Xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) là địa phương được sáp nhập từ 3 xã, có vị trí địa lý giáp TP Hà Tĩnh.
Tân Lâm Hương (Thạch Hà) là xã được sáp nhập chưa lâu, có vị trí địa lý giáp TP Hà Tĩnh. Công tác quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên đất tại địa phương những năm gần đây có nhiều thay đổi, phát sinh một số vấn đề bất cập, do đó, việc lấy ý kiến đóng góp của người dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là hết sức cần thiết.
Từ cuối tháng 2/2023, Ủy ban MTTQ xã đã tổ chức cuộc họp với gần 100 cán bộ, công chức xã, trưởng các đoàn thể thành viên và liên đoàn cán bộ thôn để phổ biến những vấn đề liên quan đến việc lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân.
Ủy ban MTTQ xã Tân Lâm Hương quán triệt lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến các hội, đoàn thể thành viên.
Sau cuộc họp, đội ngũ cán bộ cốt cán đã triển khai đến toàn thể đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn để tiến hành lấy ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Lâm Hương Phạm Thị Lục cho biết: “Quá trình triển khai cho thấy, người dân đặc biệt quan tâm và tập trung đề xuất, đóng góp ý kiến về những vấn đề phát sinh, bất cập trong thực tiễn quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương. Những ý kiến đóng góp rất sát thực với quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của người dân; đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của Nhân dân trước các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước".
Ủy ban MTTQ huyện Can Lộc tổ chức hội nghị lấy ý kiến với các đơn vị liên quan.
Huyện Can Lộc cũng đang tích cực triển khai lấy ý kiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Can Lộc Bùi Thị Kiều Nhi cho biết: “Hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư bằng nhiều hình thức. Trong đó, khoảng 50% số thôn, tổ dân phố tổ chức hội nghị góp ý trực tiếp; còn lại lấy ý kiến bằng văn bản. Các địa phương đang tích cực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành việc lấy ý kiến, tổng hợp gửi cấp trên theo đúng kế hoạch”.
Tổ dân phố 2 - phường Hưng Trí (TX Kỳ Anh) triển khai lấy ý kiến của Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Sinh sống tại địa bàn phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, có nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng, quy hoạch đất nên người dân TX Kỳ Anh rất quan tâm đến việc góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Ông Nguyễn Quang Tuấn (tổ dân phố 2 - phường Hưng Trí) cho biết: “Quy hoạch, quản lý quy hoạch, các dự án treo; giá cả đền bù cho người dân khi giải phóng mặt bằng, thuế sử dụng đất, chính sách cấp đất ở cho con em địa phương, cấp đất tái sản xuất... là những vấn đề mà chúng tôi đặc biệt quan tâm và tập trung đóng góp nhiều ý kiến. Đây là dịp để người dân được thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ công dân nên bà con hưởng ứng khá tích cực, trách nhiệm".
Ông Trần Quang Thủy - Tổ trưởng tổ dân phố 8B, thị trấn Xuân An (Nghi Xuân) đóng ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi).
Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân, hoàn thiện dự thảo luật bảo đảm chất lượng, khoa học, đồng bộ, khả thi; phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Những vấn đề trọng tâm của dự thảo được tập trung lấy ý kiến lần này bao gồm: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; hộ gia đình sử dụng đất...
Việc lấy ý kiến để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân cho biết: “Thực tiễn gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của luật nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai; khắc phục tình trạng tranh chấp, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này; đảm bảo an ninh - quốc phòng, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân...
Bởi vậy, việc lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là vô cùng cần thiết, do đó, Nhân dân rất tích cực tham gia. Thời gian tới, việc lấy ý kiến sẽ tiếp tục được tiến hành thông qua các tổ chức thành viên của MTTQ, các tổ chức xã hội khác với phương thức đảm bảo dân chủ, khoa học, công khai; đúng tiến độ, chất lượng, thiết thực”.