Mở rộng đối tượng tiêm vắc xin COVID-19 trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

Trong kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử từ tháng 7/2021- tháng 4/2022, Bộ Y tế đưa ra 16 nhóm đối tượng được tiêm chủng và 4 nhóm tỉnh, thành phố được ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19.

Bộ trưởng Y tế ký Quyết định số 3355/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 năm 2021-2022.

Kế hoạch này sẽ được cập nhật theo tình hình dịch và khả năng cung ứng vắc xin. Đây là căn cứ để các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử với sự tham gia của nhiều bộ, ngành từ tháng 7/2021-tháng 4/2022

Vắc xin phòng COVID-19 là giải pháp cần thiết và quan trọng để phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội. Các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vắc xin COVID-19 qua nhiều kênh khác nhau. Đến nay đã có khoảng 105 triệu liều từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam.

Mở rộng đối tượng tiêm vắc xin COVID-19 trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

Vận chuyển vắc xin Pfizer từ máy bay xuống để đưa về bảo quản tại kho lạnh Ảnh:Trần Minh

Sử dụng vắc xin COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng được nhấn mạnh là biện pháp phòng, chống dịch chủ động. Việt Nam phấn đấu đặt mục tiêu cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, ước khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Theo Bộ Y tế, để đạt mục tiêu này và trong bối cảnh vắc xin về Việt Nam với số lượng lớn trong thời gian tới, chúng ta cần tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của nhiều lực lượng như y tế, quân đội, công an và nhiều bộ, ngành.

Chiến dịch tiêm chủng này phải được tổ chức đồng loạt tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc, bao gồm cả các đơn vị y tế công lập và tư nhân, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế.

Chiến dịch sẽ được triển khai từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022, tại cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện tại tất cả các tuyến (tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động).

Đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng

Trong kế hoạch này, Bộ Y tế đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vắc xin COVID-19 trong năm 2021. Hết quý I/2022, trên 70% dân số được tiêm vắc xin. Đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

6 nguyên tắc triển khai được đặt ra, trong đó, chiến dịch triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc; chiến dịch sử dụng đồng thời các loại vắc xin đủ điều kiện từ nhiều nguồn cung ứng khác nhau để tăng độ bao phủ của vắc xin cho người dân; đảm bảo tiêm hết số lượng vắc xin trước khi hết hạn để tránh lãng phí;

Huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia chiến dịch tiêm chủng, huy động tối đa các lực lượng gồm các cơ sở trong và ngoài ngành y tế, công an, quân đội, tổ chức chính trị- xã hội, đoàn thể;

Đảm bảo tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ sử dụng vắc xin cao cho người trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vắc xin phòng COVID-19 (đạt trên 90%)... Đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng.

16 nhóm đối tượng tiêm chủng vắc xin

Trong kế hoạch này, Bộ Y tế nêu rõ: Đối tượng tiêm là toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế

Cụ thể gồm 16 nhóm đối tượng, trong đó có cán bộ y tế; người tham gia công tác phòng chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, người làm công tác truy vết, làm việc ở khu cách ly, điều tra dịch tễ...);

Lực lượng công an; quân đội; cán bộ ngoại giao, giáo viên, học sinh, sinh viên, cán bộ hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh, người cung cấp dịch vụ thiết yếu ( hàng không, vận tải, du lịch, điện, nước)… ;

Người mắc bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; người sinh sống ở vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách, người bán hàng ăn, buôn bán ở chợ, xây dựng, lao động tự do; người được cơ quan nhà nước cử đi công tác, học tập và lao động ở nước ngoài...;

Các chức sắc, chức việc các tôn giáo và các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y hoặc Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc xin cho Bộ Y tế...

Chiến dịch triển khai trên quy mô toàn quốc, ưu tiên cho 4 nhóm tỉnh, thành phố

Phạm vi triển khai của chiến dịch là trên quy mô toàn quốc, trong đó ưu tiên cho 4 nhóm tỉnh, thành phố gồm:

- Các tỉnh, thành đang có dịch, trong đó ưu tiên tiêm trước cho đối tượng ở vùng đang có dịch.

- Các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ

- Các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư.

- Các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.

Bộ Y tế sẽ phân bổ vắc xin theo từng đợt cung ứng vắc xin theo thứ tự ưu tiên.

Mở rộng đối tượng tiêm vắc xin COVID-19 trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn TP HCM

Bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động, tiêm chủng theo giờ đảm bảo giãn cách…

Kế hoạch này cũng quy định rõ việc bảo quản vắc xin như thế nào tương ứng với từng điều kiện về nhiệt độ bảo quản, đơn vị nào vận chuyển….

Theo đó, trong Kế hoạch của Bộ Y tế quy định rõ thời gian vận chuyển vắc xin đến điểm tiêm chủng không quá 3 ngày sau khi có giấy chứng nhận xuất xưởng lô vắc xin.

Kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển tại tất cả tuyến theo từng khoảng thời gian khác nhau với các loại vắc xin có điều kiện bảo quản khác nhau.

Bộ Y tế quy định vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ âm, âm sâu hoặc có thể bảo quản ở nhiệt độ từ 2 độ C đến 8 độ C như Pfizer, Moderna hay Janseen. Nếu vắc xin đã bảo quản ở nhiệt độ từ 2 độ C tới 8 độ C sẽ không bảo quản trở lại ở nhiệt độ âm.

Còn với vằc xin bảo quản ở nhiệt độ -25 độ C đến -15 độ C như vắc xin Sputnik V dạng đông lạnh, sau khi rã đông, vắc xin không dùng hết phải hủy bỏ theo quy định.

Cả nước có 8 kho bảo quản vắc xin tại Bộ Tư lệnh Thủ đô và 7 Quân khu (trong đó TP.HCM và 8 địa phương khác bảo quản vắc xin tại kho của Quân khu 7).

Cũng trong kế hoạch, Bộ Y tế nêu rõ việc tổ chức tiêm chủng (ngoài hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có có thể bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động, bố trí tiêm chủng theo giờ đảm bảo giãn cách…). Các sở điều trị sẽ tiêm cho các đối tượng cần được theo dõi đặc biệt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Kế hoạch này cũng lưu ý các bệnh viện trung ương, tỉnh thành phố, bệnh viện và trung tâm y tế cập huyện tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình và hỗ trợ cho các điểm tiêm, đặc biệt là ở các vùng đi lại khó khăn, ít nhất một đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 điểm tiêm chủng.

Các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố cũng phải dự phòng một số giường bệnh hồi sức tích cực (tối thiểu 5 giường/bệnh viện) để sẵn sàng xử trí các trường hợp tai biến nặng sau tiêm.

Để triển khai chiến dịch, Bộ Y tế lập các tiểu ban về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin; tiêm chủng; an toàn tiêm chủng…

Kế hoạch cũng nểu rõ việc ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong chiến dịch tiêm chủng này.

Theo Thái Bình/SK&ĐS

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.