Lời giải nào cho bài toán trường học của con em công nhân KKT Vũng Áng?

(Baohatinh.vn) - Số lượng công nhân, lao động tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) ngày một gia tăng đặt ra nhiều áp lực cho hạ tầng phúc lợi xã hội, đặc biệt là giáo dục. Làm thế nào đáp ứng nhu cầu học tập của con em công nhân là bài toán cần sớm tìm lời giải.

Học sinh gia tăng, trường lớp quá tải

Là khu kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, hằng năm, Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng thu hút thêm rất đông công nhân, lao động đến sinh sống và làm việc. Điều này kéo theo số lượng học sinh các bậc học trên địa bàn thị xã Kỳ Anh tăng nhanh theo từng năm, trong khi cơ sở vật chất trường lớp, số lượng giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đã khiến hệ thống giáo dục của địa phương chịu áp lực lớn, còn công nhân, người lao động thì canh cánh nỗi lo tìm trường học cho con.

Lời giải nào cho bài toán trường học của con em công nhân KKT Vũng Áng?

Chị Mai Thanh Tuyền hướng dẫn con học bài.

Vợ chồng chị Mai Thanh Tuyền (quê tỉnh Thừa Thiên Huế) - công nhân Công ty TNHH UP Hà Tĩnh (Khu công nghiệp Phú Vinh - TX Kỳ Anh) nhiều năm loay hoay với bài toán tìm trường học cho con. Chị Tuyền chia sẻ, năm học này, gia đình đã thở phào nhẹ nhõm khi xin được cho con trai vào học lớp 3 Trường Tiểu học Kỳ Liên (TX Kỳ Anh) sau 2 năm cho con học tại một trường tiểu học tư thục ở phường Hưng Trí với chi phí mỗi tháng 3,5 triệu đồng.

“Vợ chồng tôi không có hộ khẩu tại địa phương, hơn nữa, trường lớp đã quá tải nên ở đâu cũng từ chối nhận học sinh từ trường khác chuyển đến. Vất vả, gian nan vô cùng và phải sau nhiều nỗ lực thì chúng tôi mới chuyển được cháu về trường công lập” - chị Tuyền chia sẻ.

Câu chuyện của chị Tuyền cũng là tình trạng chung của nhiều gia đình công nhân khác tại KKT Vũng Áng khi nhu cầu học tập lớn, song, hạ tầng giáo dục công lập chưa thể đáp ứng. Theo số liệu của Công đoàn Các KKT tỉnh, hiện trên địa bàn KKT Vũng Áng có trên 18.000 lao động đang sinh sống và làm việc; số lao động tăng nhanh theo từng năm.

Lời giải nào cho bài toán trường học của con em công nhân KKT Vũng Áng?

Nhiều trường học trong khu vực KKT Vũng Áng đang đối mặt với tình trạng quá tải.

Ông Nguyễn Đức Thạch - Chủ tịch Công đoàn Các KKT tỉnh cho biết: “Lao động tại KKT Vũng Áng phần lớn là lao động trẻ, trong độ tuổi sinh đẻ hoặc nuôi con nhỏ; nhiều người từ các địa phương khác đến. Công nhân chủ yếu làm việc trong môi trường công nghiệp, phụ trợ cho công nghiệp nặng với quy chế lao động, thời gian làm việc được quy định rất chặt chẽ. Trong khi đó, bình quân thu nhập của người lao động chỉ khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập này, nếu phải trang trải cho việc học của con tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập và các chi phí phát sinh khác là quá sức đối với người lao động”.

Sự tăng nhanh về số lượng lao động đã kéo theo sự tăng trưởng cơ học về dân số và số học sinh. Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh, năm học 2020 - 2021, số học sinh các bậc học trên địa bàn là 18.846 em; năm học 2021 - 2022 là 20.615 em; năm học 2022 - 2023 là 21.964 em; năm học 2023-2024 là 22.168 em. Số học sinh tăng lên hằng năm, chủ yếu ở bậc học mầm non, tiểu học, THCS, trong đó, khoảng 80% là con em của công nhân, lao động đang làm việc tại KKT Vũng Áng.

Số học sinh ngày một gia tăng khiến nhiều trường học ở các địa bàn có các dự án lớn đứng chân như các phường: Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Thịnh rơi vào tình trạng quá tải. Trong số 30 trường công lập trên địa bàn đã có những trường phải sử dụng phòng chức năng, nhà bán trú làm phòng học; một số trường dù muốn mở rộng khuôn viên để đầu tư cơ sở vật chất nhưng không còn quỹ đất.

Lời giải nào cho bài toán trường học của con em công nhân KKT Vũng Áng?

Ngành GD&ĐT thị xã Kỳ Anh gặp khó khi trường lớp quá tải, giáo viên thiếu hụt trầm trọng.

Tại Trường THCS Kỳ Long, năm học 2019 - 2020 chỉ có 434 học sinh thì đến năm học 2022 - 2023 đã tăng lên 784 học sinh, trong đó có trên 100 em là con em công nhân, người lao động ngoài địa bàn; năm học 2023 - 2024, số học sinh của trường tăng 885 em; theo dự báo, năm học 2024 - 2025 sẽ vượt ngưỡng 1.000 em. Số học sinh tăng nhanh trong khi diện tích khuôn viên không thể mở rộng thêm để xây dựng cơ sở vật chất, nhà trường phải chọn giải pháp tình thế là tăng số lượng học sinh trong các lớp.

Thầy Lê Xuân Lâm - Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Long cho biết: “Chỉ tính riêng khối 8 đã có 4 lớp với số học sinh là 53 em/lớp. Số lượng này vượt rất nhiều so với quy định (45 em/lớp), nhưng nếu không bố trí như vậy thì không thể đủ phòng học cho học sinh. Không chỉ thiếu phòng học, nhà trường còn thiếu phòng sinh hoạt bộ môn, phòng chức năng, không có sân thể dục. Dù muốn xây dựng thêm cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu dạy học nhưng ngoài 9.000m2 đã được quy hoạch, trường không thể mở rộng thêm do không còn quỹ đất...”.

Một bất cập khác hiện nay đối với ngành GD&ĐT thị xã là số lượng học sinh tăng nhanh theo từng năm nhưng định biên lớp, số lượng giáo viên không được bổ sung, thậm chí còn giảm so với trước. Thị xã đang thiếu hụt nghiêm trọng số lượng giáo viên đứng lớp, đặc biệt là các bậc tiểu học, THCS. Theo tổng hợp từ ngành GD&ĐT thị xã, năm học 2023 – 2024, bậc tiểu học đang thiếu 17 giáo viên; bậc THCS thiếu 29 giáo viên.

Lời giải nào cho bài toán trường học của con em công nhân KKT Vũng Áng?

KKT Vũng Áng ngày càng thu hút nhiều công nhân, lao động đến sinh sống và làm việc, kéo theo số lượng học sinh các bậc học trên địa bàn thị xã Kỳ Anh tăng nhanh theo từng năm.

Cô Nguyễn Thị Tường Vân - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh cho biết: “Để giải bài toán này, ngành phải áp dụng các giải pháp tạm thời là sử dụng giáo viên hợp đồng, giảm lớp, tăng số học sinh trên mỗi lớp; kêu gọi thêm nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất... Tuy nhiên, những giải pháp này vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu được dự báo ngày càng cao hơn trong thời gian tới, khi còn nhiều dự án lớn tại KKT Vũng Áng đi vào hoạt động”.

Trong khi các cơ sở giáo dục công lập khó khăn về mở rộng quy mô trường lớp thì hệ thống các cơ sở giáo dục tư thục tại TX Kỳ Anh nói chung, KKT Vũng Áng nói riêng lại chưa thực sự phát triển. Toàn thị xã hiện chỉ có 5 cơ sở giáo dục tư thục (4 trường mầm non và 1 trường tiểu học) với quy mô 61 lớp học cho 1.557 học sinh. Mặt khác, chi phí tại các cơ sở giáo dục tư thục cao hơn rất nhiều so với các trường công lập, tạo gánh nặng về kinh tế đối với công nhân.

“Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu lấy người học làm trung tâm, tăng cường giáo dục thực hành, song, với thực trạng cơ sở vật chất trường lớp quá tải, giáo viên thiếu hụt như tại TX Kỳ Anh hiện nay thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục. Dự kiến, trong những năm học tới, số lượng học sinh tiếp tục gia tăng, nếu không có những giải pháp kịp thời thì ngành sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn”, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh Nguyễn Thị Tường Vân cho biết thêm.

Cần giải pháp đồng bộ để giữ chân người lao động

Theo ông Phạm Trần Đệ - Phó Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh, dự báo đến năm 2025, số lượng công nhân tại KKT Vũng Áng sẽ tăng thêm khoảng 5.000 người. Trong khi đó, điều kiện về hạ tầng xã hội, đặc biệt là giáo dục ở địa bàn các xã, phường nằm trong KKT Vũng Áng đang rất thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút, giữ chân người lao động cũng như môi trường đầu tư vào khu kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Để giải quyết bài toán trường học trên địa bàn KKT Vũng Áng, giúp người lao động an cư lạc nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành với các quyết sách, cơ chế đủ mạnh.

Lời giải nào cho bài toán trường học của con em công nhân KKT Vũng Áng?

TX Kỳ Anh đầu tư hơn 140 tỷ đồng để nâng cao chất lượng trường lớp.

Thời gian qua, thị xã Kỳ Anh đã có nhiều nỗ lực để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Từ năm 2022 đến nay, thị xã đã đầu tư 140 tỷ đồng để xây dựng 25 trường học và trên 10 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa cho 15 trường học. Ngoài ra, thị xã còn tập trung kêu gọi xã hội hóa giáo dục với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty Nhiệt điện Vũng Áng... để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, cấp học bổng cho các trường công lập với kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: “Ngoài sự nỗ lực nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp của địa phương, thời gian tới, mong tỉnh quan tâm điều chỉnh quy hoạch, bố trí thêm quỹ đất, nguồn lực dành cho giáo dục để đáp ứng nhu cầu học tập khi dân số gia tăng. Đồng thời, trong quá trình xây dựng TX Kỳ Anh trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, phải có cơ chế ưu tiên nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ công nói chung, giáo dục nói riêng”.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lê Thị Hải Yến cho rằng: “Để người lao động gắn bó lâu dài với KKT Vũng Áng thì tỉnh và thị xã Kỳ Anh cần dành sự quan tâm đặc biệt trong đầu tư hạ tầng phúc lợi xã hội, nhất là giáo dục, y tế tại các địa phương có đông lao động sinh sống và làm việc; có thêm nhiều chính sách hỗ trợ việc học cho con em người lao động tại các khu công nghiệp, KKT. Đặc biệt, cần quan tâm, điều chỉnh, phân bổ biên chế giáo viên, định biên lớp, đáp ứng nhu cầu dạy học”.

Về lâu dài, song song với việc thu hút các dự án vào khu kinh tế, BQL KKT tỉnh cần quan tâm quy hoạch các tiện ích công cộng và hạ tầng xã hội, nhất là y tế, giáo dục và văn hoá. Gắn các dự án phát triển kinh tế là kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng xã hội; tham mưu tỉnh ưu tiên vốn đầu tư công cho công trình phúc lợi và hạ tầng xã hội tại khu kinh tế, khu công nghiệp.

Ông Đoàn Đình Anh – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho rằng: “Trong tương lai, khi quy hoạch các điểm dân cư mới tại KKT Vũng Áng, tỉnh cần tính toán kỹ việc xây dựng hạ tầng xã hội, đảm bảo quỹ đất đủ rộng để đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí. Để khuyến khích lĩnh vực giáo dục tư thục phát triển, nhất là hệ thống mầm non, tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần học phí cho học sinh ngoài công lập”.

Lời giải nào cho bài toán trường học của con em công nhân KKT Vũng Áng?

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Đoàn Đình Anh cho rằng, tỉnh cần tính toán kỹ việc xây dựng hạ tầng xã hội, đảm bảo quỹ đất đủ rộng để đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí.

Đối với giải pháp từ cơ chế, chính sách, Trưởng ban Văn hóa - xã hội (HĐND tỉnh) Đào Thị Anh Nga cho rằng: “Thời gian tới, Sở GD&ĐT cần phối hợp với các cấp, ngành rà soát, khảo sát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 264/2020/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp, giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp và mức hỗ trợ trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; từ đó có các giải pháp phù hợp, đáp ứng nhu cầu, quyền lợi cho con em trong các khu, cụm công nghiệp nói chung và Khu kinh tế Vũng Áng nói riêng”.

Vũng Áng đang trên hành trình xây dựng để trở thành KKT động lực như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Từ thực tế diễn ra cho thấy, trường học nói riêng và các hạ tầng xã hội khác nói chung ở KKT trọng điểm này cần được quan tâm, tính toán, đón đầu nhu cầu sử dụng để người lao động yên tâm cống hiến, góp phần vào sự phát triển của tỉnh, nhất là thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết đại hội đảng đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.