Sàn giao dịch thương mại điện tử Hà Tĩnh - “mảnh đất vàng” cho giao thương hàng hóa

(Baohatinh.vn) - Sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) Hà Tĩnh có địa chỉ tại http:hatinhtrade.com.vn và http:hatinhonline.vn là sàn TMĐT đầu tiên, chính thức của tỉnh được UBND tỉnh cấp kinh phí đầu tư. Tuy vậy, đến nay, việc giao thương trên kênh bán hàng này vẫn chưa thực sự sôi động.

Kinh tế dần hồi phục sau đại dịch COVID-19, cơ sở sản xuất cu đơ Phong Nga (Thạch Hà) cũng tất bật hơn với những đơn hàng.

Sàn giao dịch thương mại điện tử Hà Tĩnh - “mảnh đất vàng” cho giao thương hàng hóa

Cơ sở sản xuất cu đơ Phong Nga tất bật sản xuất để đáp ứng các đơn hàng.

Vừa trực tiếp căn chỉnh nguyên vật liệu sản xuất, vừa thoăn thoắt kiểm tra điện thoại để giao dịch hàng hóa, với ông Nguyễn Văn Phong (chủ cơ sở sản xuất cu đơ Phong Nga) thời gian này thực sự là “mùa vui”. Theo ông Phong, hiện nay, ngoài phương thức bán hàng truyền thống thì bán hàng qua mạng điện tử chiếm hơn 50% thị phần của cơ sở.

Sàn giao dịch thương mại điện tử Hà Tĩnh - “mảnh đất vàng” cho giao thương hàng hóa

Bà Nguyễn Thị Nga kiểm tra sản phẩm trước khi đóng hàng gửi cho khách.

Được giới thiệu tham gia vào Sàn giao dịch TMĐT Hà Tĩnh, đến nay, sản phẩm cu đơ Phong Nga đã có khá nhiều đơn đặt hàng thông qua sàn.

Bà Nguyễn Thị Nga - đại diện cơ sở cho biết: “Sản phẩm cu đơ Phong Nga được đăng ở mục nổi bật của Sàn giao dịch TMĐT Hà Tĩnh với các thông tin cơ bản như: câu chuyện sản phẩm, thành phần, hạn sử dụng, cách dùng, giá bán… Theo đó, sau khi khách hàng chọn mua vào giỏ hàng, người bán sẽ nhận đơn và gửi hàng theo thông tin khách hàng đăng ký. Việc gửi hàng hiện nay cũng khá chuyên nghiệp khi cơ sở phối hợp với bưu điện, các nhà xe hoặc đơn vị chuyển phát nên rất nhanh chóng, thuận tiện…”

Sàn giao dịch thương mại điện tử Hà Tĩnh - “mảnh đất vàng” cho giao thương hàng hóa

Cơ sở chế biến thực phẩm Bình Lê đánh giá cao sự phối hợp ăn ý giữa quản trị sàn và cơ sở sản xuất.

Cũng đăng ký một gian hàng trên Sàn giao dịch TMĐT Hà Tĩnh, cơ sở chế biến thực phẩm Bình Lê (Hương Sơn) đánh giá cao sự phối hợp ăn ý giữa quản trị sàn và cơ sở sản xuất. Theo chị Lê Thị Bình - chủ cơ sở, sản phẩm mang thương hiệu Nem chua Ý Bình của chúng tôi đã được nhiều khách hàng đón nhận. Tuy nhiên, khi tham gia sàn TMĐT thì phương thức bán hàng chuyên nghiệp hơn, nhờ đó tăng hiệu quả kinh doanh. Khi có đơn hàng, quản trị sàn sẽ chuyển đơn cho nhà sản xuất và chúng tôi sẽ kịp thời đóng gói chuyển cho người mua.

“Qua thời gian thực hiện, tôi thấy phía cơ sở sản xuất phải thực sự coi TMĐT là kênh bán hàng quan trọng, đầu tư phát triển kênh. Đối với cơ sở của tôi, có 3 người thường xuyên”check" đơn để kịp thời tiếp nhận và trả lời những thắc mắc của khách”.

Sàn giao dịch thương mại điện tử Hà Tĩnh - “mảnh đất vàng” cho giao thương hàng hóa

Sàn giao dịch TMĐT Hà Tĩnh có địa chỉ truy cập tại: https://hatinhtrade.com.vn và https://hatinhonline.vn

Sàn giao dịch TMĐT Hà Tĩnh là sàn TMĐT đầu tiên, chính thức của tỉnh được UBND tỉnh cấp kinh phí đầu tư, Bộ Công thương cấp phép hoạt động từ năm 2008. Đến năm 2020, sàn được đầu tư nâng cấp lên phiên bản mới. Hiện nay, Sàn giao dịch TMĐT Hà Tĩnh do Sở TT&TT quản lý, Trung tâm CNTT và Truyền thông tỉnh quản trị vận hành, có địa chỉ tại http:/hatinhtrade.com.vn và http://hatinhonline.vn.

Sàn giao dịch TMĐT Hà Tĩnh đang duy trì, quản lý hoạt động giao dịch cho hơn 600 doanh nghiệp, hợp tác xã với 320 gian hàng trên sàn. Sàn cũng thường xuyên cập nhật tin bài liên quan đến các chủ trương, chính sách của tỉnh, thông tin sản phẩm; xúc tiến thương mại điện tử, hỗ trợ chương trình OCOP tỉnh xây dựng gian hàng mới; tổ chức các đợt xúc tiến, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp trên sàn và fanpage “Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Tĩnh”…

Với lợi thế bán hàng đa kênh cùng hệ thống quản lý sản phẩm và đơn hàng trên nhiều nền tảng trực tuyến, Sàn giao dịch TMĐT tỉnh góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Hà Tĩnh cũng như làm thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp, hộ sản xuất về phương thức kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ gắn với phát triển công nghệ số trong nông nghiệp, nông thôn.

Dù có nhiều lợi thế nhưng theo đánh giá, Sàn giao dịch TMĐT Hà Tĩnh đang phát huy hiệu quả ở việc giới thiệu, quảng bá, còn việc tiêu thụ hàng hóa vẫn chưa nhiều.

Sàn giao dịch thương mại điện tử Hà Tĩnh - “mảnh đất vàng” cho giao thương hàng hóa

Khi truy cập vào Sàn giao dịch TMĐT Hà Tĩnh, khách hàng được giới thiệu đầy đủ về về giá, xuất xứ sản phẩm...

Theo phân tích của đơn vị vận hành quản trị sàn, việc giao dịch mua bán hàng hóa trên sàn chưa thật sự sôi động xuất phát từ việc các gian hàng trên sàn chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp nên khó khăn trong việc cung ứng sản phẩm khi giao dịch trực tuyến; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng TMĐT vào kinh doanh chưa cao… Bên cạnh đó, khó khăn chung của sàn TMĐT các tỉnh là kinh phí đầu tư cho hoạt động quảng bá, đầu tư nguồn nhân lực còn hạn chế…

Ở góc độ cơ sở sản xuất có gian hàng trên Sàn giao dịch TMĐT, nhiều ý kiến đề xuất sàn cần mở rộng đối tượng khách hàng, tập trung truyền thông để tăng cường quảng bá sản phẩm cũng như tìm kiếm được nhiều đơn hàng hơn.

Để duy trì, vận hành Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Hà Tĩnh hoạt động hiệu quả, các đơn vị liên quan cần tiếp tục tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về vai trò của TMĐT; tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT cho các cơ sở tham gia sàn, đặc biệt là việc tham gia cung ứng sản phẩm qua sàn như đóng gói, bảo quản, phản hổi khách hàng…

Đồng thời, cần đầu tư nâng cấp, bổ sung kinh phí cho hoạt động truyền thông, bồi dưỡng nguồn nhân lực để Sàn giao dịch TMĐT Hà Tĩnh trở thành “mảnh đất vàng” giúp người dân, doanh nghiệp giao thương hàng hóa.

Ông Nguyễn Thanh Lâm
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm CNTT và Truyền thông Hà Tĩnh

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Chủ đề Khởi nghiệp

Đọc thêm

Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Là địa phương “đi sau” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhưng huyện Kỳ Anh đã có nhiều cách làm sáng tạo. Trong đó, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng thành công các khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn thông minh, coi đây là nền móng tạo sự lan toả, đưa phong trào xây dựng NTM của huyện phát triển vững chắc.
Giá xăng, dầu cùng tăng

Giá xăng, dầu cùng tăng

Giá xăng, dầu cùng tăng 120-240 đồng một lít từ 15h hôm nay, sau điều chỉnh của liên Bộ Công thương - Tài chính.
“Bến đỗ” của những dự án nghìn tỷ

“Bến đỗ” của những dự án nghìn tỷ

2024 tiếp tục là năm thắng lợi của Hà Tĩnh khi được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tin tưởng “rót vốn” đầu tư các dự án quy mô lớn. 22 dự án có tổng vốn gần 25.000 tỷ đồng được chấp thuận chủ trương đầu tư là “cú hích” tạo niềm tin và động lực tăng trưởng bền vững cho tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nỗ lực để thực hiện mục tiêu kép: vừa ổn định sản xuất để tăng doanh thu, vừa chăm lo, đảm bảo cuộc sống cho người lao động.