Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị tại Hà Tĩnh đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. (Ảnh minh họa).
Qua quá trình tiếp xúc cử tri, giám sát thực tế tại cơ sở, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận một số cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai còn thiếu đồng bộ; có 22 luật, bộ luật có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Đất đai hiện hành; nhiều quy định không còn phù hợp nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi. Quá trình thực hiện quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất phát sinh nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; mua bán đầu cơ đất đai, nhà ở nhưng không sử dụng tạo nên khu đô thị không người ở, nhà bỏ hoang, tình trạng thổi giá, làm giá, đấu giá bỏ cọc... Việc tổ chức thi hành pháp luật tại một số địa phương chưa nghiêm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của chính sách pháp luật. Chính vì vậy, sau khi UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND tổ chức thực hiện lấy ý kiến về dự thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào ngày 4/2/2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương và tầng lớp nhân dân trên địa bàn đã nhiệt tình hưởng ứng.
Là địa bàn có KT-XH phát triển nhanh nên các vấn đề về đất đai, quy hoạch được người dân TX Kỳ Anh đặc biệt quan tâm.
Nhiều tuyến đường tại khu tái định cư ở xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) đã được hoàn thiện.
Ông Kiều Mạnh Linh (tổ dân phố 5, phường Kỳ Liên) cho hay: “Vấn đề quy hoạch, quản lý Nhà nước đối với các dự án treo hay việc áp giá đền bù cho người dân trong quá trình GPMB để thực hiện công trình, dự án… thường xuyên được bà con đề cập tới trong các buổi tiếp xúc cử tri. Việc tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã cho thấy sự cầu thị của các nhà làm luật, là cơ hội để người dân được phát huy quyền làm chủ".
Góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Trần Đình Khương - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn (Thạch Hà) cho hay: “Nội dung tôi góp ý là cần có chế tài cụ thể nhằm thắt chặt công tác quản lý đối với những hộ gia đình không sử dụng đất, tránh lãng phí nguồn tài nguyên; có quy định siết chặt giá đất tránh tình trạng “thổi” giá”.
Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn Trần Đình Khương tìm hiểu các quy định mới trong dự thảo Luật Đất đai.
Quan điểm của Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cũng là nhận định chung của rất nhiều đại biểu khi tham gia góp ý vào dự thảo luật.
Đến nay, 13/13 huyện, thành phố, thị xã; 15/15 sở và 69 tổ chức ban, ngành cấp tỉnh (gồm 6 đơn vị trong khối nội chính; 31 đơn vị thuộc các ban, ngành cấp tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và 32 đơn vị thuộc ban Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp) đã triển khai lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Sở Tư pháp lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại các hội nghị, đại biểu đều cho rằng, quản lý đất đai là lĩnh vực rất phức tạp, nhạy cảm, tác động đến toàn bộ xã hội, do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai là hết sức cần thiết. Nhiều ý kiến tập trung góp ý về: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai…
Sở TN&MT tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Ông Lê Ngọc Huấn - Giám đốc Sở TN&MT - đơn vị đóng vai trò chủ chốt trong việc tham mưu UBND tỉnh về việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho biết: “Các nội dung lấy ý kiến nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai. Trên cơ sở góp ý từ Nhân dân, Sở TN&MT sẽ tiếp thu, tổng hợp, hoàn thiện nội dung kết quả lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo UBND tỉnh”.
Đại biểu huyện Cẩm Xuyên tham dự hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo ông Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, để sửa đổi Luật Đất đai đồng bộ, hiệu quả và giải quyết, tháo gỡ triệt để những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, cần rà soát các luật có liên quan (Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở); bổ sung, hoàn thiện quy định bảo đảm công khai, minh bạch về giá đất, phương pháp định giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đất đai, cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều, phạm vi sửa đổi toàn diện các lĩnh vực, các nội dung, chính sách. 9 nội dung trọng tâm được lấy ý kiến gồm: - Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất - Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; - Phát triển quỹ đất; - Giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; - Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; - Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; - Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; - Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai; - Quy định về hộ gia đình quản lý sử dụng đất. |