Lặn biển bắt chang chang...

(Baohatinh.vn) - Bãi biển Nguyễn Huệ (xã Kỳ Xuân - Kỳ Anh - Hà Tĩnh) một ngày cuối tháng 5. Mới sáng sớm đã xôn xao nghề biển, hàng chục chiếc thuyền nổ máy ra khơi. 7h, được sự giới thiệu, bố trí của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Lĩnh, chúng tôi lên chiếc thuyền con của 2 anh em Sáng, Sang và 2 “bạn” ra khơi lặn bắt sò lụa (tên thường gọi là chang chang)...

Thuyền ra cách bờ chừng 4km, Sáng cắn chặt ông dẫn khí và lao xuống biển lặn chang chang.

Chạy chừng 30 phút, cách bờ khoảng 4 km thì Sang dừng thuyền. “Chuẩn bị, ta xuống ở đây”. Chậm rãi, thuần thục, Sáng và “bạn” tên Tuấn quấn vành đai chì quanh bụng, khoác túi lưới lên vai, miệng cắn chặt ống dưỡng khí, cầm theo chiếc móc sắt và nhảy ùm xuống biển.

Mặt biển xao động. 2 ống dẫn khí bằng ngón tay cái trên tay Thắng trôi tuồn tuột. Khoảng 3 phút sau, ống dẫn chững lại, những đợt tăm bọt khí xa dần. “Đã tiếp đáy, bắt đầu “săn” chang chang” - Thắng như nói với mình. Sang điều chỉnh cho thuyền đứng yên, liên tục kiểm tra ống dẫn khí và đăm đắm nhìn xuống mặt biển xanh như đang cố “soi” lòng biển, tìm bãi sò để mong cho một chuyến ra khơi thu hoạch.

Sang cho biết, độ sâu tại khu vực lặn chừng 5-6 sải nước (8-9m). Xuống đến nơi, thợ lặn dùng cào khuấy mặt cát mỏng, phát hiện ra chang chang thì móc lên cho vào túi lưới. Nhưng không phải điểm nào cũng có sò nên thợ lặn phải liên tục di chuyển, nhiều khi cách thuyền hàng trăm mét. Thợ lặn chỉ nổi lên khi túi lưới đầy hoặc đến giờ cơm trưa, thường khoảng sau 3-4 tiếng đồng hồ. Mặc dù không quá nguy hiểm như khi lặn bắt ở những vùng biển sâu nhưng cũng không phải là “trò chơi” cho những người hiếu kỳ.

Thành quả sau một buổi đi biển lặn bắt chang chang

Mới được hơn 30 phút, bỗng sợi dây dù nối với Sáng giật mạnh. Hồi hộp, lo lắng, Thắng nhanh chóng cuộn dây, hỗ trợ Sáng nổi lên mặt nước. Khoát 1 vòng tay, ngón cái trỏ xuống nước, Sáng truyền thông điệp: ở khu vực này nhiều chang chang! Ngay lập tức, Sang cuộn dây, kéo Tuấn lên và báo điểm lặn. “Định vị” điểm lặn, Tuấn nhao người lao nhanh về phía đó. Ngồi trên thuyền, chúng tôi cảm nhận được sự phấn khích, hồi hộp của Sang và Thắng. Họ đang mong chờ một buổi sáng bội thu. Chắc dưới đáy biển, Sáng và Tuấn cũng đang tích cực gom “vàng”.

Vừa khéo léo điều khiển thuyền, vừa luôn để mắt canh chừng máy nổ và ống dẫn khí, Sang tâm sự về nghiệp lặn của mình. 28 tuổi đời, 10 năm tuổi lặn. Đó là tuổi lặn chính thức chứ dân vùng biển Kỳ Xuân như Sang, nghề lặn ăn vào máu thịt. Bé tí là đã theo cha ra biển đánh cá, lặn sò. Chục năm về trước, Sang vào Bình Thuận lặn biển. Lặn đủ thứ với mọi địa hình, độ sâu. Có khi đến vài ba chục mét nước nên rất nguy hiểm. Vì thế, dù thu nhập khá nhưng không dám theo nghề lâu dài.

Vài năm gần đây, Sang cũng như nhiều thợ lặn khác rời Bình Thuận về quê lặn biển, nhất là lặn bắt sò. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, vùng biển Hà Tĩnh bỗng nhiên xuất hiện rất nhiều chang chang, Sang cùng anh trai mua thuyền, gọi thêm “bạn” và tổ chức đánh bắt. “Cũng khá, ngày cao điểm, trừ chi phí, mỗi người thu nhập lên đến hơn 2 triệu đồng. Điều quan trọng nhất là việc lặn bắt chang chang ở các vùng biển Hà Tĩnh gần bờ, mực nước nông nên an toàn hơn”.

Mỗi ngày có hàng chục tàu thuyền cập cảng cá Cửa Sót bán chang chang.

Gần 12h trưa, 2 sợi dây dù rung rung báo hiệu. “Lên rồi” - Thắng lên tiếng và cùng Sang kéo căng các sợi dây và cuộn ống dẫn khí. Nước biển sôi ùng ục, sủi bọt. Sáng và Tuấn trồi lên mặt nước, đu người lên thuyền. 2 chiếc túi lưới căng đầy những con chang chang nâu vàng, ánh lên dưới nắng. “Bình thường, 4 anh em sẽ ăn cơm trưa trên thuyền, nghỉ ngơi tí rồi tiếp tục thay nhau xuống biển, nhưng hôm nay, nhận nhiệm vụ chở anh chị đi thị sát nên ta quay về. Chừng này được tầm hơn 20 kg, loại này to nên bán được giá” - Sang đưa tay vốc nắm sò lên định lượng.

Thuyền vừa cập bến, những người thu mua chang chang ra đón tận mép nước. Cân, đếm số lượng con trên 1 kg để xác định to nhỏ và trả tiền. 2,6 triệu đồng. Chóng vánh, nhanh gọn. Với chang chang, có bao nhiêu mua bấy nhiêu. “Chang chang có nhiều ở các vùng biển từ Kỳ Xuân ra đến Cửa Hội (Nghi Xuân). Theo dòng thủy lưu, đợt này vùng biển Kỳ Xuân có vẻ ít, đêm nay, chúng tôi cũng đi thuyền ra Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà) để ngày mai lặn biển” - Sang thông tin trước lúc chia tay.

Cũng như anh em Sang và Sáng, vài năm nay, nhiều thợ lặn Kỳ Xuân đã từ bỏ nghiệp lặn ở Bình Thuận để hồi hương. Phần lớn chuyển nghề đi xuất khẩu lao động theo chủ trương của xã, số còn lại vẫn bám biển bằng nghề đánh bắt cá, lặn sò. Kỳ Xuân có 127 tàu thuyền lớn nhỏ với gần 350 lao động trực tiếp. Trong thời điểm này, khi việc đánh bắt cá gặp nhiều khó khăn, phần lớn đã chuyển sang lặn bắt chang chang.

Thương lái ra tận thuyền thu mua chang chang

“Rất may, trong thời điểm khó khăn khi xuất hiện hiện tượng cá chết bất thường thì dọc bờ biển tỉnh ta xuất hiện nhiều chang chang. Việc lặn bắt sò là “chuyên môn” của ngư dân Kỳ Xuân, thu nhập khá nên bà con cũng phần nào đỡ khó khăn hơn. Bây giờ, nhiều người mua thuyền, gọi “bạn” đi làm nghề lặn, số còn lại thì lặn thuê cho các chủ thuyền từ Bình Thuận ra” – Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân Nguyễn Xuân Lĩnh cho biết.

Và, cùng với ngư dân Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh), Kỳ Hà (TX Kỳ Anh), những người chuyên nghề lặn của các xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên), Thạch Bằng (Lộc Hà) và những thợ lặn từ Bình Thuận ra đã bổ sung vào đội ngũ lặn bắt chang chang dọc bờ biển Hà Tĩnh. Lúc cao điểm, riêng Cửa Sót có khoảng 170 tàu thuyền chuyên đánh bắt sò vào ra mỗi ngày, bình quân mỗi phương tiện có 6 thợ lặn. Trong đó, riêng đội tàu thuyền từ Bình Thuận ra có ngày đăng ký lên đến 31 phương tiện.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, tại cảng cá Cửa Sót trong tháng 5 có 299 tấn chang chang về cảng. Tính bình quân, mỗi ngày, các “nậu” thu gom gần 10 tấn. “Tùy theo chủng loại, tôi thu mua với giá từ 70.000 - 140.000 đồng/kg rồi chuyển lên cửa khẩu Móng Cái, bán sang Trung Quốc. Mặt hàng này dễ tiêu thụ, có bao nhiêu thương lái lấy bấy nhiêu”, chị T. - một đại lý thu mua chang chang ở cảng cho biết.

Thiên nhiên luôn hào phóng, lòng biển vẫn bao la với biết bao sản vật dành cho con người. Trong cơn bĩ cực của ngư dân Hà Tĩnh trước sự cố môi trường biển và “dư chấn” của truyền thông lệch lạc, biển đã cho chang chang như một món quà quý làm dịu những âu lo, thiệt thòi.

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói