Chủ tịch Hội CCB Hà Tĩnh kể về trận đánh đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc năm 1975

(Baohatinh.vn) - Lại thêm một tháng Tư “gõ” bồi hồi vào ký ức Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới - Chủ tịch Hội CCB Hà Tĩnh. Ông là người mà cách đây tròn 45 năm đã cùng đồng đội phá nát “cánh cửa thép” Xuân Lộc, mở toang cửa ngõ Sài Gòn cho đại quân tiến vào giành toàn thắng.

Chủ tịch Hội CCB Hà Tĩnh kể về trận đánh đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc năm 1975

Trưa 30/4, xe tăng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập, đánh dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh phi nghĩa. Ảnh Internet

Lá đơn tình nguyện viết bằng máu

Sinh ra ở xã Cẩm Hà, một xã nghèo của huyện Cẩm Xuyên, lại đông anh em, cậu bé Nguyễn Đức Tới đã phải nếm trải nỗi cực nhọc, khó khăn ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Học dở dang cấp 3, vào một buổi sáng trên đường đi học về, nghe loa phát thanh đầu làng phát tin chiến trường thắng lớn, thanh niên cả nước sắp bước vào đợt tuyển quân mới bổ sung, chuẩn bị đón thời cơ giải phóng miền Nam, ông thấy lòng rộn ràng, náo nức. Vừa quẳng cặp sách xuống bàn, ông vội vàng chạy đến rủ Hải, một bạn thân cùng lớp chích máu từ ngón tay viết chung một lá đơn tình nguyện với lời lẽ tha thiết, xin các cấp lãnh đạo cho đi bộ đội, vào chiến trường miền Nam chiến đấu.

Tháng 10/1974, ông cùng đồng đội hành quân lên Đoàn 22 ở xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn. Sau một tháng huấn luyện cấp tốc, ông được bổ sung vào Sư đoàn 341 chuẩn bị cho “đi sâu, đi lâu, đi dài” vào chiến trường B.

Chủ tịch Hội CCB Hà Tĩnh kể về trận đánh đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc năm 1975

Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Tĩnh kể về trận đánh chiếm Xuân Lộc.

Nhờ nhanh nhẹn, sáng dạ, Nguyễn Đức Tới được cấp trên chọn vào Đại đội 18 thông tin của Trung đoàn 270, Sư đoàn 341. Là lính thông tin hữu tuyến, mỗi lần hành quân chiến đấu, ông phải mang trên người khoảng 35 kg gồm dây, máy điện thoại, khẩu tiểu liên AK, cùng với quân tư trang… Do tính chất công việc, lính thông tin là người “đi trước, về sau” để rải dây, thu dây. Phần nhiều chiến đấu độc lập, một mình âm thầm trong rừng, chẳng có ai yểm trợ nên rất dễ bị bọn biệt kích, thám báo địch tóm được.

Sau tết Ất Mão 1975, khoảng đầu tháng 3, ông cùng đơn vị vượt Trường Sơn làm một cuộc hành quân dài ngày vào tận miền Đông Nam Bộ. Đây chính là thời điểm chiến trường miền Nam đã có những bước phát triển đột biến, ta đã giành được thế chủ động. Theo chỉ thị của trên, đơn vị của Nguyễn Đức Tới được lệnh phối hợp với các mũi, liên tục tiến công, phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch.

Đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc

Xuân Lộc là thủ phủ của tỉnh Long Khánh (nay là Đồng Nai), cách Sài Gòn 60 km về phía Đông Bắc, cách Biên Hòa 25 km về phía Đông. Đây là phòng tuyến cuối cùng, địch gọi là “cánh cửa thép” án ngữ Sài Gòn. Lực lượng phòng thủ rất đông, rất mạnh đặt dưới quyền chỉ huy của Chuẩn tướng Lê Minh Đảo - Tư lệnh Sư đoàn 18.

Chủ tịch Hội CCB Hà Tĩnh kể về trận đánh đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc năm 1975

Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới: “Do bị thương nặng nên tôi không được cùng đồng đội chứng kiến phút giây lịch sử ngày 30/4".

Ông Tới kể lại, đánh chiếm Xuân Lộc là cuộc đụng độ gay gắt, quyết liệt giữa ý chí, quyết tâm, nghệ thuật quân sự của hai bên. Cuộc chiến diễn ra 12 ngày đêm, ác liệt nhất là 5 ngày đầu (từ 9 - 13/3). Không thể để “áo giáp” bảo vệ Sài Gòn bị chọc thủng, quân đội Việt Nam cộng hòa chống trả rất quyết liệt, quân ta bị tổn thương không nhỏ, không hoàn thành được các mục tiêu đề ra nên tạm dừng để rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho đợt sau.

Sáng 15/4, khi pháo 130 ly của ta bắt đầu bắn phá dữ dội vào căn cứ không quân Biên Hòa, không cho chúng rảnh tay yểm trợ Xuân Lộc, thì các lực lượng bộ binh và xe tăng đồng loạt tấn công từ sau lưng địch. Đến cuối ngày, ta đánh chiếm được ngã ba Dầu Giây và đoạn cuối đường 20 từ Trúc Tân đến Kiệm Tân, uy hiếp sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3 địch đặt tại Trảng Bom.

Chỉ mấy hôm sau, tuyến phòng thủ cuối cùng của kẻ địch tại Xuân Lộc hoàn toàn tan rã, “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị chọc thủng, mọi con đường vào Sài Gòn mở toang, đón chờ đại quân ta tiến vào, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới trầm ngâm kể lại một cách đầy tiếc nuối: “Do bị thương nặng nên tôi không được cùng đồng đội chứng kiến phút giây lịch sử ngày 30/4. Nhưng tôi rất tự hào đã được góp phần mình vào sự kiện quan trọng xé nát khu vực phòng thủ Xuân Lộc, chốt chặn cuối cùng án ngữ phía Đông Bắc Sài Gòn.

Chủ tịch Hội CCB Hà Tĩnh kể về trận đánh đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc năm 1975

Dù không có mặt trong đoàn quân tiến về Sài Gòn ăn mừng chiến thắng nhưng Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới luôn tự hào vì đã góp sức mình “xé nát” khu vực phòng thủ Xuân Lộc, chốt chặn cuối cùng án ngữ phía Đông Bắc Sài Gòn. Ảnh Intrenet

Rạng sáng 27/4, đang cùng đồng đội chuẩn bị rải dây nối mạng thông tin cho chỉ huy chỉ đạo các mũi tấn công thì bỗng nghe tiếng nổ chát chúa của súng M79. Thì ra mấy anh em chúng tôi bị lọt vào một ổ thám báo của địch. Không còn cách nào khác, cả tôi và đồng chí Lam, người xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) cùng đồng chí Thuấn (Diễn Châu - Nghệ An) hô nhau quét đại mấy loạt đạn AK về phía địch.

Bỗng tôi bị hất đổ rạp xuống đất, đầu óc choáng váng, quay cuồng. Thì ra tôi bị thương. Đùi phải bị 2 viên đạn bắn thẳng, trên đầu phía gần gáy bị 2 mảnh đạn pháo găm vào, máu chảy lênh láng. Thấy vướng víu, tôi lột chiếc mũ cối đang đội ném ra xa. Bọn địch tưởng có người cứ nhè chóp mũ bắn loạn xạ. Tôi ôm khẩu AK lăn mấy vòng lọt thỏm xuống luống sắn của dân, buột miệng kêu: “Mẹ ơi, con chết mất!”. Rồi ngất đi không biết gì nữa.

Khi tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện, bị băng kín cả đầu lẫn chân. Anh em cho biết, chỉ tìm thấy tôi và Thuấn. Cả hai đều bị thương nặng. Còn Lam thì bị địch bắt đi, chưa biết ở đâu. Tôi phải nằm tại đây hơn 4 tháng, qua 2, 3 lần mổ để lấy đạn ở bẹn, ở chân và trên đầu ra, với kết luận 41% thương tật”.

Tôi cười, trêu anh: “Sau này đi học sỹ quan, rồi làm đến chức Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh, rồi Phó Tham mưu trưởng Quân khu IV, Thiếu tướng có thấy buồn cười khi nghĩ đến lần bị thương nặng đã kêu lên: “Mẹ ơi, con chết mất!”.

Anh cười hiền khô, trả lời: “Chẳng hiểu sao bọn lính trẻ chúng tôi ra trận gặp chuyện gì không may đều nghĩ đến mẹ và cảm thấy như người luôn ở bên cạnh vỗ về, động viên, an ủi”.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast