Rùng mình qua cầu hẹp, đường "nát như tương" ở Lộc Yên

(Baohatinh.vn) - Địa bàn rộng, chia cắt bởi nhiều sông, suối, dân cư phân bố rải rác nhiều vùng nên việc thực hiện tiêu chí giao thông đối với người dân xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) còn nhiều khó khăn.

Rùng mình qua cầu hẹp, đường “nát như tương” ở Lộc Yên

Tỉnh lộ 553 (tỉnh lộ 17) - tuyến huyết mạch dài 6,5km chạy xuyên suốt từ đầu đến cuối xã Lộc Yên đầy những ổ gà, ổ voi, “mưa lầy, nắng bụi”

Chứng kiến tỉnh lộ 553 - tuyến đường huyết mạch dài 6,5km chạy xuyên suốt từ đầu đến cuối xã Lộc Yên đầy những ổ gà, ổ voi, “mưa lầy, nắng bụi”, mới thấy hết nỗi gian nan trên con đường phát triển KT-XH của người dân nơi đây.

Không chỉ đường sá hư hỏng, xuống cấp, để đến các thôn, xóm, vùng dân cư trên địa bàn phải đi qua 6 cây cầu lớn nhỏ bắc qua 3 con sông và các khe suối. Những năm qua, Lộc Yên đã phát triển được hơn 300 mô hình kinh tế vườn đồi, trang trại trồng cây ăn quả, chăn nuôi. Tuy nhiên, do đường sá cách trở, xuống cấp nên việc tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả kinh tế vườn, rừng của người dân địa phương đang bị hạn chế.

“Đường sá như thế, thương lái vào tận nơi mua cho mình là quý rồi vì vận chuyển được ra đường lớn về thành phố cũng không đơn giản nên họ bớt 5-7 giá là chuyện thường.” - ông Đàm Thọ, người dân thôn Trung Sơn cho biết.

Hàng năm, cứ đến mùa thu hoạch cam và các loại nông sản, ông Đàm Thọ cũng như nhiều hộ trang trại thôn Trung Sơn lại lo lắng, đứng ngồi không yên bởi việc vận chuyển tiêu thụ hàng trăm tấn cam, nông sản từ trang trại đến với thị trường gặp nhiều khó khăn. Con đường độc đạo từ trang trại vận chuyển hàng hóa, nông sản ra đến đường lớn phải mất hơn 6km và đặc biệt phải đi qua 1 cây cầu nhỏ, hẹp bắc qua sông Ngàn Sâu.

Rùng mình qua cầu hẹp, đường “nát như tương” ở Lộc Yên

Cầu bắc qua sông Bàu Nại kết nối với 140 hộ dân thôn Trường Sơn nhỏ hẹp, không có lan can, đi lại rất nguy hiểm

“Đến vụ thu hoạch, muốn đưa sản phẩm đi tiêu thụ chúng tôi phải “tăng bo” bằng xe máy ra đường lớn. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ từ tháng 8 đến tháng 11, cầu thường xuyên bị ngập, xóm chúng tôi bị cô lập có khi kéo dài 15-20 ngày nước mới rút, thông cầu. Vừa rồi hái về 2 xe nhãn vào đúng đợt lụt, không vận chuyển ra được, ăn mãi không hết, hư hỏng phải đổ...” – ông Thọ ngán ngẩm.

Đường sá, cầu cống hư hỏng, xuống cấp kéo dài nhiều năm không được sửa chữa không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của con em. Gần 2.000 học sinh các cấp phải đi qua tỉnh lộ 553 lầy lội bùn đất và các cầu thấp, nhỏ hẹp qua sông, khe suối để đến trường. Đã có không ít vụ tai nạn xẩy ra đối với các em học sinh khi phải đi qua những cây cầu nhỏ hẹp trên địa bàn.

Rùng mình qua cầu hẹp, đường “nát như tương” ở Lộc Yên
Rùng mình qua cầu hẹp, đường “nát như tương” ở Lộc Yên

Cầu bắc qua sông Ngàn Sâu kết nối với hơn 100 hộ dân thôn Trung Sơn nhỏ hẹp, thấp, chỉ 1 trận mưa nhỏ là ngập không thể đi lại được

“Chúng tôi đã đề xuất, kiến nghị nhà nước đầu tư, sửa chữa tuyến tỉnh lộ và các cây cầu trên địa bàn hàng chục năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, đặc biệt là việc học hành của con em địa phương” – ông Nguyễn Hồng Tâm, thôn Trung Sơn cho biết.

Lộc Yên là 1 trong những địa phương đi đầu trong phong trào làm GTNT, kênh mương nội đồng của huyện Hương Khê. Tuy nhiên, những nỗ lực “bê tông hóa giao thông nông thôn” của người dân Lộc Yên như “muối bỏ biển” bởi địa bàn rộng đến hơn 11.000ha lại chia cắt bởi nhiều sông, suối, dân cư phân bố rải rác nhiều vùng.

Ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Yên cho biết: “Toàn xã có 84,7km đường trục xã, xóm, nội đồng và 17 km quốc lộ, tỉnh lộ đi qua địa bàn. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 6 cây cầu lớn nhỏ bắc qua sông và khe suối. Mặc dù rất nỗ lực nhưng đến nay địa phương mới hoàn thành khoảng hơn 30% khối lượng GTNT theo tiêu chí 05 của tỉnh. Giao thông đi lại khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương”.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast