Kịch bản nào cho nơi "địa lý yếu" dịp 2/9?

Điểm đến gặp bất lợi về địa lý cần đẩy mạnh "những con chim mồi" đặc trưng tại địa phương nếu muốn thu hút dòng khách nội địa, theo ông Dương Đức Minh, Phó Viện Trưởng ITERD.

Điểm đến bất lợi về mặt địa lý cần tăng cường quảng bá truyền thông để hút khách nội. Ảnh: Duy Hiệu.

Du lịch gần, tự túc bằng đường bộ hay tour nước ngoài là 3 xu hướng được một số đơn vị lữ hành thường xuyên đề cập khi Znews hỏi về hình thức du lịch áp đảo qua dịp Tết nguyên đán, lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4-1/5, cao điểm hè và 2/9 năm nay.

Điều này dẫn đến sức mua tour trong nước thông qua một số công ty du lịch cũng giảm đáng kể so với tuyến nước ngoài trong 8 tháng đầu năm.

Trên thực tế, những loại hình du lịch trên không mới. Chúng rộ lên vào thời điểm sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến năm 2024, khuynh hướng này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bởi sự biến động của giá vé máy bay.

Khách du lịch miền Bắc khó lòng vi vu ở những điểm đến trong khu vực miền Nam, miền Trung như Phú Quý, Nha Trang, Quy Nhơn,... Ngược lại, du khách ở TP.HCM muốn ra Hà Nội hưởng mùa thu phố cổ dự kiến phải chi thêm khoảng 200.000 đồng/chiều ở khung giờ bay đẹp vào giai đoạn 29/8 - 1/9.

Mức giá hàng không neo cao từ đầu năm đến nay khiến một số điểm đến phụ thuộc vào phương tiện này trở nên kém hấp dẫn, ví như Côn Đảo. Huyện đảo thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu vơi đi lượng khách nhất định từ miền Bắc (thị trường nguồn tại đây theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam vào năm 2020) khi một hãng hàng không dừng khai thác đường bay Hà Nội - Côn Đảo từ tháng 4.

Hiện trạng trên dấy lên câu hỏi đáng suy ngẫm rằng kịch bản nào dành cho điểm đến không sở hữu lợi thế về mặt địa lý và dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết vào mùa du lịch cao điểm sắp tới?

Áp lực chồng chất

Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, với những điểm đến chưa có lợi thế về địa lý, việc thu hút du khách có thể gặp khó khăn hơn khi địa phương phải đối mặt với chi phí di chuyển cao.

Cụ thể, bối cảnh "chao đảo" của nền kinh tế toàn cầu (do loạt sự kiện như nợ của Mỹ gia tăng hay sự suy thoái ngành thép Trung Quốc,...) phả hơi nóng vào ngành du lịch. Du khách bắt đầu thắt chặt chi tiêu. Ở Việt Nam, người dân tìm kiếm những trải nghiệm đáng tiền nhưng giá cả phải hợp lý. Khi giá vé máy bay tăng cao, du khách có xu hướng tìm kiếm phương tiện di chuyển thay thế. Đường bộ là hình thức được lựa chọn nhiều nhất.

Một hãng tàu khai thác tuyến đường thủy từ TP.HCM - Côn Đảo, song phải ngưng vận hành sau 3 tháng vận hành. Ảnh: Linh Huỳnh.

Bằng chứng là lượng khách một số điểm đến thuận lợi về giao thông như Bình Thuận, Nha Trang, Quy Nhơn ở phía Nam, hay Thanh Hóa, Quảng Ninh,... ở phía Bắc, ổn định hoặc tăng đáng kể khi 5 tuyến cao tốc (CT) nối TP.HCM - Nha Trang (CT Dầu Giây - TP.HCM, CT Phan Thiết - Dầu Giây, CT Vĩnh Hảo - Phan Thiết, CT Cam Lâm - Vĩnh Hảo, CT Nha Trang - Cam Lâm) hay Mai Sơn - Quốc Lộ 45 rút ngắn thời gian di chuyển Hà Nội - Thanh Hóa thông xe.

Ngược lại, đối với những điểm đến không thuận lợi ở đường bộ, hàng không (khi vé máy bay cao) như Côn Đảo, Phú Quốc, đường thủy với mức giá trung bình được cho là phương tiện thay thế. Song, loại hình giao thông này chưa thể đảm nhiệm vai trò chủ lực vào giai đoạn bất cập thời tiết.

Trả lời kiến nghị của cử tri và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc giá vé máy bay cản trở du lịch Côn Đảo, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhận định việc một hãng hàng không ngừng khai thác đường bay Hà Nội - Côn Đảo đã làm giảm số lượng vé cung ứng trên các đường bay kết nối các địa phương với Côn Đảo, nhất là trong những thời điểm cao điểm như dịp lễ hội, mùa du lịch, khi đó cầu vượt quá cung, đã gián tiếp khiến giá vé máy bay đi, đến Côn Đảo luôn ở mức cao.

