Khát vọng vươn khơi (Bài 4): Chiến lược xa bờ

(Baohatinh.vn) - Vươn khơi được coi là “nguồn sống” của bà con ngư dân ở thời điểm này. Hơn lúc nào hết, các chính sách hỗ trợ, sự đồng hành của các cấp, ngành cũng như những thay đổi mang tính đột phá từ chính ngư dân phải trở thành “tiếng hô” đồng thanh để có được những con tàu đủ sức vươn tới khơi xa…

>> Khát vọng vươn khơi (bài 3): “Quả ngọt trên cành cao”!?

Mở “nút thắt” nguồn vốn

Miền biển Hà Tĩnh từ cuối tháng 4 đến nay không còn sôi động như xưa. Những con tàu nhỏ chỉ quanh quẩn vùng lộng trở vào đang loay hoay chống chọi với cú sốc về sự cố môi trường biển. Thách thức đặt ra cho ngư dân Hà Tĩnh là tiếp tục bám biển hay chuyển đổi nghề?

Đại bộ phận ngư dân từ Cửa Hội (Nghi Xuân), Cửa Sót (Lộc Hà), Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên) đến Cửa Khẩu (Kỳ Anh),… những nơi mà nhóm phóng viên chúng tôi có dịp tiếp xúc đều cháy bỏng một tình yêu với biển. Họ vẫn đau đáu tìm cách vươn khơi.

khat vong vuon khoi bai 4 chien luoc xa bo

Tàu cá vỏ thép đầu tiên của Hà Tĩnh ra khơi. Ảnh: Đức thiện

Vậy, phải bắt đầu từ đâu? Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cho biết: “Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ sớm chỉ đạo các cấp, ngành liên quan “nâng cấp” chính sách hỗ trợ phát triển đội tàu công suất lớn để ngư dân có thể dễ dàng tiếp cận. Đồng thời, tỉnh kiến nghị ngành ngân hàng tiếp tục mở các gói ưu đãi tín dụng đầu tư phát triển để hỗ trợ ngư dân đóng mới, hiện đại hóa tàu cá, khai thác có hiệu quả nguồn lợi từ biển, đảm bảo an sinh xã hội và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển”.

Thực tế cho thấy, trong khi nguồn vốn đối ứng “làm khó” ngư dân ở một số địa phương thì chính quyền huyện Lộc Hà đã có cách làm khá hay: dùng chính nguồn hỗ trợ gần 400 triệu đồng/tàu từ ngân sách huyện để bảo lãnh với ngân hàng. Thành quả là, giấc mơ làm chủ tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của ngư dân huyện nhà đến nay đã cho “quả ngọt” khi có 2 tàu trên 800 CV đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến hạ thủy vào tháng 11 năm nay. Ông Phan Văn Nhàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết: “Riêng về phát triển đánh bắt xa bờ, huyện đang tiếp tục gia hạn thời gian hỗ trợ 200 triệu đồng đối với tàu trên 90 CV đến hết năm 2016. Đến thời điểm này, toàn huyện có thêm 8 tàu đăng ký đóng mới với công suất từ 250 CV trở lên”.

Sự cố môi trường biển đi qua để lại nhiều hệ lụy đối với sự phát triển của địa phương, nhưng nghĩ theo chiều hướng khác, đây cũng là cơ hội tốt để ngư dân từ bỏ lối đánh bắt manh mún, tận diệt hải sản ven bờ và từng bước vươn ra biển lớn. Và, số tiền hàng triệu đô la từ nguồn đền bù nên chăng sẽ sử dụng làm nguồn vốn để hiện thực hóa giấc mơ vươn khơi? Cùng chung quan điểm trên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Công Hoàng cho hay: “Sau sự cố biển, những chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề vẫn phải xác định nhiệm vụ số 1 là giúp ngư dân ra khơi, ưu tiên đóng tàu đánh bắt xa bờ. Ngoài ra, theo tôi, nếu các doanh nghiệp tham gia đầu tư cùng với ngư dân trong lĩnh vực này thì bài toán về vốn sẽ không còn là vấn đề khó như hiện nay”.

“Yêu cầu cấp bách về phát triển ngư trường vùng khơi thay cho vùng lộng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Để làm tốt chủ trương này, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ xây dựng đề án phát triển các phương tiện đánh bắt xa bờ, gắn với đảm bảo QPAN trên biển. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để ngư dân có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay cũng như vốn hỗ trợ từ các cấp. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng sẽ chỉ đạo Sở NN&PTNT từng bước tái cơ cấu phương thức khai thác, đánh bắt hải sản từ gần bờ sang xa bờ; chú trọng việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa và dành một khoản ngân sách thích hợp để hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá; hoàn thiện chính sách đầu tư hạ tầng cơ sở, hình thành chuỗi liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho ngư dân” – Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cho biết thêm.

Chính quyền tiếp sức

Ngay sau sự cố môi trường, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1822/QĐ-UBND ngày 1/7/2016 quy định một số chính sách hỗ trợ ngư dân ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất. Trong đó, có quy định việc ngư dân đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản với công suất từ 400 CV trở lên, được hỗ trợ 600 triệu đồng/tàu; tàu công suất từ 250 CV đến dưới 400 CV, được hỗ trợ 400 triệu đồng/tàu; tàu công suất từ 90 CV đến dưới 250 CV cũng được hỗ trợ 200 triệu đồng/tàu. Thời gian nhận hỗ trợ trong 2 năm. Ngoài ra, khi vay để đóng tàu, mua ngư lưới cụ, trang thiết bị, ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay giải ngân từ ngày 1/7/2016 - 30/6/2021, với mức hỗ trợ 7%/năm cho 5 năm đầu tiên và 6%/năm cho 10 năm tiếp theo. Tổng mức hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 1 tỷ đồng/tàu…

Để giúp ngư dân trang bị chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng (một trong những điều kiện để ngân hàng cho vay vốn đóng tàu), Chi cục Thủy sản đang phối hợp với các đơn vị chức năng mở rộng hơn nữa các lớp đào tạo và cấp chứng chỉ. Ngư dân sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo theo Quyết định 1822. Ông Nguyễn Trọng Nhật - cán bộ Chi cục Thủy sản cho biết, cuối năm nay, chương trình đào tạo kỹ năng vận hành tàu vỏ thép sẽ được triển khai ở tỉnh ta để nâng cao trình độ, tay nghề cho ngư dân đóng tàu vỏ thép có công suất lớn, làm chủ môi trường đánh bắt xa bờ chuyên nghiệp.

khat vong vuon khoi bai 4 chien luoc xa bo

Để thực hiện khát vọng vươn khơi, bà con ngư dân cần phát huy nội lực, mạnh dạn đầu tư tàu lớn để đánh bắt các loại hải sản có giá trị kinh tế cao hơn so với vùng lộng.

Là tổ chức hội sâu sát, gắn bó mật thiết với các hoạt động của nông dân nói chung, bà con ngư dân nói riêng, Hội Nông dân Hà Tĩnh cũng đang “lên dây cót” để hỗ trợ các thành viên hội, đặc biệt sau sự cố môi trường biển vừa qua. Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Đình Gia cho hay: Các cấp hội đang nỗ lực trong công tác rà soát, phân loại lao động, định hướng cho bà con ngư dân chuyển đổi nghề. Qua đó, hội sẽ lựa chọn được những trường hợp cụ thể để có sự tư vấn, giúp đỡ, sát cánh trong quá trình hiện thực hóa giấc mơ vươn khơi.

Ở xã vùng biển Cẩm Nhượng, thời điểm này, chính quyền địa phương cũng đang trăn trở với bài toán việc làm cho gần 10.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 4.000 lao động trực tiếp trên biển và hàng nghìn lao động khác dựa vào biển để mưu sinh. Ông Nguyễn Sỹ Huyền -Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng chia sẻ: Bám biển, vươn khơi là hướng giải quyết tối ưu và cũng là nguyện vọng của bà con ngư dân hiện nay. Muốn ra khơi ắt phải có tàu lớn, nhưng trong tổng số 228 tàu thuyền các loại của xã mới chỉ có 23 tàu trên 90 CV. Do vậy, thời gian này, xã đang tích cực vận động từng đối tượng thông qua các buổi gặp mặt cũng như liên tục qua hệ thống truyền thanh thôn xóm. Đến nay, đã có 7 trường hợp đăng ký đóng tàu trên 90 CV và xã đang khâu nối để những trường hợp này có một cuộc gặp gỡ với ngân hàng, Sở NN&PTNT, các đoàn, hội để các đơn vị liên quan cùng vào cuộc giải đáp, hỗ trợ ngư dân”.

Ngư dân phát huy nội lực

Sự cố môi trường biển vừa qua, ngư trường vùng lộng là nơi chịu tổn thương nhiều nhất. Hà Tĩnh với 95% tàu thuyền nhỏ đành ngậm ngùi “đắp chiếu”, trong khi ngư dân tỉnh bạn vẫn vững vàng với thuyền lớn ở ngư trường rộng lớn. Nỗi lo mất nghề đang thôi thúc ngư dân tỉnh ta thực hiện cuộc “cải tổ” mạnh mẽ chưa từng có.

Khi nghe chúng tôi nhắc đến chuyện đóng tàu lớn ra khơi, ông Trương Quang Thuận (Thạch Kim - Lộc Hà) trầm tư nhưng nói như đinh đóng cột: “Muốn giữ nghề, phải ra khơi thôi. Tôi còn trẻ nên phải nắm bắt cơ hội này. Trước mắt, tôi kêu gọi anh em bạn thuyền cùng chung chí hướng, 1 người không được thì 5-7 người góp vốn đóng thuyền lớn”.

Cũng quyết tâm không kém, anh Nguyễn Tiến Kiệm (Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên) hào hứng: “Cả mấy đời nhờ biển mà sống, nếu lúc này, vì khó khăn mà chọn xuất khẩu lao động thì ai sẽ giữ nghề, ai sẽ bảo vệ vùng biển trời của Tổ quốc. Hiện gia đình có “sem sém” 200 triệu tiền mặt, trước mắt thì cầm cố đất đai, vay mượn thêm để đóng con tàu gỗ lưới chụp khoảng hơn 1 tỷ đồng để ra khơi sớm ngày nào tốt ngày đó”.

“Nếu quyết tâm thì ngư dân vẫn đóng được tàu lớn. 9 trường hợp được giải ngân nguồn vốn theo Nghị định 67 trên địa bàn vừa qua là minh chứng rõ nhất cho sự quyết tâm đó” – lời khẳng định của một cán bộ luôn theo sát quá trình từ xây dựng hồ sơ đến tiến hành giải ngân có lẽ đã khá đầy đủ để nói lên nội lực rất lớn của ngư dân. Như anh Ngô Hữu Việt (Thạch Kim), trước khi vay vốn đóng tàu 250 CV, gia đình anh có một chiếc thuyền máy 45 CV nhưng hiệu quả sản xuất không cao. Được sự hướng dẫn, tư vấn của chính quyền địa phương, gia đình anh chị đã mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để đóng tàu mới. Được biết, anh chị đã vay mượn anh em, cầm cố đất đai để có vốn đóng tàu và hiện nay, sau gần 6 tháng hạ thủy, hiệu quả kinh tế đã gấp nhiều lần so với trước đây.

Dong tàu ra khơi, ngoài mục đích phát huy hiệu quả kinh tế ở ngư trường rộng lớn còn có ý nghĩa đặc biệt về mặt QPAN, giữ vững chủ quyền biển đảo. Đặc biệt, mỗi ngư dân gắn bó máu thịt với biển đều đau đáu trong tâm tưởng ý thức khẳng định chủ quyền trên biển.

“Ra khơi mừng lắm chứ, tự hào lắm chứ. Những lần đánh bắt ở vùng biển xa, giữa mênh mông sóng nước, lá cờ Tổ quốc tung bay cùng gió biển thấy rất đỗi tự hào…” - lời tâm sự của ngư dân Nguyễn Văn Lòng (Thạch Kim) mang theo quyết tâm của những người làm nghề biển cùng với những gửi gắm, chờ mong vào sự đồng hành tâm huyết, hiệu quả hơn của các cấp, ngành cho những con tàu xa bờ Hà Tĩnh rẽ sóng vươn khơi.

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Giá vàng hôm nay 7/1/2025: Quay đầu giảm

Giá vàng hôm nay 7/1/2025: Quay đầu giảm

Giá vàng hôm nay 7/1/2025: Cùng chiều với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng đồng loạt giảm mạnh. Vàng miếng SJC xuống mức 85 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng chiều nay: Đồng loạt đi ngang

Giá vàng chiều nay: Đồng loạt đi ngang

Giá vàng chiều nay 06/01/2025: Giá vàng thế giới chiều nay (6/1) đi ngang, giao dịch ở mức 2.639 USD/ounce. Tương tự, vàng miếng và vàng trang sức không đổi.
Nông dân Hà Tĩnh vào vụ gieo cấy lúa xuân

Nông dân Hà Tĩnh vào vụ gieo cấy lúa xuân

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân Hà Tĩnh bám đồng, đẩy nhanh tiến độ làm đất đợt cuối và bắt đầu xuống giống những trà lúa đầu tiên của vụ xuân 2025.