Khó đấu giá biển số xe vì mâu thuẫn luật

Luật Giao thông đường bộ quy định biển số xe là tài liệu của cơ quan nhà nước, trong khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cho là tài sản công.

Sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chuyên đề giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Báo cáo của đoàn giám sát đề cập đến bất cập về kho biển số và cấp biển số phương tiện của Bộ Công an. Vướng mắc nhất hiện nay đối với đấu giá biển số xe là pháp luật chưa quy định đồng bộ về quản lý, khai thác kho số.

Luật Giao thông đường bộ 2008 và văn bản hướng dẫn chỉ coi biển số xe là “tài liệu của cơ quan nhà nước”, không phải tài sản. Còn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định “kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải” là một loại tài sản công.

Đoàn giám sát cho rằng các quy định liên quan tại Bộ luật Dân sự, Luật Bán đấu giá tài sản, Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... chưa đồng bộ nên chưa có cơ sở pháp lý để đấu giá biển số xe.

Khó đấu giá biển số xe vì mâu thuẫn luật

Một người vừa nhận được biển số “tam quý”. Ảnh: P.D

Thực tế nhiều người có nhu cầu đăng ký biển số ôtô, môtô có chuỗi ký tự đặc biệt như dãy số trùng nhau hoặc tăng dần... Để có được biển số đăng ký theo sở thích, họ phải bỏ ra số tiền lớn để mua lại ôtô, môtô đã đăng ký hoặc “bằng các cách thức khác” để đăng ký được biển số đẹp.

“Điều này làm lãng phí rất lớn đến việc khai thác kho số phương tiện giao thông, không đáp ứng được yêu cầu của người dân, vừa dễ làm phát sinh tiêu cực và gây hồ nghi trong dư luận nhân dân”, báo cáo nêu.

Trước đó theo tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất khi chuyển nhượng xe, người dân được quyền giữ lại biển số đã trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác. Tuy nhiên, người sở hữu không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá; trong 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá phải đăng ký biển số đó gắn với phương tiện, nếu không sẽ bị thu hồi.

Về xác định giá khởi điểm biển số đưa ra đấu giá, Chính phủ đề xuất mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân hệ số. Công thức tính được áp dụng thống nhất, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất, được chia làm hai vùng. Vùng 1 gồm Hà Nội, TP HCM, giá khởi điểm là 40 triệu đồng; vùng 2 gồm các địa phương còn lại là 20 triệu đồng.

Việc đấu giá biển số xe đẹp được Cục Cảnh sát giao thông đề xuất từ năm 1993, tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, các bộ liên quan không có căn cứ pháp lý triển khai. Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An từng “vượt rào” tổ chức đấu giá biển số xe, thu hàng tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo và đã bị Bộ Tài chính, Bộ Công an “tuýt còi”.

Tháng 12/2019, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Công an và thống nhất đẩy nhanh tiến độ, đưa việc đấu giá lên Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn).

Theo Sơn Hà/VNE

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.