Bộ khuyến cáo hành khách nên sớm có kế hoạch đặt mua vé để có nhiều cơ hội lựa chọn với những mức giá vé phù hợp. Do đó, người Việt cần thay đổi thói quen đặt tour cận ngày trước đây nếu muốn sở hữu tấm vé đi lại tiết kiệm.

Bên cạnh áp lực về mặt chi phí, những điểm đến trong nước nói chung và nơi bất lợi về hình thức di chuyển nói riêng phải đối mặt với sức ép từ dòng tour nước ngoài.

Các điểm đến tại Trương Gia Giới hút khách Việt nhất vào năm 2023. Ảnh: Duy Hiệu.

Chia sẻ với Znews, ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Du Lịch Việt, nhận định du lịch nội địa đang chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ một số nước lân cận như Thái, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Đơn cử, ông Vũ cho rằng tour Thái Lan và Trung Quốc luôn "hot" với du khách Việt Nam và độ phủ sóng của 2 tour này sẽ kéo dài thêm vài năm nữa nhờ tối ưu hóa chi phí và trải nghiệm.

Thêm nữa, mỗi năm, Trung Quốc tận dụng hiệu ứng truyền thông, giới thiệu đến du khách quốc tế chùm tour du lịch mới. Nếu như năm 2022-2023, tuyến Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn hút người Việt nhất thì năm nay, Côn Minh - Đại Lý - Lệ Giang, Cửu Trại Câu (Tứ Xuyên) hay Lệ Giang - Shangri là cung được du khách lựa chọn tham quan đông đảo, theo bà Hoàng từ Vietravel.

Chưa kể, người Việt Nam chuộng vi vu nước ngoài theo mùa, chẳng hạn mùa hoa anh đào ở Hàn Quốc, Nhật Bản hay mùa thu với sắc cảnh vàng rợp của lá phong ở châu Âu, Pakistan. Khuynh hướng này cũng vô hình trung đưa dòng khách Việt ra nước ngoài, tạo sức ép cho điểm đến trong nước.

Đâu là lời giải?

Theo ông Dương Đức Minh, Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch (ITERD), đối với điểm đến có trở ngại về mặt địa lý, thời tiết, điều quan trọng là địa phương phải đẩy mạnh những lợi thế sẵn có, đáng chú ý là tài nguyên và trải nghiệm. Bên cạnh đó, vấn đề quảng bá, truyền thông cho điểm đến đảm nhiệm vai trò cốt yếu.

Ông Minh cho rằng sự kết nối giữa du khách với điểm đến và thông điệp từ địa phương trong ngành công nghiệp không khói Việt Nam hiện nay còn khá mờ nhạt. Khách du lịch chỉ dừng ở việc ăn, ngủ, nghỉ. Dịch vụ mang lại chiều sâu trải nghiệm là chưa có.

Đầu tháng 6/2023, đảo ngọc bước vào mùa mưa, thời tiết thất thường gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách. Không ít những nhà hàng hải sản, quán nhậu trên đường Trần Hưng Đạo (Phú Quốc) ghi nhận tình trạng khá vắng vẻ. Ảnh: Duy Hiệu.

Phó Viện Trưởng ITERD lấy ví dụ về Phú Quốc. Đảo ngọc đã có "những con chim mồi" lớn là quần thể đảo đa dạng, cảnh quan đẹp, hệ thống lưu trú cao cấp. Song, hệ sinh thái đi kèm chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh của Phú Quốc là minh bạch về mặt giá cả, tạo cảm giác yên tâm cho du khách khi "móc hầu bao".

"Khách nội địa có tâm lý và nhu cầu tiêu dùng khác với khách quốc tế. Trải nghiệm về ẩm thực, lưu trú trong nước là quá quen thuộc với người Việt. Do đó, địa phương đối diện với những bất lợi về phương tiện di chuyển cho du khách cần xoáy sâu vào hoạt động dẫn dắt cảm xúc của du khách như văn hóa sinh kế, văn hóa sinh thái địa phương,...", ông Minh nói với Znews.

Đồng quan điểm, bà Hoàng từ Vietravel đề ra phương án điểm du lịch cần phát triển dịch vụ độc đáo, tăng cường quảng bá về văn hóa, ẩm thực, các trải nghiệm bản địa không thể tìm thấy ở nơi khác.

Song, ông Minh lại cho rằng việc chuỗi cung ứng dịch vụ chưa được nâng cấp thành chuỗi giá trị chính là điểm nghẽn của ngành du lịch Việt Nam nói chung và điểm đến chưa thuận lợi về mặt địa lý, thời tiết nói riêng.

Các điểm đến muốn đẩy mạnh vấn đề phát triển du lịch cần liên kết chặt chẽ dịch vụ nhằm tạo lợi ích cho du khách.

lifestyle.znews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói