Làng nghề trước thềm xuân (Bài 2): Làng hương hối hả

(Baohatinh.vn) - Mỗi độ Tết đến, Xuân sang là các làng hương lại trở nên náo nhiệt hơn. Nhà nhà, người người tất bật để kịp cho “ra lò” sản phẩm ưng ý nhất. Những “bông” hương bung nở dưới nắng vàng gợi lên một mùa ấm no.

>> Làng nghề trước thềm xuân (Bài 1): Làng hoa rộn ràng

Về thôn Báo Ân (Thạch Mỹ - Lộc Hà) thời điểm này, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhịp độ làm việc khẩn trương, hối hả của bà con. Ngay từ đầu làng, từng tốp người thoăn thoắt với công việc. Người phơi hương, người quấn hương tất bật…. Tết như đang đến sớm hơn, lòng người xao xuyến hơn…

Làng nghề trước thềm xuân (Bài 2): Làng hương hối hả ảnh 1

Người làm hương Hà Tĩnh đã làm phong phú thêm đời sống tâm linh và mang hương vị tết đến sớm hơn cho mọi nhà.

Ông Võ Tá Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nghề làm hương ở Báo Ân đã có từ hơn 30 năm. Trước đây, bà con sản xuất thủ công, quy mô nhỏ. Nay, các hộ mạnh dạn vay vốn, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Hiện người làm hương chủ yếu tập trung ở thôn Báo Ân với khoảng 100 hộ, chiếm 50% dân số”.

Nghề làm hương tất bật quanh năm. Đặc biệt từ tháng 6 trở đi, bà con tập trung nhân lực, nguyên liệu để làm hàng tết. Nghề này vất vả và trải qua nhiều công đoạn, nhưng công đoạn phơi đóng vai trò đặc biệt quan trọng, bởi phải gặp nắng thì hương mới khô và thơm như ý. Nén hương là tín ngưỡng văn hóa của người Việt, cầu nối giữa cuộc sống hiện tại với thế giới tâm linh. Để làm được những nén hương thơm không chỉ đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo mà cần cả cái tâm của người thợ. Phải là người có tâm mới gắn bó lâu dài với nghề.

Giữ “lửa” cho làng nghề truyền thống, tháng 11/2013, HTX hương Báo Ân ra đời. Đây được xem là môi trường thuận lợi, tạo điều kiện mở rộng và phát triển làng nghề. Anh Trần Đình Thanh - Giám đốc HTX cho hay: “Sản phẩm hương Báo Ân khá đa dạng, nhưng chủ yếu vẫn là hương đen và hương thẻ. Giá cả dao động từ 1.000 - 5.000 đồng/thẻ tùy loại. Tết này, đơn đặt hàng của HTX rất nhiều, riêng gia đình tôi cũng làm trên 300.000 thẻ, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh”.

“Làm hương không chỉ mang lại giá trị tâm linh mà còn tạo hiệu quả kinh tế cao. Nghề hương đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở Thạch Mỹ với mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, nhà ít cũng thu về vài chục triệu, nhà nhiều thì hàng trăm triệu đồng” - ông Lê Văn Thân, Chủ tịch Hội Nông dân xã phấn khởi.

Làng nghề trước thềm xuân (Bài 2): Làng hương hối hả ảnh 2

Hương Báo Ân (Thạch Mỹ) có từ hơn 30 năm về trước, đến nay vẫn không ngừng phát triển

“Hương Báo Ân tuy tồn tại đã khá lâu, song vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, nên không tránh khỏi tình trạng các tiểu thương nhập hàng từ đây nhưng về làm nhãn mác khác, rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Do vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực gìn giữ, mở rộng làng nghề và tạo chỗ đứng trên thị trường” - Phó Chủ tịch UBND xã trăn trở.

Những ngày này, HTX hương Giáp Thủy (thôn 4 - Hương Thủy - Hương Khê) cũng tất bật hơn bao giờ hết, bởi tết đang đến gần, trong khi lượng hàng làm ra vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. “Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương như rễ cây hương lưu (hương bài), vỏ quế, bã mía, các nguyên liệu dó, trầm… chúng tôi đã tiết kiệm được chi phí sản xuất. Phương châm HTX hướng tới là loại hương thảo mộc, không hóa chất, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tết này, ngoài hương thẻ, HTX còn làm thêm hương trầm. Loại hương này được sản xuất theo lối thủ công cổ truyền nên giữ được mùi thơm đặc trưng” - anh Võ Nguyên Giáp, Giám đốc HTX hương Giáp Thủy cho hay.

Hương thảo mộc cổ truyền tuy đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, song còn tồn tại nút thắt cần tháo gỡ. Theo anh Giáp, hiện nay, phần lớn người dân còn tâm lý chuộng hương đậu tàn, chưa mặn mà với loại hương mà HTX sản xuất bởi không hóa chất nên độ vòng đậu tàn chỉ đạt 50 -60%. Tuy vậy, những người thích hương thơm tự nhiên vẫn chọn sản phẩm của chúng tôi, nên HTX kiên trì chinh phục thị trường. Đó cũng chính là tâm niệm của vị Giám đốc tuổi đời còn rất trẻ. “Bí quyết gia truyền từ nhà vợ ở Thái Bình nhiều đời làm hương là cơ duyên để tôi đến với nghề, gìn giữ và truyền nghề cho bà con Hương Thủy. Để tạo chỗ đứng vững chắc, HTX đang khẩn trương hoàn thiện nhãn mác, bao bì hương Giáp Thủy. Theo đó, tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư xưởng chế biến, thiết bị máy móc để phát triển bền vững” - Giám đốc HTX cho biết thêm.

Tết về, làng hương lại hối hả cung ứng cho thị trường những sản phẩm chất lượng nhất, với mong ước một năm “mưa thuận, gió hòa”. Tâm niệm mà họ gửi gắm vào mặt hàng đặc biệt này là lời nguyện cầu về sức khỏe, bình an cho mọi người. Người làm hương Hà Tĩnh đã làm phong phú thêm đời sống tâm linh và mang hương vị tết đến sớm hơn cho mọi nhà.

(Còn nữa...)

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast