Khi bố mẹ là giáo viên

(Baohatinh.vn) - Có bố mẹ làm giáo viên là cả một niềm tự hào của những đứa trẻ, nhưng lắm lúc, chúng cũng phải chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa.

“Hai vợ chồng cùng là giáo viên, chưa năm nào được cùng con đón niềm vui ngày khai giảng cả” - cô Nguyễn Thị Thảo (giáo viên Trường Tiểu học Thạch Hương, Thạch Hà) bắt đầu cuộc trò chuyện bằng chia sẻ như vậy.

Năm nay, con gái lớn của cô thầy đã học lớp 2, con gái bé cũng đã lên 4. Bao mùa khai giảng là bấy nhiêu lần cô Thảo bắt gặp ánh mắt buồn của con trước khi đến trường. Nhìn các bạn được bố mẹ dắt tay đến trường, cùng dự lễ khai giảng, cô càng thương con hơn.

Gia đình là nguồn động viên lớn để cô Thảo hoàn thành công việc của một nhà giáo

Không chỉ ngày khai giảng mà hầu hết các ngày trong năm học, những đứa trẻ có bố mẹ làm giáo viên như con cô Thảo đều phải chịu thiệt thòi hơn các bạn. Những hoạt động trên lớp, những giờ sinh hoạt ngoại khóa, các cuộc họp phụ huynh… đều phải nhờ ông bà, người thân đi họp hộ.

Cô Thảo chia sẻ, thức các con dậy buổi sáng mới thật là vất vả bởi các con luôn bị đánh thức trong tình trạng còn ngái ngủ. Trong khi giờ lên lớp của mẹ thì sớm mà giờ vào học của con lại muộn hơn. Nhiều hôm đưa con lên trường mà cô giáo vẫn chưa đến nên đành phải gửi con cho bác bảo vệ hoặc phụ huynh khác.

Không riêng cô Thảo, đó có lẽ là nỗi niềm chung của tất cả giáo viên. Ngoài áp lực về thời gian, là nhà giáo, những áp lực mà họ phải trải qua khi nuôi dạy con cái cũng không hề nhỏ. Nhiều người vẫn có một suy nghĩ mặc định rằng, con của giáo viên là phải chăm ngoan, học giỏi theo một motip truyền thống. Đó vừa là động lực nhưng cũng là một áp lực vô cùng lớn với những người làm nghề giáo và con cái họ.

Xét ở một góc độ khác, cũng dễ hiểu khi xã hội mặc định suy nghĩ đó bởi dù có những thiệt thòi nhưng khi bố mẹ là giáo viên thì con cái họ cũng được dạy dỗ trong điều kiện có những thuận lợi nhất định. Họ là những người biết rõ nhất chương trình học, thấu hiểu quá trình phát triển tâm sinh lý theo từng lứa tuổi của con. Từ đó, chủ động điều chỉnh cách giáo dục và quản lý con cái dễ dàng hơn.

Bố mẹ đều là giáo viên, không có nhiều thời gian chăm sóc nên hai cô con gái của cô Thảo khá tự lập và tự tin

Việc không có nhiều thời gian dành cho con, con thường xuyên phải tự làm nhiều việc cũng là một cách rèn tính tự lập cho con. Hai cô con gái nhỏ của cô Thảo đã sớm tỏ ra là những cô bé ngoan ngoãn, lễ phép, tự lập và khá tự tin. Hai chị em rất hăng hái tham gia các cuộc thi múa hát, kể chuyện, ngày hội đọc sách… của trường và tự tin thể hiện mình trước đám đông. Cô Thảo cũng cho rằng, đó là một kỹ năng sống quan trọng mà các con học được khi phải tự mình làm mọi việc ngay từ khi còn nhỏ.

Chia sẻ về cuộc sống gia đình, cô Thảo cũng không quên nhắc đến người chồng, người đồng nghiệp của mình. Cùng là giáo viên, anh hiểu hết những khó khăn, vất vả của vợ. Bằng tình yêu thương, trách nhiệm với gia đình, anh luôn đỡ đần vợ việc chăm con, hướng dẫn con học bài. Dù là con trai trưởng trong một gia đình thuần nông, sinh hai con một bề là gái nhưng với tư tưởng tiến bộ, anh không hề có tâm lý nặng nề. “Anh ấy còn dành hết tình yêu thương, sự ân cần cho hai cô công chúa nhỏ. Đó là niềm động viên để tôi chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái và hoàn thành tốt công việc, vững tin hơn khi đứng trên bục giảng” - cô Thảo tâm sự.

Chủ đề CHÀO NĂM HỌC MỚI

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói