Theo đại diện MBDA, việc phát triển tổ hợp ATLAS-RC là đáp ứng yêu cầu của Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha về dòng vũ khí phòng không mới và hệ thống ngắm bắn ảnh nhiệt hiện đại. Với cấu hình nhỏ gọn, ATLAS-RC hoàn toàn phù hợp lắp trên xe quân sự URO VAMTAC ST5 của Quân đội Tây Ban Nha.
Nguyên mẫu tổ hợp ATLAS-RS lắp trên khung gầm xe quân sự hạng nhẹ.
So với phiên bản ATLAS tiêu chuẩn, tổ hợp ATLAS-RC tối ưu hơn về khả năng bảo vệ kíp xạ thủ và đơn giản hóa việc điều khiển tổ hợp. Các thông tin cụ thể về đặc điểm kỹ-chiến thuật của tổ hợp ATLAS-RC chưa được công bố.
Điểm mạnh của ATLAS-RC là sử dụng đạn 2 tên lửa Mistral 2 có khả năng “bắn-quên”. Ngay sau khi khóa mục tiêu và phóng, đầu dò tự dẫn của tên lửa sẽ tự động điều khiển, kíp xạ thủ không cần phải can thiệp và có thể thoát ly để tránh bị tấn công. Đạn tên lửa Mistral 2 nặng 18,9kg, trong đó đầu đạn nổ phá mảnh nặng 3kg được trang bị các hạt bi hợp kim tungsten có khả năng xuyên phá cao. Trong các bài thử nghiệm, tỷ lệ bắn trúng của tên lửa Mistral 2 đạt trên 96%. ATLAS-RC được đánh giá cao khi đối phó với các mục bay trực thăng hoặc máy bay không người lái tầm thấp.
Giới chuyên gia quân sự nhận định, ngoài Quân đội Tây Ban Nha, tổ hợp ATLAS-RC sẽ là lựa chọn nâng cấp đáng giá cho các quốc gia cần vũ khí phòng không tầm thấp cơ động, gọn nhẹ và hiệu quả cao. Đây cũng là phương án nâng cấp cho quân đội các nước đang sở hữu dòng tổ hợp tên lửa phòng không ATLAS.