Lý do người Nga bỏ phiếu cho ông Putin

Nhiều cử tri Nga cho hay họ bầu cho Tổng thống Putin bởi tin rằng ông đã giúp khôi phục vị thế đất nước và kỳ vọng ông sẽ giúp chấm dứt các xung đột.

Tổng thống Vladimir Putin ngày 17/3 tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 với hơn 87% số phiếu, tỷ lệ được Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) mô tả là cao nhất lịch sử nước này. Ba đối thủ còn lại gồm Nikolay Kharitonov, Vladislav Davankov và Leonid Slutsky đều không nhận được quá 5% phiếu bầu.

"Tôi muốn cảm ơn mọi người dân Nga vì sự ủng hộ và tin tưởng này", ông Putin cho biết trong bài phát biểu chiến thắng tại trụ sở chiến dịch tranh cử ở thủ đô Moskva.

Bầu cử tổng thống Nga năm nay diễn ra trong ba ngày 15-17/3 với hơn 94.000 điểm bỏ phiếu khắp đất nước, trong đó có cả 4 vùng Nga vừa sáp nhập hồi tháng 10/2022. Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu là 74,2%, vượt kỷ lục 67,54% năm 2018.

"Tôi ủng hộ ông Putin và tất nhiên, tôi sẽ bỏ phiếu cho ông ấy", cử tri Lyudmila Petrova, 46 tuổi, nói ngày 15/3 tại một khu chợ bán buôn ở nam Moskva. "Ông Putin đã vực dậy nước Nga. Và Nga sẽ đánh bại phương Tây cũng như Ukraine".

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một cuộc họp ở Moskva tháng 12/2023. Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một cuộc họp ở Moskva tháng 12/2023. Ảnh: AFP

Khi ông Putin bắt đầu lên nắm quyền từ năm 2000, nước Nga đang trải qua giai đoạn khó khăn, với tăng trưởng GDP âm suốt gần thập kỷ, chính phủ luôn trong tình trạng khủng hoảng ngân sách và chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong GDP toàn cầu.

Sau gồm 4 nhiệm kỳ tổng thống và một nhiệm kỳ thủ tướng, ông Putin đã giúp Nga thay đổi trên nhiều lĩnh vực, từ vị thế trên trường quốc tế đến kinh tế và đời sống người dân. Trong 10 năm kể từ 1999 đến 2008, GDP Nga tăng 94% và GDP bình quân đầu người tăng lên gấp đôi. Tỷ trọng của Nga trong kinh tế toàn cầu cũng tăng từ 2% lên khoảng 4%.

"Tôi hài lòng với mọi thứ và muốn tình hình tiếp tục như bây giờ", Dmitry Sergienko, cử tri tham gia bỏ phiếu tại Moskva, trả lời AP.

Tại thành phố Sergiyev Posad, cách Moskva khoảng 70 km về phía đông bắc, nhiều người Nga quyết định bầu cho ông Putin với mong muốn chiến sự sớm chấm dứt, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ ba.

"Tôi bỏ phiếu cho người đàn ông đang làm mọi việc có thể để đảm bảo không còn chiến tranh trên thế giới", Ishnazarov, 54 tuổi, nói. Ông hoàn toàn tin tưởng ông Putin và cho rằng Tổng thống Nga "thực sự có thể cứu thế giới".

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Putin nhiều lần tuyên bố chiến dịch ở Ukraine là nhằm bảo vệ nước Nga trước những hành động thù địch từ phương Tây, đồng thời quyết tâm hoàn thành mục tiêu "phi quân sự hóa" Ukraine để đảm bảo an ninh cho Nga. Kiev và nhiều quốc gia phương Tây đã bác bỏ quan điểm này, chỉ trích việc ông Putin phát động chiến sự là "vô cớ".

Nhưng Alexandra, một nữ tu Chính thống giáo 77 tuổi chuyển từ Pháp đến Nga sinh sống năm 2018, cho rằng "không có nghịch lý" nào trong chiến dịch của Nga ở Ukraine. Bà tin tưởng cuộc chiến này rốt cuộc "sẽ cứu giúp nhiều sinh mạng".

"Người dân Nga vì sự sống, chúng tôi không ủng hộ chết chóc", bà nói, ám chỉ về quyền phá thai ở châu Âu.

Với sự ủng hộ từ giáo hội Chính thống, Tổng thống Putin đấu tranh vì "các giá trị gia đình truyền thống", đối lập điều ông mô tả là sự tự do suy đồi ở phương Tây.

Tỷ lệ ủng hộ và không ủng hộ ông Putin qua các năm, theo kết quả khảo sát do trung tâm Levada ở Moskva thực hiện. Đồ họa: CNN
Tỷ lệ ủng hộ và không ủng hộ ông Putin qua các năm, theo kết quả khảo sát do trung tâm Levada ở Moskva thực hiện. Đồ họa: CNN

Với những cử tri lớn tuổi không thể đến điểm bỏ phiếu, các thành viên ủy ban bầu cử thành phố Sergiyev Posad sẽ đưa hòm phiếu đến tận nhà họ. Trong số này có bà Inessa Rozhkova, 87 tuổi.

"Tôi rất vui khi gặp nhiều người như vậy! Tôi hiếm khi có khách đến nhà!", bà nói trong lúc mời nhóm nhân viên bầu cử vào phòng khách. Rozhkova rất quan tâm đến chính trị và chỉ bỏ lỡ một cuộc bầu cử. "Tôi theo dõi mọi thứ, tôi biết mọi thứ. Tôi luôn xem truyền hình".

Song song với cuộc bầu cử, truyền thông Nga gần đây còn đề cập đến các vụ tập kích gây thương vong của Ukraine vào khu vực biên giới Nga.

Rozhkova cho biết bà luôn lo lắng cho số phận những người sống gần tiền tuyến. "Tôi ước chiến dịch đặc biệt sẽ kết thúc sớm nhất có thể. Tôi rất mong điều đó... bạn có thể tưởng tượng bao nhiêu người đã thiệt mạng không?", bà nói.

Cử tri Nga bỏ phiếu tại Moskva ngày 17/3. Ảnh: AFP
Cử tri Nga bỏ phiếu tại Moskva ngày 17/3. Ảnh: AFP

Nhiều người dân ở St. Petersburg, quê nhà ông Putin, cũng có tâm trạng tương tự, tin rằng chỉ có ông Putin mới đem lại hòa bình thực sự cho Nga.

"Điều chúng tôi muốn trên hết lúc này là hòa bình", bà Lyubov Pyankova, 70 tuổi, nói. "Nga chỉ muốn không bị làm phiền, không bị sai bảo phải làm gì".

Công chức tên Konstantin ước một ngày nào đó thức dậy sẽ "không còn ai phải chiến đấu hay thiệt mạng". "Thành thực mà nói, tôi hiểu rằng không ai có thể thay thế ông ấy", Konstantin, 46 tuổi, cho biết, nhắc đến ông Putin. "Đó là lý do tôi bỏ phiếu cho ông ấy".

Tatiana, sinh viên 20 tuổi ở Lugansk, một trong 4 khu vực Nga sáp nhập năm 2022, tin tưởng ông Putin đến mức "đều cảm thấy những ứng viên còn lại không phù hợp".

"Khi tham gia cuộc bầu cử này, tôi chỉ muốn thế giới yên bình", Anna Lysova, cư dân thành phố Savastopol, bán đảo Crimea, trả lời phóng viên.

"Và bà đã bỏ phiếu cho ai vậy", phóng viên hỏi.

"Ông Putin", bà Lysova đáp lại.

Cuộc bầu cử tổng thống Nga cũng ghi nhận các hành động phá hoại. Giới chức Nga ngày 15/3 đã bắt nhiều người vì đổ thuốc nhuộm hoặc mực vào thùng phiếu ở nhiều khu vực, một số còn tìm cách phóng hỏa điểm bầu cử.

Tuy nhiên, ông Putin cho rằng những hành động này không thể ngăn cản người Nga thể hiện ý chí của mình. "Chúng ta không thể bị đe dọa bởi bất kỳ ai, dù tham vọng của họ lớn đến đâu, dù cho họ muốn kìm kẹp nhân dân, ý chí và tâm hồn nước Nga đến mức nào. Tham vọng đó không bao giờ thành công trong lịch sử, hiện tại và tương lai", ông nói.

vnexpress.net

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.