Hiện nay, cùng với các bệnh truyền nhiễm thì các bệnh lý nền, bệnh lý mãn tính ngày càng trở nên phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Trong đó, đái tháo đường là bệnh lý để lại nhiều hậu quả nặng nề và nguy hiểm cho người mắc.
Phát hiện các triệu chứng của đái tháo đường từ sớm song do tâm lý chủ quan, không thực hiện chế độ ăn kiêng, không thường xuyên thăm khám, điều trị nên đến nay, bác T.N.T. (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) đã xuất hiện các biến chứng như: mắt mờ, chân sưng mủ, đi lại khó khăn, phải vào BVĐK tỉnh để điều trị.
Đây là một trong nhiều trường hợp bệnh nhân bị biến chứng do đái tháo đường đang điều trị tại các cơ sở y tế. Ghi nhận ở BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, mỗi ngày có khoảng 40 – 50 bệnh nhân đái tháo đường đến điều trị nội trú tại Khoa Nội tiết. Được biết, hiện có khoảng có 5% bệnh nhân đái tháo đường tuýp I và 95% đái tháo đường tuýp II đang điều trị tại khoa. Đáng ngại nhất là có đến hơn 90% bệnh nhân mắc các biến chứng như: nhồi máu cơ tim, viêm phổi, tai biến mạch máu não, tách mạch chi, có nhiều bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi. Ngoài bệnh nhân điều trị nội trú, BVĐK tỉnh còn điều trị ngoại trú cho trên 1.400 bệnh nhân.
Bác sỹ Thái Thọ - Trưởng khoa Nội tiết (BVĐK tỉnh) cho biết: “Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa mạn tính do cơ thể không sản sinh được insulin hoặc không sử dụng được insulin để hấp thụ glucose máu dẫn đến đường trong máu cao hơn mức bình thường. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhược các cơ quan”.
Các triệu chứng của đường huyết cao bao gồm: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhiều. Nếu bệnh đái tháo đường không được chữa trị có thể gây ra nhiều biến chứng như: hạ đường huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn tính, loét chân, bệnh lý võng mạc... nhiều trường hợp dẫn đến tử vong.
Điều đáng lo ngại hiện nay là đã xuất hiện nhiều trường hợp trẻ em bị mắc bệnh đái tháo đường. Gần đây nhất là BVĐK tỉnh đã cấp cứu thành công trường hợp bé gái 9 tuổi bị hôn mê sâu, nhiễm toan ceton đái tháo đường/nhiễm khuẩn nặng. Theo thống kê từ Bộ Y tế, từ năm 2021 đến nay, tại Việt Nam có hơn 1.750 trẻ em được phát hiện mắc đái tháo đường tuýp 1. Đây là con số khá báo động khi bệnh đái tháo đường khá hiếm gặp ở trẻ em.
"Khi trẻ em mắc đái tháo đường, nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì rất dễ xuất hiện biến chứng hôn mê, nhiễm toan ceton. Tình trạng đái tháo đường của trẻ rất khó được phát hiện từ đầu, đến lúc phát hiện ra thì đã trong tình trạng rất nặng. Vì thế, các bậc phụ huynh khi phát hiện con mình có biểu hiện uống nhiều nước, đi tiểu nhiều kèm sút cân trong thời gian ngắn nên đưa con đi khám để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, góp phần điều trị đúng cách, tránh các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra", Bác sỹ Thái Thọ - Trưởng khoa Nội tiết, BVĐK tỉnh khuyến cáo.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường gồm: tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường; thừa cân; chế độ ăn uống không lành mạnh; không hoạt động thể chất; tuổi cao; huyết áp cao; giảm dung nạp glucose; tiền sử bệnh đái tháo đường thai kỳ; dinh dưỡng kém khi mang thai...
Để giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, nhất là tuýp 2, cần có chế độ ăn uống cân bằng và hoạt động thể chất thường xuyên. Đặc biệt, duy trì cân nặng ở mức bình thường là yếu tố rất quan trọng vì thừa cân và béo phì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, cần thực hiện kiểm tra định kỳ và sàng lọc, nhất là đối với những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ, qua đó, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh để thực hiện những thay đổi cần thiết ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh.