Tín dụng đầu năm tăng trưởng chậm

(Baohatinh.vn) - Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh những tháng đầu năm chậm. Tính đến 15/2, dư nợ toàn địa bàn đạt 96.465 tỷ đồng, chỉ tăng 0,43% với cuối năm 2023.

Tín dụng đầu năm tăng trưởng chậm

Khách hàng đến giao dịch tại Vietcombank Hà Tĩnh.

Ông Dương Quốc Khánh – Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp (Vietcombank Hà Tĩnh) cho biết: “Ngay từ những ngày đầu năm 2024, chi nhánh đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng trưởng tín dụng như: đơn giản hóa thủ tục, thời gian cho vay; nâng cao hiệu quả thẩm định để cho vay các khách hàng có phương án kinh doanh khả thi; giảm lãi suất cho vay ở mức thấp và ổn định trên thị trường. Ngoài ra, đơn vị còn đa dạng hóa các gói tín dụng phục vụ đầu tư sản xuất, kinh doanh; đảm bảo nhu cầu đời sống như: mua nhà, đất ở, xe ô tô, vay vốn tiêu dùng... Tuy nhiên, do những tháng đầu năm, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã đang gặp nhiều khó khăn và nhu cầu vay tiêu dùng của người dân giảm nên dư nợ tín dụng của Vietcombank Hà Tĩnh đang giảm nhẹ so với đầu năm”.

Theo đó, tính đến ngày 20/2/2024, tổng dư nợ của Vietcombank Hà Tĩnh đạt 14.958 tỷ đồng, giảm 232 tỷ đồng so với đầu năm. Thế mạnh của Vietcombank Hà Tĩnh là cho vay doanh nghiệp nên chi nhánh sẽ tiếp tục theo dõi, lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn để kịp thời nắm bắt khó khăn và có giải pháp hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư trong năm mới.

Năm 2024, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tối thiểu 10% so với cuối năm 2023. Ngay từ những tháng đầu năm, “nhà băng” này đã quyết liệt triển khai nhiều chương trình tín dụng của hệ thống Agribank như: cho vay tiêu dùng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng cá nhân với quy mô 10.000 tỷ đồng, cho vay ngắn hạn đối với khách hàng cá nhân phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh với quy mô 30.000 tỷ đồng, cho vay ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 với quy mô 10.000 tỷ đồng... Ngoài ra, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II còn “chạy” các chương trình tín dụng riêng, điển hình như gói “Tín dụng xanh” hỗ trợ thanh niên lập nghiệp...

Theo ông Nguyễn Thanh Quang - Trưởng phòng Kế hoạch và Quản lý rủi ro, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II: Việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nhiều doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu) đối diện khó khăn, thách thức như: chi phí sản xuất gia tăng trong khi giá thành không tăng, hàng tồn kho lớn... buộc các doanh nghiệp phải giảm quy mô hoạt động. Ngoài ra, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân giảm nên nhu cầu vay vốn cũng giảm theo. Theo đó, dư nợ của Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II tính đến ngày 21/2/2024 đạt 13.748 tỷ đồng, giảm 65 tỷ đồng so với đầu năm.

Tín dụng đầu năm tăng trưởng chậm

Dư nợ của Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II tính đến ngày 21/2/2024 đạt 13.748 tỷ đồng.

Theo phản ánh, hiện nay ngoài các “ông lớn” là: Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank thì khối ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn Hà Tĩnh như: HDBank, Bắc Á Bank, ACB, Techcombank... cũng đang gặp khó khăn trong phát triển dư nợ.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, tính đến ngày 15/2/2024, dư nợ toàn địa bàn đạt 96.465 tỷ đồng, chỉ tăng 0,43% với thời điểm cuối năm 2023.

Theo lý giải của các chuyên gia, cũng như cả nước, tín dụng những tháng đầu năm tại Hà Tĩnh có xu hướng chững lại là có tính chất quy luật, thông thường vào tháng tết cổ truyền thì tín dụng không tăng. Ngoài ra, những tháng đầu năm, do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, doanh nghiệp còn khó khăn, nhu cầu tiêu dùng thấp... là những nguyên nhân căn bản khiến tín dụng tăng trưởng chậm.

Được biết, năm 2024, ngành ngân hàng Hà Tĩnh đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng từ 14% trở lên so với cuối năm 2023; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dưới mức 2%. Thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Cùng đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Tín dụng đầu năm tăng trưởng chậm

Ngoài nỗ lực của ngành ngân hàng, cần các giải pháp từ các cấp, ngành để gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài nỗ lực của ngành ngân hàng, còn cần các giải pháp căn cơ từ các cấp, ngành nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo đó, cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp; thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; cần có giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước... từ đó mới có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

“Giữ lửa” nông thôn mới ở những địa bàn sắp xếp đơn vị hành chính

“Giữ lửa” nông thôn mới ở những địa bàn sắp xếp đơn vị hành chính

Bức tranh nông thôn mới ở Thạch Hà sẽ có những thay đổi khi tới đây có 11 xã sẽ nhập vào TP Hà Tĩnh, đồng thời huyện có thêm 11 xã, thị trấn chuyển về từ huyện Lộc Hà. Các địa phương về thành phố sẽ khai thác tiềm năng, đón đầu cơ hội xây dựng NTM, đô thị văn minh; còn các xã của huyện Thạch Hà tiếp tục “giữ lửa” thực hiện nhiệm vụ xây dựng huyện NTM nâng cao.
Giá vàng trong nước giảm mạnh

Giá vàng trong nước giảm mạnh

Trong sáng nay (26/11), cùng đà giảm với giá vàng thế giới, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn trong nước cũng giảm mạnh.
Anh nông dân đầu tư tiền tỷ làm nông nghiệp hàng hóa

Thủ lĩnh cơ giới hóa nông nghiệp ở thành phố Hà Tĩnh

Người ta vẫn gọi đùa anh Nguyễn Bằng Tấn (thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) là "gã liều”, thậm chí là "gã gàn” khi hết lần này đến lần khác “vác” tiền nhà mua máy móc để sản xuất nông nghiệp. Nhưng, sự liều lĩnh ấy hoàn toàn không hề vô định mà bên trong người nông dân “chân lấm tay bùn” là một tư duy đột phá, sự quyết liệt trong cách làm để phát triển nông nghiệp hiện đại.
 “Nước rút” giải ngân vốn đầu tư công

“Nước rút” giải ngân vốn đầu tư công

Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công nhằm tạo điều kiện cho Hà Tĩnh từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển KT-XH, phát triển đồng bộ các lĩnh vực, cải thiện môi trường đầu tư.