Những tiết học trải nghiệm ở Trường Mầm non Thạch Long (Thạch Hà) đã mang lại hứng thú, tạo điều kiện cho các bé thể hiện năng khiếu, ý tưởng sáng tạo
Tham dự tiết học trải nghiệm với hoạt động tạo hình trang phục của bé bằng các nguyên liệu tự nhiên của cô trò Trường Mầm non Thạch Long, tôi cảm nhận rõ sự hứng thú, say sưa của các học sinh.
Chỉ với những mảnh vải vụn được tận dụng từ các hiệu may, hay những chiếc lá cây, dưới sự hướng dẫn của giáo viên các bé đã được thỏa sức thể hiện năng khiếu, ý tưởng của mình qua những lát cắt còn vụng về.
Cô Phạm Thị Ánh Tuyết - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thạch Long (Thạch Hà) cho biết: Từ năm học 2015 - 2016, trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD&ĐT, trường đã tự sáng tạo ra các đề tài mới phù hợp với sự phát triển của từng lứa tuổi và yêu cầu trong chương trình giáo dục mầm non”.
Với hoạt động xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, mỗi góc cầu thang, hành lang...
Theo đó, trường đã phát huy sự vào cuộc của phụ huynh trong việc tận dụng nguồn nguyên vật liệu của gia đình để trường linh động thực hiện các chủ đề dạy và học. Đơn giản là chỉ tận dụng bẹ chuối để làm súng, in hình hoa; rơm rạ để tạo hình mũ rơm, ổ gà, lá dứa, lá dừa làm đồng hồ, chong chóng, lá đùng đình làm ngụy trang, các loại hạt nông sản, vỏ sò dùng cho các em học sinh tạo hình theo ý tưởng…
Hoạt động lấy trẻ làm trung tâm cũng đã trở thành phong trào lan tỏa trên các trường mầm non ở Hà Tĩnh. Những hoạt động học mà chơi, chơi mà học thông qua các chủ đề đã giúp trẻ lĩnh hội được nhiều kiến thức, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn trong các hoạt động độc lập, hoạt động nhóm.
Cùng với các hoạt động rèn luyện kỹ năng, từ chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm đã góp phần xây dựng môi trường thân thiện, an toàn cho trẻ.
... và sân trường đều được tận dụng để trở thành nơi giúp trẻ học tập, trải nghiệm theo các chủ đề, tạo môi trường thân thiện, lành mạnh với trẻ
Cô Lưu Thị Phương - Trưởng phòng Mầm non Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: Thời gian qua, bậc học mầm non ở Hà Tĩnh đã được sự quan tâm của tỉnh, các cấp ngành, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm... Hàng trăm tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất dạy học đã làm thay đổi diện mạo của các trường học mầm non.
Theo đó, các nhà trường đã xây dựng môi trường mở cho trẻ khám phá, trải nghiệm hoạt động ngoài trời, như: vườn trường và các góc thiên nhiên, sân chơi thực hành luật an toàn giao thông, vườn cổ tích, khu vui chơi phát triển vận động, trò chơi dân gian, sân bóng mi ni, khu chơi cát nước, góc khám phá khoa học, bể vầy, bể bơi, thư viện, các góc chợ quê, siêu thị, sân khấu ngoài trời, vườn rau của bé, khu chăn nuôi các con vật…
Các trường cũng tận dụng mọi không gian, diện tích để thiết kế các khu vực chơi, góc chơi hợp lý, khoa học.
Góc lớp học của trẻ em dân tộc Chứt ở trường mầm non Hương Liên cũng được trang trí bằng nhiều vật dụng đặc trưng của dân tộc Chứt
Cô Nguyễn Thị Vân Anh - Hiệu trưởng Trường Mầm non 1 thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Trong quá trình dạy học, các nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ động soạn giáo án và tổ chức các hoạt động học tập phù hợp với trẻ. Tích cực xây dựng và khai thác các nội dung giáo dục từ môi trường trong và ngòai trường, trong và ngoài lớp học; tăng cường sử dụng đồ dùng, đồ chơi tự làm trong học tập để giúp trẻ nhớ kiến thức đã học. Giáo viên phải luôn chú ý quan sát trẻ, chủ động gần gũi, lắng nghe, chia sẻ cảm nhận của trẻ, từ đó, hướng dẫn trẻ tiếp cận và thực hiện các hoạt động giáo dục”.
Việc triển khai chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm đã nhận được sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhờ thế cơ sở vật chất ở các trường cũng được đầu tư, nâng cấp
Cô Dương Thị Hồng Loan - chuyên viên mầm non Phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh cho biết: "Thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, điều quan trọng hơn cả là đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên trong khai thác môi trường giáo dục đối với sự phát triển của trẻ. Từ đó có sự đổi mới, sáng tạo trong lập kế hoạch, thiết kế các nội dung tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ trên cơ sở khai thác môi trường có sẵn trong trường mầm non”.
Thực tế cho thấy, qua 5 năm triển khai, mô hình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm không chỉ giúp trẻ được khám phá, trải nghiệm nhiều hoạt động học tập, vui chơi phong phú, thú vị, mà còn tạo cơ hội để các em được bộc lộ cảm xúc, nhận định của mình; đặc biệt, học sinh có điều kiện thể hiện và phát triển khả năng tư duy, giao tiếp và vốn ngôn ngữ. Ngoài ra, các em còn được rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại và ý thức làm việc nhóm…
Sự ưu việt của mô hình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các trường mầm non: Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 3%, trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 4,1%, trẻ thừa cân béo phì chỉ còn 1,7%.