Chiều 20/5, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Định hướng và các giải pháp phát triển kinh tế số Hà Tĩnh đến năm 2030”.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành; nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ thông tin và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia, Hội tin học Hà Tĩnh đã trao đổi nhiều nội dung quan trọng như: thực trạng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh và kế hoạch phát triển kinh tế số đến năm 2030; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế số tỉnh Hà Tĩnh theo các chỉ tiêu và các khuyến nghị chính sách; thực trạng kinh tế số, kịch bản và các giải pháp phát triển kinh tế số tại Hà Tĩnh; xây dựng mô hình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Hà Tĩnh…

Theo các chuyên gia, Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thiện khung thể chế về phát triển kinh tế số. Đặc biệt trong đó, ngày 22/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh là địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức khá cao, hơn trung bình của cả nước nên có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế số. Kinh tế số lõi (ngành ICT) của Hà Tĩnh chủ yếu đến từ ngành viễn thông; kinh tế số mở rộng (KTS ngành) cho thấy mức độ lan tỏa lớn trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng cao hơn trung bình của cả nước, tốc độ tăng cũng khá ấn tượng trong những năm gần đây.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế số được ứng dụng vào xây dựng tem, nhãn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR để đưa lên các sàn thương mại điện tử; 100% hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, Global G.A.P, OCOP; có 544 sản phẩm được giới thiệu và bày bán trên sàn thương mại điện tử Hà Tĩnh.
Lĩnh vực công nghiệp, năng lượng chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế số Hà Tĩnh, song tốc độ tăng trưởng không ổn định. Kinh tế số trong lĩnh vực thương mại chiếm tỷ trọng lớn, tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng.
Từ thực trạng và qua quá trình nghiên cứu tại đề tài khoa học: Định hướng và giải pháp phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, các chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế số Hà Tĩnh.

Theo đó, để phát triển kinh tế lõi, Hà Tĩnh cần tập trung phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và phần cứng. Xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung, thu hút đầu tư FDI. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số nông, lâm nghiệp, phát triển kinh tế số trong du lịch, phát triển thương mại điện tử…