Lào triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho nhân viên y tế tuyến đầu

(Baohatinh.vn) - GS.TS. Bounkong Syhavong - Bộ trưởng Bộ Y tế Lào, Phó Chủ tịch Ủy ban đặc trách quốc gia phòng chống Covid-19 Lào mới đây cho biết một số nhân viên y tế tuyến đầu ở nước này đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Lào triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho nhân viên y tế tuyến đầu

Bộ trưởng Bộ Y tế Lào Bounkong Syhavong (bên trái) trong một buổi họp báo được tổ chức ở thủ đô Vientiane ngày 31/12/2020. (Ảnh: KPL)

Theo thông tin được đăng trên tờ Thời báo Viêng Chăn (Vientiane Times) ngày 4/1/2021, việc tiêm chủng là hoàn toàn tự nguyện.

“Hoạt động tiêm chủng diễn ra tốt đẹp, không có tác dụng phụ nào được báo cáo cho đến nay”, Bộ trưởng Bộ Y tế Lào thông tin.

Loại vaccine ngừa Covid-19 được sử dụng trong đợt tiêm chủng đầu tiên tại Lào do hãng dược Sinopharm của Trung Quốc phát triển. Vaccine này nằm trong Danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), gồm khoảng 10 loại vaccine, của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

EUL nhằm giúp các nước không có đủ nguồn lực cần thiết để tiến hành thẩm định độc lập có thể nhanh chóng phê chuẩn các loại thuốc cho những bệnh mới phát sinh kiểu như Covid-19. Các loại vaccine được đưa vào danh sách EUL không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào và khoảng 95% những người được tiêm chủng đã phát triển các kháng thể ngăn chặn virus.

Cho đến nay, vẫn chưa có vaccine ngừa Covid-19 nào chính thức được WHO cấp phép xác nhận về tính an toàn và hiệu quả.

Trung Quốc đã cung cấp 2.000 liều vaccine Sinopharm miễn phí cho Lào. Một liều tiêm dành cho một người của vaccine Sinopharm bao gồm hai mũi.

GS.TS. Bounkong Syhavong cho hay vaccine Sinopharm cung cấp khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh Covid-19 trong thời gian ba năm và có thể được bảo quản ở tủ lạnh thông thường từ 2 đến 8 độ C.

“Trung Quốc đã tiêm phòng cho hàng triệu công dân của mình với kết quả tốt”, Bộ trưởng Bộ Y tế Lào nói thêm.

Hôm 2/1/2021 vừa qua, Lào cũng đã nhận được lô hàng viện trợ 500 liều vaccine Sputnik V phòng Covid-19 của Nga để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Vaccine Sputnik V do Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh quốc gia Nga Gamaleya phát triển, cũng đã được đưa vào danh sách EUL của WHO.

“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để phân phối vaccine Sputnik V và chuẩn bị tủ đông để bảo quản nó”, ông Bounkong Syhavong cho biết và nói thêm rằng vaccine Sputnik V phải được bảo quản ở nhiệt độ -18 đến -20 độ C.

Những người sử dụng vaccine Sputnik cũng cần phải tiêm hai mũi và sẽ phát triển khả năng miễn dịch với Covid-19 trong hai năm.

Lào cũng tham gia COVAX, sáng kiến toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn, nhằm đảm bảo việc phân phối vaccine Covid-19 nhanh chóng và công bằng cho các nước giàu cũng như nước nghèo. COVAX không khuyến khích chính phủ các nước tích trữ vaccine mà tập trung vào tiêm chủng cho những nhóm có nguy cơ cao ở mọi quốc gia.

Dự kiến, Lào sẽ nhận và bắt đầu tiêm vaccine chống Covid-19 do COVAX viện trợ vào tháng 4/2021 cho khoảng 15-20% dân số của Lào, tương đương với khoảng 1,4 triệu liều.

Ngoài vaccine do các các nước viện trợ và từ COVAX, Chính phủ Lào đã phân bổ ngân sách cho vấn đề này.

Tuy nhiên, Lào đang tìm thêm nguồn ngân sách để đặt mua vaccine phòng ngừa Covid-19 tiêm phòng cho toàn bộ người dân và tiêm nhắc lại sau hai đến ba năm để người dân Lào có miễn dịch không bị lây nhiễm dịch bệnh này.

Bộ Y tế Lào, Ngân hàng Thế giới (WB), WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã hợp tác đánh giá nhu cầu ngân sách trong việc đặt mua và tiêm vaccine cho một người trung bình khoảng 18 USD, nếu tiêm cho toàn bộ người dân Lào sẽ phải sử dụng nguồn ngân sách khoảng 100 triệu USD.

(Theo Vientiane Times)

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.