Khó khăn bủa vây người Niger sau đảo chính

Chỉ hơn một tuần sau khi tổng thống Mohamed Bazoum bị lật đổ, người dân Niger đã cảm nhận gánh nặng kinh tế vì giá cả hàng hóa tăng vọt.

Tại thành phố Maradi nhộn nhịp ở miền nam Niger, cách biên giới Nigeria khoảng 40 km, Moutari bị sốc khi giá gạo tăng vọt sau đảo chính. Anh cho biết giá gạo đã tăng từ 11.000 franc CFA một túi (18,3 USD) lên 13.000 franc chỉ trong vài ngày.

"Tôi vẫn đủ tiền mua gạo, nhưng cảm thấy lo ngại cho những người nghèo nhất. Những ngày sắp tới sẽ rất khó khăn. Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện mọi thứ sẽ tốt đẹp", anh nói.

Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia châu Phi (ECOWAS) đã áp trừng phạt nghiêm khắc đối với Niger hôm 30/7 để đáp trả cuộc đảo chính, trong đó có lệnh đóng cửa biên giới.

Những điều này càng đẩy Niger, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, vào cảnh khốn cùng. Quốc gia Tây Phi này vốn phải phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, gồm cả các mặt hàng quan trọng như gạo. Với vị trí không giáp biển, hàng hóa nhập khẩu vào Niger thường được vận chuyển bằng đường bộ qua các nước láng giềng.

Khó khăn bủa vây người Niger sau đảo chính

Lực lượng an ninh Niger giải tán người biểu tình ở bên ngoài đại sứ quán Pháp tại Niamey ngày 30/7. Ảnh: Reuters

Phe đảo chính Niger ngày 1/8 mở lại biên giới với một số nước láng giềng sau khi đóng cửa tất cả biên giới và không phận trong ngày lật đổ tổng thống Bazoum hôm 26/7. Người dân và hàng hóa có thể qua lại với Algeria, Libya và Chad, những nước không thuộc ECOWAS, cùng hai nước thành viên ECOWAS ủng hộ đảo chính là Mali và Burkina Faso.

Nhưng các biên giới quan trọng với Benin và Nigeria vẫn đóng cửa do lệnh trừng phạt của ECOWAS. Các cảng Đại Tây Dương của hai quốc gia này rất quan trọng đối với Niger về nhập và xuất khẩu hàng hóa, theo Abdoul Aziz Seyni, nhà kinh tế tại Đại học Niamey.

"Chúng tôi không phải là quốc gia có quyền tiếp cận biển. Mọi thứ chúng tôi mua đều đến cảng của các nước láng giềng, sau đó vận chuyển tới Niger. Vì vậy, việc các quốc gia này đóng cửa biên giới tác động lớn đến đời sống kinh tế xã hội của người Niger", Seyni nói.

Khó khăn bủa vây người Niger sau đảo chính

Vị trí Niger và các nước láng giềng. Đồ họa: AFP

Moussa Halirou, tài xế vận chuyển hành khách trên tuyến Maradi - Nigeria, cảm thấy mọi thứ khó khăn khi biên giới với Nigeria đóng cửa. Giá nhiên liệu trên thị trường chợ đen tăng vọt khiến lợi nhuận của ông sụt giảm. Trước đảo chính, ông trả 350 nairo Nigeria (khoảng 0,45 USD) cho mỗi lít xăng, nhưng giờ giá là 620 naira.

Halirou nói rằng ngay cả khi ông tăng giá cước vận chuyển để bù đắp giá nhiên liệu, ông vẫn chỉ kiếm được khoảng 4.500 naira mỗi chuyến.

Trước đảo chính, khoảng 1.000 phương tiện mỗi ngày di chuyển giữa cảng Cotonou của Benin và thủ đô Niamey của Niger. Đây là một trong những cửa khẩu bận rộn nhất ở Tây Phi. Song hiện tại, không còn các chuyến xe như vậy.

“Ngay cả khi xe tải đã chất đầy hàng, nó vẫn bị mắc kẹt ở biên giới”, Salissou Idrissa, một trong nhiều tài xế bị mắc kẹt ở cửa khẩu biên giới Malanville, chờ đi vào Niger từ Benin, nói.

Khó khăn bủa vây người Niger sau đảo chính

Người đàn ông NIger đứng trước căn lều dựng tạm mà anh sống cùng gia đình ở Niamey ngày 31/7. Ảnh: AP

Nigeria đã cắt nguồn cung điện cho Niger, quốc gia vốn phụ thuộc phần lớn năng lượng vào nước láng giềng. Thực tế, từ trước đảo chính, nhiều quận huyện đã thường xuyên bị cắt điện, cứ 5 người Niger thì có một người được sử dụng điện, theo Ngân hàng Thế giới.

Các biện pháp trừng phạt của ECOWAS đã đình chỉ giao dịch thương mại và tài chính giữa Niger và các nước thành viên khối kinh tế Tây Phi. Họ cũng đóng băng tài sản của Niger tại các ngân hàng trung ương và thương mại trong ECOWAS. Khối này đe dọa sử dụng vũ lực nếu tổng thống Bazoum không được khôi phục quyền lực.

ECOWAS gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo. Tuy nhiên, Mali và Burkina Faso, hai nước hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau các cuộc đảo chính.

Người dân Niger khó có thể chịu được giá cả tăng vọt trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chính trị. Với 2/3 đất nước là sa mạc, Niger bị hạn hán nghiêm trọng và có rất ít đất canh tác. Khoảng 4,3 triệu người, tương dương 17% dân số, phải phụ thuộc vào trợ cấp lương thực.

Đất nước nhận được viện trợ phát triển chính thức 2 triệu USD mỗi năm, với khoảng 40% ngân sách chính phủ đến từ viện trợ nước ngoài.

Phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc cho biết các hoạt động nhân đạo hiện không bị gián đoạn. Song một số nhà tài trợ lớn nhất của Niger, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), Đức, Pháp và Anh đã cắt giảm nhiều loại viện trợ phát triển và ngân sách hậu đảo chính.

Tuy đảo chính khiến tình hình khó khăn của Niger thêm nghiêm trọng, một số người dân vẫn ủng hộ thay đổi này. "Người Niger không thể sống như trước. Đã đến lúc phải thay đổi. Và sự thay đổi đã tới", Seydou Moussa, người ủng hộ đảo chính ở Niamey, nói.

Trong khi đó, một số người bày tỏ lo ngại về tương lai. "Hầu hết các hộ gia đình đang tích trữ đồ. Chỉ vài ngày mà có những thứ đã tăng giá 3.000 - 4.000 franc CFA (5 - 6 USD). Trong một tháng tới tình hình sẽ còn như thế nữa?".

Theo Thanh Tâm (VNE)

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.
Hàn Quốc bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng

Hàn Quốc bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng

Các công tố viên Hàn Quốc đã bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng nước này Kim Yong-hyun, trong khuôn khổ cuộc điều tra về cáo buộc phản quốc sau lệnh thiết quân luật vào tuần trước.