Khoanh vùng dịch tả lợn châu Phi, đảm bảo nguồn cung thịt lợn dịp tết

(Baohatinh.vn) - Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang được ngành chuyên môn và chính quyền địa phương tại Hà Tĩnh kiểm soát khá tốt, đảm bảo không ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thịt lợn trước và sau tết Nguyên đán Tân Sửu.

Chốt kiểm dịch tại xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân) đã được lập để giám sát người và động vật vào ra địa bàn.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với DTLCP tại hộ ông Lê Văn Thống (thôn Hồng Mỹ, xã Xuân Mỹ), huyện Nghi Xuân đã chủ động kích hoạt lại các kịch bản phòng chống dịch theo hướng dẫn của UBND tỉnh và ngành chuyên môn.

Huyện Nghi Xuân ra quyết định số công bố dịch đối với bệnh DTLCP trên địa bàn xã Xuân Mỹ để thông báo rộng rãi đến địa phương và người dân. Cùng với đó, tại ổ dịch, chốt kiểm dịch có rải vôi bột và sự theo dõi của lực lượng chức năng đã được lập để kiểm soát hoạt động vận chuyển người và động vật.

Nghi Xuân thực hiện rải vôi bột tại các tuyến đường có lượng phương tiện lưu thông lớn ở vùng có ổ dịch.

Ông Nguyễn Đức Khánh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Nghi Xuân cho biết: “Khi phát hiện DTLCP trên địa bàn, xã Xuân Mỹ đã nhanh chóng kiện toàn lại Ban Chỉ đạo cấp bách phòng chống dịch, phân công người bám nắm diễn biến mới để kịp thời có phương án xử lý. Huyện đã cấp về 900 lít hoá chất và hơn 1 tấn vôi bột để tiến hành phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh toàn xã Xuân Mỹ, khoanh vùng ổ dịch.

Các xã giáp ranh thành lập các chốt kiểm dịch ở những trục đường giao thông chính, theo dõi diễn biến tình hình tại cơ sở, tránh dịch xâm nhiễm, lây lan ra diện rộng. Hiện nay, tổng đàn lợn của huyện đạt hơn 11.360 con, chủ yếu là chăn nuôi trang trại quy mô lớn (chiếm trên 82% tổng đàn) nên huyện cũng có đã hướng dẫn đến các chủ trang trại để siết chặt việc phòng, chống dịch”.

Phun hoá chất diệt khuẩn nồng độ cao tại các trang trại chăn nuôi lớn ở địa bàn huyện Cẩm Xuyên.

Đến nay, tại huyện Cẩm Xuyên, DTLCP đã có dấu hiệu “hạ nhiệt” nhưng vẫn còn 7 xã có ổ dịch chưa qua 21 ngày: xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Thịnh, Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ, Yên Hoà, Cẩm Thạch, Cẩm Lộc. Xác định nguy cơ bùng phát dịch tại địa phương còn ở mức cao nên công tác phòng, chống và kiểm soát các ổ dịch liên tục được thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phúc Thăng Hoàng Kim Túy cho hay: “Từ sau trân lũ lịch sử tháng 10/2020 đến nay, dịch bệnh chưa được không chế do địa bàn rộng, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều, chuồng trại san sát nhau, mần bệnh được phát tán nhanh, khó kiểm soát. Chúng tôi theo dõi thường xuyên; tổ chức các cuộc họp, bổ cứu để bà con tự ý thức chăm sóc đàn lợn, vệ sinh chuồng trại, khi có biểu hiện lợn ốm phải báo ngay chính quyền, không được giấu dịch”.

Các địa phương chủ động kiểm soát hoạt động giết mổ để cung ứng thịt đảm bảo ra thị trường.

Theo ông Phan Xuân Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên các ổ dịch tại địa phương đang được khống chế, trong tầm kiểm soát, chỉ dừng lại ở một số hộ nhỏ trong thôn, xóm với quy mô chăn nuôi từ 1 - 5 con.

Tuy nhiên, vào thời điểm cận tết Nguyên đán, việc kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ lợn sẽ càng sôi động nên cần kiểm soát tốt hơn nữa. Cùng với đó, hoạt động tại 5 lò mổ trên địa bàn được theo dõi và kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm để đảm bảo nguồn thịt an toàn phục vụ nhu cầu người dân.

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến thời điểm này, tổng số lợn bị ốm chết, buộc tiêu hủy chưa qua 21 ngày là 248 con với trọng lượng hơn 11.870 kg tại 13 xã thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố.

Số lượng lớn lợn thương phẩm dự kiến sẽ được xuất bán ra thị trường trong dịp cận tết.

Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Hùng cho biết: “Công tác phòng, chống và khoanh vùng dịch bệnh đang được các địa phương thực hiện khá tốt, đến nay số lượng ổ dịch chưa qua 21 ngày đã được thu hẹp. Vì thế, DTLCP chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động chăn nuôi tại tỉnh ta, nguồn cung thịt lợn phục vụ ra thị trường và người tiêu dùng trước và sau tết Nguyên đán Tân Sửu cơ bản được đảm bảo.

Tuy nhiên, đề nghị chính quyền cơ sở không được lơ là, chủ quan với dịch, nhất là trong lúc thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài; nhu cầu mua bán, vận chuyển lợn tăng cao, khó kiểm soát dịp cận tết".

Chủ đề Dịch bệnh GS-GC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói