Cảnh đổ nát sau các cuộc oanh tạc của Israel xuống thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza, ngày 22/11/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, hơn một tháng sau khi nổ ra xung đột giữa Israel và Hamas, ít nhất 182.000 người dân dải Gaza đã mất việc làm, tương đương 61% lực lượng lao động.
Israel đã cấp 18.000 giấy phép lao động và cư trú cho người Gaza ở nước này và các khu định cư ở Bờ Tây, nhưng những giấy phép này đã bị rút lại sau khi nổ ra xung đột.
Theo đối tác và là người phụ trách chiến lược tại Clocktower Group, Marko Papic, kinh tế Gaza dựa hoàn toàn vào hai nguồn thu là viện trợ nước ngoài và việc tiếp cận thị trường lao động. Nguồn thu thứ hai này hiện đã bị cắt, có thể là hoàn toàn.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Palestine, tỷ lệ thất nghiệp của Gaza vốn là một trong những mức cao nhất thế giới với trên 40% và hiện ở mức gần 100%, trong khi các hoạt động kinh tế tại khu vực này gần như đình trệ.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc ngay cả trước xung đột, đa phần người dân Gaza đã bị hạn chế trong việc tiếp cận nguồn thực phẩm dinh dưỡng giá rẻ. Tuy nhiên, tình hình trở nên khó khăn hơn, khi 80% dân số Gaza phụ thuộc vào viện trợ quốc tế.
Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, sự phát triển của Gaza sẽ thụt lùi 16-19 năm, theo đánh giá dựa trên các số liệu kinh tế, y tế và giáo dục.
Triển vọng kinh tế của khu vực xấu hơn cả thời điểm sau cuộc xung đột năm 1967.
Người Gaza có thể làm việc tại Israel, Ai Cập và vùng Vịnh và các nơi khác 50 năm trước, với một đội ngũ chuyên gia mạnh, trường đại học và sân bay vào thời điểm đó, nhưng với cuộc xung đột hiện nay, kinh tế khu vực này hiện gần như đình trệ.
Theo Liên hợp quốc, trong suốt những năm 1970 và 1980, kinh tế Palestine chứng kiến dòng vốn mạnh, chủ yếu nhờ kiều hối từ người lao động nước này làm việc tại Israel và các nước vùng Vịnh.