Có “cần câu”, hàng ngàn phụ nữ Lộc Hà tự tin khởi nghiệp

(Baohatinh.vn) - Nhiều năm qua, với hình thức cho vay linh hoạt, Quỹ Phát triển phụ nữ huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã trao “cần câu” cho nhiều chị em phụ nữ để họ tự tin vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.

Có “cần câu”, hàng ngàn phụ nữ Lộc Hà tự tin khởi nghiệp

Các hội viên của Quỹ Phát triển phụ nữ đến làm thủ tục và nhận nguồn vốn vay làm “cần câu” để tự tin vươn lên thoát nghèo.

Là gia đình thuộc diện hộ nghèo trong xã, đời sống gia đình chị Phạm Thị Lưu (thôn Sơn Bằng, Thạch Kim) gặp nhiều khó khăn, công việc buôn bán nước mắm, ruốc, cá, mực... thiếu vốn nên không thể mở rộng quy mô. Nhờ cán bộ Hội LHPN xã làm cầu nối, chị Lưu được hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Phát triển phụ nữ huyện Lộc Hà.

Có “cần câu”, hàng ngàn phụ nữ Lộc Hà tự tin khởi nghiệp

Thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp tài sản, nhận vốn tại xã nên các hội viên dễ dàng trong tiếp cận.

Chị Lưu chia sẻ: Đối với tôi, vốn của quỹ như “phao cứu sinh” vào thời điểm khó khăn nhất. Vay vốn ở quỹ rất phù hợp với các đối tượng là chị em kinh doanh nhỏ lẻ vì được chia nhỏ khoản tiền vay để trả dần dần theo từng tháng. Đến nay, tôi đã có 5 lần vay vốn tại quỹ và hiện đang vay hơn 25 triệu đồng với thời hạn 36 tháng. Tôi phải trả 850 nghìn đồng/tháng cả gốc và lãi, số tiền này không quá lớn nên có thể xoay xở được nếu chăm chỉ buôn bán, “nhẹ gánh” hơn trả một lần cả gốc cả lãi.

Có “cần câu”, hàng ngàn phụ nữ Lộc Hà tự tin khởi nghiệp

Chị Phan Thị Thuỷ - Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Lộc vay vốn từ quỹ để phát triển chăn nuôi.

Chị Phan Thị Thuỷ - Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Lộc cũng đã có nhiều lần đến với quỹ để vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Nhờ nguồn hỗ trợ này, chị đã xây dựng được mô hình nuôi gà thương phẩm.

“Gia đình hoàn cảnh khó khăn, chồng ốm đau thường xuyên nên muốn có vốn làm ăn mình không biết bấu víu vào đâu, may là có sự ủng hộ từ quỹ. Điều tôi yên tâm nhất là nguồn vay được phép thanh toán theo hình thức trả góp. Lãi suất ưu đãi và tiền gốc trả theo tháng rất phù hợp với kinh tế của gia đình. Hiện, tôi vẫn đang vay hơn 29 triệu đồng, mức trả 1 triệu đồng/tháng” - chị Thuỷ bộc bạch.

Có “cần câu”, hàng ngàn phụ nữ Lộc Hà tự tin khởi nghiệp

Tại xã Thạch Kim, phụ nữ chủ yếu kinh doanh thuỷ, hải sản nên cách thức vay lớn trả nhỏ, vay một lần trả dần khá phù hợp.

Không riêng chị Lưu, chị Thuỷ mà đời sống của nhiều chị em phụ nữ trong huyện Lộc Hà cũng đã cải thiện đáng kể sau khi được trao nguồn vốn vay tại chỗ để xây dựng mô hình, mở rộng hoạt động kinh doanh, buôn bán...

Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Kim Phan Thị Mai cho biết: “Với sự đồng hành của quỹ, trên 500 chị em phụ nữ tại xã tiếp cận được vốn, đầu tư sản xuất và có “đồng ra, đồng vào” phục vụ cuộc sống. Xã là địa phương có dư nợ cho vay của quỹ lớn nhất trên địa bàn huyện với gần 4 tỷ đồng; các thành viên chủ yếu vay để phát triển nhà hàng, kinh doanh hàng thuỷ, hải sản, mở cửa hàng”.

Quỹ Phát triển phụ nữ huyện Lộc Hà đang cho nhiều hội viên có nhu cầu, đặc biệt là phụ nữ nghèo, cận nghèo, có thu nhập thấp vay vốn theo hình thức bảo lãnh, không cần thế chấp tài sản, nhận vốn ngay tại xã với thủ tục đơn giản.

Có “cần câu”, hàng ngàn phụ nữ Lộc Hà tự tin khởi nghiệp

Hội viên đến làm thủ tục vay vốn của quỹ tại xã Tân Lộc.

Với cách thức vay lớn trả nhỏ, vay một lần trả dần trong nhiều tháng rất phù hợp với đa số các đối tượng nên được chị em tại địa phương tin tưởng, ủng hộ. Đến thời hiện tại, 11/12 xã, thị trấn của huyện Lộc Hà có hoạt động quỹ với 1.700 thành viên tham gia; dư nợ hiện tại gần 13 tỷ đồng; kết dư tiền tiết kiệm của thành viên góp vào là 2,5 tỷ đồng.

Chị Hồ Mai Hương – Trưởng Văn phòng Quỹ Phát triển phụ nữ huyện Lộc Hà cho biết: “Hằng năm, để phụ nữ các địa phương trong huyện phát triển kinh tế, quỹ luôn tiến hành khảo sát, phân loại đối tượng và xác định nhu cầu vay vốn nhằm có cách hỗ trợ phù hợp. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống kinh tế gia đình, chị em tự tin vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast