Vang mãi khúc quân hành

(Baohatinh.vn) - 78 năm qua, kể từ ngày được thành lập (22/12/1944 - 22/12/2022), Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam không ngừng lớn mạnh, cùng với toàn Đảng, toàn dân đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giữ yên bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Hình ảnh người lính Cụ Hồ luôn tỏa sáng những phẩm chất cao đẹp “vì Nhân dân quên mình, vì Nhân dân hy sinh”.

Vang mãi khúc quân hành

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân những ngày đầu thành lập. Ảnh: TTXVN

Tô thắm những trang sử hào hùng

Lịch sử dân tộc sẽ ghi nhớ mãi thời khắc 78 năm về trước, vào ngày 22/12/1944, tại núi Dền Sinh, dãy Khau Giáng, thuộc xã Tam Kim và Hoa Thám, châu Nguyên Bình (Cao Bằng), theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của QĐND Việt Nam ngày nay đã ra đời. Từ thời điểm ban đầu với 3 tiểu đội, 34 chiến sĩ được tuyển chọn từ tỉnh Cao - Bắc - Lạng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy, QĐND Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trở thành lực lượng chủ chốt đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, giành thống nhất đất nước, toàn vẹn non sông.

Vang mãi khúc quân hành

Xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng của Dinh Tổng thống Ngụy vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Năm 1989, theo chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22/12 hằng năm đã trở thành ngày hội Quốc phòng toàn dân, ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Trải qua 78 năm, QĐND Việt Nam - đội quân được Đảng và Bác Hồ rèn luyện, từ những đội du kích Bắc Sơn, Nam Kỳ, Ba Tơ, Cao - Bắc - Lạng, Cứu quốc quân đến Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cho đến ngày nay, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã nối tiếp nhau cầm súng chiến đấu, cùng toàn dân đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập thống nhất và bảo vệ vững chắc bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam…

Vang mãi khúc quân hành

Cán bộ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh thăm, động viên tinh thần chiến đấu của các chiến sỹ tại Tiểu đoàn 19 - đơn vị nữ pháo cao xạ anh hùng chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc, năm 1972. Ảnh: Tư liệu

Hình thành trên vùng đất có truyền thống cách mạng, 78 năm qua, lực lượng vũ trang (LLVT) Hà Tĩnh luôn gắn liền với lịch sử phát triển của LLVT cả nước, góp phần vào thành tựu vẻ vang của QĐND Việt Nam. Theo cuốn Lịch sử LLVT Nhân dân Hà Tĩnh (1945-2020), Nhà xuất bản QĐND ấn hành năm 2021, từ cuối tháng 12/1945, thực hiện chủ trương của Trung ương và Liên khu 4, Tỉnh đội Hà Tĩnh đã được thành lập, trong đó thành lập Chi đội Giải phóng quân Phan Đình Phùng với quân số 1.200 người, gồm Tiểu đoàn 400, 2 đại đội biệt động (92, 177) và một số đơn vị trực thuộc.

Từ đội quân “đầu trần, chân đất”, LLVT Hà Tĩnh không ngừng lớn mạnh. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hà Tĩnh đã cung cấp cho QĐND Việt Nam hàng vạn thanh niên, bổ sung vào các đơn vị chiến đấu chính quy, tham gia trên các mặt trận. Đến cuối năm 1951 - đầu 1952, Hà Tĩnh đã bổ sung cho các đơn vị chủ lực 3.030 tân binh và cán bộ, chiến sỹ bộ đội địa phương; huy động 9.602 dân công tham gia chiến dịch Hòa Bình…

Vang mãi khúc quân hành

Trận địa dưới chân núi Nài (TP Hà Tĩnh) những năm chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Đến năm 1966, toàn tỉnh đã có 5.000 cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng bộ đội địa phương, biên chế ở 6 tiểu đoàn, là quân số cao nhất trong thời kỳ đầu chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hà Tĩnh cũng đã giành được nhiều chiến công vang dội trên các mặt trận, như: cầu Cày, cầu Già (Thạch Hà), Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc), Kỳ Phương (Kỳ Anh), Xuân Liên (Nghi Xuân)… Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, LLVT Hà Tĩnh ngày càng chính quy, thực hiện nhiệm vụ giữ gìn hòa bình quốc tế, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, cùng Nhân dân xây dựng đất nước…

Trong chuyến hành trình về nguồn, tôi may mắn được gặp lại nhiều cựu binh Hà Tĩnh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Họ đều là những nông dân mặc áo lính. Chia sẻ về những ngày đầu gia nhập quân đội bảo vệ Tổ quốc thời điểm ấy, cựu binh Trần Văn Tứ (95 tuổi, xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc) cho biết: “Từ một người dân nô lệ, Cách mạng tháng Tám đã thay đổi cuộc đời chúng tôi. Lúc ấy, được trở thành người lính tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc với tôi là một niềm vinh dự, tự hào”.

Vang mãi khúc quân hành

Cựu binh Trần Văn Tứ (xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc) và vợ ông.

Ông Tứ nhập ngũ tháng 2/1949, được biên chế ở Đại đội 217, Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 bộ binh, từng cùng đơn vị chiến đấu trong chiến dịch Biên giới Thu Đông (1950), chiến dịch Hoàng Hoa Thám (1950-1951)… và đặc biệt là chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954.

Còn ông Trần Công Chương (SN 1949, ở xã Đức Lạng, Đức Thọ) lại vô cùng hạnh phúc khi trong gia đình mình có 3 thế hệ, gồm người cha là cố Thiếu tá Trần Công Tính, ông và người con là Đại úy Trần Quyết Thắng hiện đang công tác tại Quân đoàn 3 (Gia Lai) đều phục vụ trong quân đội. Riêng ông và người cha từng viết nên câu chuyện huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khi cùng gặp nhau trên một chiến hào ở chiến trường Quảng Trị vào năm 1968.

Vang mãi khúc quân hành

Cựu binh Trần Công Chương (Đức Lạng, Đức Thọ) hạnh phúc khi gia đình 3 thế hệ đều vinh dự được phục vụ trong QĐND Việt Nam.

Đời mình là một khúc quân hành

Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành. Đối với mỗi người dân đất Việt nói chung và người dân Hà Tĩnh nói riêng, lòng yêu nước và tinh thần cống hiến, đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc luôn là mạch nguồn xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử tới nay.

Những ngày này, trên miền hải đảo thân yêu của Tổ quốc, trung tá, bác sỹ Nguyễn Cao Vinh (Bệnh viện Quân y 108) hiện đang công tác tại Quần đảo Trường Sa cảm thấy tự hào khi anh sắp hoàn thành 1 năm làm nhiệm vụ trên quần đảo thân yêu của Tổ quốc. Trung tá, bác sỹ Nguyễn Cao Vinh chia sẻ: “Sau 1 năm làm nhiệm vụ nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tôi càng hiểu giá trị của mỗi tấc đất núi sông mà cha ông đã dày công gìn giữ, thêm tự hào khi tiếp nối nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của những thế hệ đi trước, trong đó có người bố của mình”.

Vang mãi khúc quân hành

Trung tá, bác sỹ Nguyễn Cao Vinh được người dân tặng hoa khi cùng đồng đội cứu sống một ngư dân gặp nạn trên quần đảo Trường Sa hồi tháng 5/2022.

Trung tá, bác sỹ Nguyễn Cao Vinh sinh ra ở xã Hồng Lộc (Lộc Hà), bố anh là Thiếu tá Nguyễn Trọng Minh (SN 1952), từng có 10 năm chiến đấu và làm công tác bảo vệ hòa bình giúp nước bạn Campuchia. Trước khi về hưu, ông là Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Can Lộc. Trước khi ra đảo công tác vào tháng 12/2021, Trung tá Vinh từng có hơn 10 năm công tác tại Bệnh viện Quân y 108.

Trong thời bình, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ tiếp tục tỏa sáng. Các cựu chiến binh luôn xung kích đi đầu trên “mặt trận” phát triển kinh tế, xây dựng NTM. Trong đó, có thể kể đến thương binh Nguyễn Xuân Đường (SN 1948, ở thôn Lạc Thanh, xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh), một điển hình trong xây dựng mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm ở xã miền núi khó khăn này.

Vang mãi khúc quân hành

Thương binh Nguyễn Xuân Đường (SN 1948, ở xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh)

Cùng với làm giàu cho mình, ông tiên phong dẫn dắt phong trào xây dựng NTM ở xã Kỳ Lạc. Bản thân ông đã đóng góp hàng trăm triệu đồng cho phong trào chung và tự mình đảm nhận chăm sóc hàng rào xanh, vệ sinh con đường thôn dài 800m…

Phát huy vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế, hiện trên địa bàn tỉnh có 229 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 124 HTX, 197 tổ hợp tác, 401 trang trại, 1.751 gia trại… do cựu chiến binh làm chủ, cho thu nhập trung bình từ 100 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng mỗi năm.

Mỗi lần quê hương xảy ra thiên tai, dịch bệnh, những người lính lại trở thành lực lượng đi đầu, lăn xả, hy sinh để bảo vệ tính mạng và tài sản cho Nhân dân. Trong trận lũ lịch sử cuối năm 2020 đã có 22 cán bộ, chiến sỹ, quân nhân thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4 đã hy sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ giúp dân tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), trong đó có 6 chiến sỹ quê Hà Tĩnh.

Vang mãi khúc quân hành

Bộ đội Hà Tĩnh có mặt kịp thời tại tâm lũ Cẩm Xuyên, tháng 10/2020. Ảnh: Tư liệu

Cùng trong thời điểm đó, ở Hà Tĩnh, LLVT dầm trong mưa hàng tháng trời để cứu người, cứu tài sản cho đồng bào. Hay trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 năm 2020-2021 vừa qua, những người lính đã đồng hành cùng các lực lượng khác bám chốt, bám đồn…

Đại úy Bùi Đức Dũng - Phó Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Lạch Kèn (Nghi Xuân) bày tỏ: “Người lính đi từ Nhân dân mà ra, vì vậy, “vì Nhân dân quên mình, vì Nhân dân hy sinh” luôn là tâm thế đối với mỗi chiến sỹ chúng tôi”.

Vang mãi khúc quân hành

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lạch Kèn giúp người dân xã Xuân Liên (Nghi Xuân) xây dựng NTM.

Có thể nói, ít có đất nước nào trên thế giới mà ở đó, quân đội và Nhân dân dường như là một. Lực lượng vũ trang Hà Tĩnh nói riêng và QĐND Việt Nam nói chung ngày càng được huấn luyện chính quy, tinh nhuệ, tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông để luôn vang mãi khúc quân hành.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast