Các cháu Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du được giáo viên bố trí bữa ăn theo nhiều ca để đảm bảo khoảng cách.
Trong điều kiện bình thường, Hà Tĩnh có hơn 450 trường học bậc mầm non và tiểu học tổ chức ăn bán trú với tổng số học sinh gần 130 ngàn học sinh. Tuy nhiên, để phòng, chống dịch Covid-19, hầu hết các trường chưa tổ chức ăn bán trú, chỉ có 80% trong số 106 trường mầm non có đủ điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch mới tổ chức việc này.
Thành phố Hà Tĩnh có tổng số 25/25 trường mầm non đi học trở lại và tất cả các trường đều tổ chức cho các cháu ăn bán trú, trong đó có 10 trường tư thục.
Chị Đoàn Thị Mỹ Loan - phụ huynh của cháu Khánh Chi, lớp 5 tuổi, Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du cho hay: “Tôi rất yên tâm về chế độ ăn uống của cháu ở trường vì đã có nhiều năm gửi con học ở đây. Trường rất chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Nhân viên phục vụ nhà bếp tại Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du sát khuẩn tay trước khi vào sơ chế thực phẩm
Cô Hồ Thị Mỹ Lý, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nhà trường có 607 cháu, với 26 lớp. Đến ngày hôm nay (6/5), có trên 400 cháu đi học. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngoài những việc khử trùng bếp ăn và toàn bộ khuôn viên, phòng học trước khi học sinh đến lớp, nhà trường cũng chuẩn bị khẩu trang đầy đủ cho nhân viên phục vụ bếp ăn. Trường tạm dừng việc tổ chức bữa ăn gia đình cho các cháu và sắp xếp giãn cách, chia khẩu phần cho từng cháu; bố trí giao nhận thực phẩm ở ngoài trường nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch Covid-19”.
Các cháu Trường Mầm non Hoa Sen vệ sinh tay trước khi ăn
Trường Mầm non Hoa Sen, xã Thạch Trung (Thành phố Hà Tĩnh) có tổng số 385 học sinh với 14 lớp, những ngày đầu có hơn 200 cháu đi học trở lại.
Hiệu trưởng nhà trường - cô Nguyễn Thị Hoa Hường cho biết: “Chúng tôi yêu cầu tất cả giáo viên và nhân viên phục vụ nhà bếp phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước và sau khi sơ chế, chế biến thực phẩm và cho trẻ ăn; hướng dẫn các cháu vệ sinh tay thường xuyên, nhất là trước và sau bữa ăn”.
Huyện Lộc Hà là nơi có 7 trường mầm non tư thục tổ chức ăn bán trú, với trên 100 cháu. “Trước khi học sinh trở lại ăn bán trú, Phòng Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tổ chức kiểm tra tất cả các trường. Sau khi kiểm tra, tất cả các trường đều đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong thời gian này, cán bộ y tế huyện và xã sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát, hướng dẫn các trường thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế” - Trưởng phòng Y tế huyện Lộc Hà Nguyễn Minh Hoàng cho hay.
Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phan Văn Hùng cho hay: “Mặc dù công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam bước đầu được kiểm soát tốt song tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, do đó yêu cầu các cơ sở giáo dục khi tổ chức hoạt động ăn bán trú phải tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng đó, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát tất cả các bếp ăn bán trú ở các trường học trên địa bàn”.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong điều kiện tiếp tục phòng chống dịch Covid-19, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức ăn bán trú đủ điều kiện thì mới triển khai. Trong đó, phải thực hiện một số nội dung cơ bản như: Người chế biến thức ăn, phục vụ ăn uống phải đeo khẩu trang khi chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; giữ khoảng cách tiếp xúc giữa nhân viên chế biến, phục vụ và người sử dụng thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; những người có ít nhất một trong các triệu chứng ho, sốt, khó thở không được bố trí làm việc tại cơ sở; đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển...