Lạm quyền khi thi hành công vụ, 4 cựu cán bộ xã Thạch Bằng lĩnh án

(Baohatinh.vn) - Trước áp lực chuyên môn, 4 cán bộ UBND xã Thạch Bằng (nay là thị trấn Lộc Hà, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã nóng vội để rồi thực hiện hành vi vượt quá quyền hạn, phạm tội "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ".

Ngày 27/8, TAND tỉnh mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Phan Đình Cương (SN 1965 - nguyên Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) trú tổ dân phố Khánh Yên, thị trấn Lộc Hà cùng các đồng phạm: Phạm Công Thành (SN 1958, trú thị trấn Lộc Hà), Trần Văn Hiếu (SN 1979, trú thị trấn Lộc Hà), Bùi Ngọc Ánh (SN 1989, trú xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà) về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.

56bd9b2a0574a22afb65.jpg
Đông đảo người dân theo dõi phiên toà xét xử Phan Đình Cương cùng 3 đồng phạm.

Để phiên toà được tiến hành theo quy định của pháp luật, trước khi khai mạc, thư ký đã tiến hành kiểm tra sự có mặt của những người được toà án triệu tập, lí do vắng mặt đối với người vắng mặt. Phiên toà có hơn 100 bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trước giờ khai mạc, người tham gia tố tụng cũng đã được nghe thư ký phổ biến nội quy phiên toà.

Phiên toà vắng mặt một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Qua đề nghị của đại diện viện kiểm sát và người tham gia tố tụng, xét thấy bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án cơ bản có mặt; những người vắng mặt đã được cơ quan điều tra tiến hành thu thập lời khai, sự vắng mặt của những người này không ảnh hưởng tới quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà quyết định tiếp tục xét xử.

Các bị cáo thực hiện hành vi vượt quá quyền hạn

Theo cáo trạng của đại diện Viện kiểm sát, với chức năng, quyền hạn được giao, Phan Đình Cương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng đã thực hiện hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

a5dd7f4ae114464a1f05.jpg
Phan Đình Cương (đứng đầu) cùng các đồng phạm tại phiên xử sơ thẩm.

Năm 2014, mặc dù cấp có thẩm quyền chưa phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chưa có chủ trương của UBND huyện Lộc Hà về việc xét giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân không qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất nhưng Phan Đình Cương đã chỉ đạo Phạm Công Thành (cán bộ bán chuyên trách dịch vụ du lịch), Trần Văn Hiếu (kế toán trưởng) và Bùi Ngọc Ánh (kế toán) phối hợp với công chức địa chính xã tham mưu để UBND xã thông báo xác định giá đất tại 21 vị trí trên địa bàn. Động cơ của Cương nhằm mục đích thu tiền đất trái quy định pháp luật của những cá nhân có nhu cầu mua đất xin giao đất trên địa bàn xã Thạch Bằng và các xã khác tại huyện Lộc Hà.

Các khu vực được xác định mức giá từ 25 - 200 triệu đồng đối với các diện tích từ 126m2 - 250m2. Trên cơ sở đó, Cương chỉ đạo cán bộ UBND xã thông báo rộng rãi đến người dân nếu muốn cấp đất, mua đất, đến UBND xã gặp Cương để xem xét, giải quyết.

Trong khoảng thời gian từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2016, Cương chỉ đạo Phạm Công Thành lập 122 phiếu thu tiền đất của 91 cá nhân; Hiếu duyệt 7 phiếu thu của 6 cá nhân; Ánh duyệt 115 phiếu thu của 87 cá nhân rồi thu tổng số tiền hơn 12,5 tỷ đồng. Số tiền này được thu khi chưa có thông báo thực hiện nghĩa vụ tài chính của cơ quan thuế, chi trái quy định vào nhiều mục đích khác nhau, không thực hiện hạch toán qua kho bạc và hiện nay không có khả năng thu hồi.

Sau khi thu tổng số tiền 12,5 tỷ đồng của 91 cá nhân, Phan Đình Cương đã chỉ đạo kế toán để lại quỹ tiền mặt, tạo lập 417 phiếu chi với số tiền hơn 11 tỷ đồng. Đối với số tiền còn lại, Cương chỉ đạo không hạch toán vào sổ sách kế toán và lập phiếu chi mà xuất quỹ tiền mặt qua phiếu đề xuất viết tay, đánh máy không theo chế độ quản lý tài chính, ngân sách.

Để việc chi tiền tại quỹ tiền mặt không bị cơ quan chức năng phát hiện, Cương chỉ đạo Ánh xây dựng 2 báo cáo quyết toán ngân sách xã.

4b9a978988d12f8f76c0.jpg
Kiểm sát viên công bố bản cáo trạng.

Như vậy, Cương, Thành, Ánh, Hiếu đã thực hiện hành vi vượt quá quyền hạn, lập phiếu thu tiền mua đất của người dân khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa được xét đối tượng được giao đất, chưa có thông báo thực hiện nghĩa vụ tài chính của cơ quan thuế, để lại quỹ tiền mặt tọa chi trái quy định, không có khả năng thu hồi gây thiệt hại cho 91 cá nhân với tổng số tiền hơn 12,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 91 phiếu thu tiền đã được lập, có 2 phiếu của Phan Đình Cương và Bùi Ngọc Ánh. Ngoài ra, do 8 cá nhân khác đã nhận lại được tiền nên tổng số bị hại trong vụ án còn lại 81 người

Kết quả điều tra xác định Phan Đình Cương và các đồng phạm thực hiện hành vi "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ" gây thiệt hại cho 81 bị hại. Trong vụ án này, Phan Đình Cương phạm tội với vai trò chủ mưu, các bị cáo còn lại đóng vai trò giúp sức.

Do đâu các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội?

Tại phần xét hỏi, các bị cáo cho rằng, áp lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc "nóng tay bắt tai". Minh chứng là xã Thạch Bằng về đích NTM vào năm 2014, trước kế hoạch 1 năm. Bên cạnh đó, quá trình phạm tội còn xuất phát từ sự chủ quan, tại thời điểm thực hiện hành vi, nhận thức còn chưa đầy đủ.

Trả lời HĐXX, bị cáo Phan Đình Cương khai nhận, từ năm 2014 đến năm 2018, do áp lực trong quá trình xây dựng NTM nên dù nhận thức được hành vi sai trái, thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thuộc UBND cấp huyện song vẫn chỉ đạo cấp dưới thực hiện.

Cụ thể, bị cáo đã làm trái các quy định về đất đai; tự ý thu tiền để chi vào các khoản xây dựng NTM, xây dựng hạ tầng, chi thường xuyên, chi đối ngoại, chi GPMB. Với cương vị là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới tham mưu việc xác định các khu vực đất, giá đất để thu tiền. Hành vi của bị cáo gây thiệt hại cho 81 người với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng.

d5fda66a38349f6ac625.jpg
Bị cáo Phạm Công Thành.

Phạm Công Thành khai, thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo là cán bộ bán chuyên trách dịch vụ du lịch UBND xã Thạch Bằng, trực tiếp thu lệ phí ngân sách của các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn.

Phan Đình Cương đã trao đổi với bị cáo về các nội dung liên quan tới việc bán một số khu vực đất quy hoạch để tạm thu, chi GPMB và lập phiếu tạm thu. Bị cáo phủ nhận việc tham mưu cho bị cáo Cương và khẳng định bản thân chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên. Bị cáo cho rằng, do bản thân không có trình độ, lại là cán bộ bán chuyên trách nên chưa nhận thức được việc làm trái pháp luật.

Bùi Ngọc Ánh cho biết, thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, bị cáo mới được luân chuyển về UBND xã Thạch Bằng nên không nắm rõ khu vực đất quy hoạch, do đó, không tham gia xác định giá đất. Bị cáo khai, các khoản thu đã được bị cáo Cương chỉ đạo chi trả cho nhà thầu, GPMB, làm hạ tầng các khu vực đất quy hoạch. Bị cáo lập 115 phiếu thu tiền với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng khi chưa có thông báo thực hiện nghĩa vụ tài chính của cơ quan thuế, để tiền tại quỹ tiền mặt và thực hiện chi với nhiều mục đích khác nhau.

Bị cáo Trần Văn Hiếu trực tiếp lập 7 phiếu thu tiền của 6 cá nhân không hạch toán qua kho bạc. Bị cáo thừa nhận việc tạm thu tiền đất là sai, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài các bị cáo, HĐXX đã tiến hành xét hỏi người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến nguồn gốc số tiền thu được; quyết toán thu - chi ngân sách; thực hiện quy trình giao đất; thẩm định quyết toán...

Nhiều đề nghị xin xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo

Tại phiên toà, Phan Đình Cương cùng 3 đồng phạm đã nhận được nhiều đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt từ người tham gia tố tụng.

9627958df2d4558a0cc5.jpg
Các bị cáo Bùi Ngọc Ánh (ảnh trái) và Trần Văn Hiếu.

Đại diện Viện kiểm sát cho biết, cả 4 bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thành khẩn khai báo. Ngoài việc tự nguyện bồi thường 150 triệu đồng, Phan Đình Cương có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác; nhiều lần được tặng bằng khen từ Trung ương và tỉnh. Phạm Công Thành tự nguyện khắc phục một phần thiệt hại với số tiền 20 triệu đồng; Bùi Ngọc Ánh khắc phục 50 triệu đồng; Trần Văn Hiếu trong quá trình công tác, nhiều lần được tặng bằng khen, đã khắc phục 129 triệu đồng.

Trên cơ sở đó, kiểm sát viên đề nghị xử phạt Phan Đình Cương từ 7-8 năm tù; Phạm Công Thành và Bùi Ngọc Ánh mỗi bị cáo từ 5-6 năm; Trần Văn Hiếu mức án 3 năm cho hưởng án treo. Ngoài ra, các bị cáo có nghĩa vụ bồi thường dân sự cho UBND thị trấn Lộc Hà.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, nhiều ý kiến nhấn mạnh, Thạch Bằng từ xã nghèo bãi ngang đến thành quả đáng ghi nhận như hôm nay ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ và Nhân dân còn có sự đóng góp rất lớn từ người đứng đầu, cụ thể là Phan Đình Cương. Bị cáo Cương đã có công lớn đưa các phong trào của địa phương ngày càng phát triển, được cấp trên ghi nhận, đánh giá cao. Các bị cáo hành động không xuất phát từ tư lợi cá nhân mà vì tập thể.

Đại diện UBND huyện Lộc Hà đề nghị HĐXX cân nhắc, xem xét thấu tình đạt lý khi lượng hình. Theo đó, cần đánh giá thời điểm dẫn đến hành vi sai trái của cán bộ. Nguyên nhân xảy ra sai phạm xuất phát một phần từ công tác quản lý Nhà nước chưa chặt chẽ; áp lực xây dựng NTM khi Thạch Bằng là 1 trong 2 xã đầu tiên về đích của huyện.

Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Thành, UBND thị trấn Lộc Hà cùng một số bị hại đã đưa ra ý kiến và được đại diện Viện kiểm sát phân tích, làm rõ. Theo đó, Viện kiểm sát đã nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện về vai trò của từng bị cáo trong vụ án và áp dụng các quy định theo hướng có lợi.

689e990a0754a00af945.jpg
Toàn cảnh phiên toà sơ thẩm.

Trên cơ sở đánh giá các chứng cứ, tài liệu và diễn biến phiên xử, HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng tới công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Tuy nhiên, xét thấy các bị cáo thành khẩn khai báo, đã tự nguyện bồi thường, khắc phục một phần hậu quả, nhân thân tốt, có nhiều thành tích trong quá trình công tác và tại phiên toà, được nhiều người tham gia tố tụng đề nghị giảm án; do vậy, cần cân nhắc, xem xét mức án nghiêm minh, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Căn cứ vào những lẽ trên, TAND tỉnh đã tuyên phạt Phan Đình Cương 6 năm 6 tháng tù; Bùi Ngọc Ánh và Phạm Công Thành mỗi bị cáo 4 năm 6 tháng tù; Trần Văn Hiếu 36 tháng tù cho hưởng án treo về tội "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ".

Chủ đề Tòa tuyên án

Chủ đề Báo Nhân Dân

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 9/11 - 15/11)

Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 9/11 - 15/11)

Ô tô 9 chỗ biến dạng sau va chạm liên hoàn trên QL 1 ở Hà Tĩnh; Khởi tố đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy; Khởi tố thanh niên xâm hại cơ thể bạn gái dưới 18 tuổi; Bắt đối tượng vận chuyển ma túy, súng quân dụng qua biên giới… là những thông tin chính sẽ có trong bản tin Podcast hôm nay của Báo Hà Tĩnh.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.