số hộ dân khác cũng đang có ý định nhân rộng hướng sản xuất này” - bà Nguyễn Thị Síu (thôn Nam Sơn) cho biết.
Lĩnh vực chăn nuôi theo hướng hữu cơ ở Lộc Hà cũng đang có chuyển biến tốt. Hiện nay, mô hình nuôi lợn hữu cơ liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm của hộ ông Phan Trọng Hạnh ở thôn Hà Ân (xã Thạch Mỹ) được xem là có quy mô lớn nhất huyện. Cuối năm 2023, ông Hạnh đã đầu tư 150 triệu đồng cải tạo chuồng trại, mua 4 con lợn nái và 35 con lợn thịt.
Sau gần 6 tháng nuôi, ông Hạnh đã xuất bán 2 lứa thương phẩm (mỗi lứa 35 con, mức lợi nhuận bình quân 1 triệu đồng/con). Hiện, ông Hạnh đang tiếp tục huy động nguồn lực để mở rộng quy mô chăn nuôi.
Theo ông Phan Văn Thanh – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà, những năm gần đây, huyện thường xuyên khuyến khích, đồng hành với bà con trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trên địa bàn hiện có 2 mô hình nuôi cua biển, 3 mô hình nuôi lợn liên kết, 1 mô hình nuôi lươn trong bể không bùn, 1 mô hình trồng dưa hấu và nhiều mô hình khác trên cây lúa.
Ông Thanh cho hay: "Vì sản xuất hữu cơ cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế tốt hơn, thân thiện với môi trường, bảo vệ được sức khỏe, sản phẩm được người tiêu dùng chào đón... nên chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, hướng dẫn bà con đi theo xu hướng tất yếu này”.