Mỗi năm, gần 400 bệnh nhân ung thư gan điều trị tại BVĐK Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Ở Hà Tĩnh, số lượng người mắc căn bệnh về gan ngày càng gia tăng, mỗi năm có gần 400 bệnh nhân ung thư gan điều trị ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hà Tĩnh.

Mới 52 tuổi, đang khỏe mạnh, một hôm thấy mệt trong người, anh Nguyễn Văn Trung, ở xã Thạch Hạ (Thành phố Hà Tĩnh) đi kiểm tra sức khỏe. Kết quả anh bị “kết án”: Ung thư gan. Hiện anh đang được chăm sóc tại Khoa Ung bướu BVĐK Hà Tĩnh.

Mỗi năm, gần 400 bệnh nhân ung thư gan điều trị tại BVĐK Hà Tĩnh

Bác sỹ Khoa Ung bướu BVĐK Hà Tĩnh theo dõi sức khỏe bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối

Vợ anh, chị Võ Thị Minh cho biết: “Anh ấy ngày thường rất khỏe, ăn uống, sinh hoạt bình thường. Khi thấy mệt mới đi khám thì đã phát hiện bị ung thư gan giai đoạn IV".

Không chỉ bệnh nhân Trung mà hầu hết bệnh nhân bị ung thư gan và Khoa Ung bướu điều trị đều có chung tình trạng khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn cuối. Mỗi năm, Khoa Ung bướu Bện viện Đa khoa Hà Tĩnh tiếp nhận điều trị nội trú gần 3.000 bệnh nhân ung thư, trong đó có gần 400 bệnh nhân ung thư gan, đa số ở độ tuổi từ 40 đến 80. Bệnh nhân ung thư gan trên nền viêm gian B chiếm đến 70 - 80%, số còn lại là trên nền của viêm gan C và những yếu tố nguy cơ khác.

“Hầu hết bệnh nhân phát hiện ung thư gan trong lần khám đầu tiên. Nguyên nhân chủ yếu do người dân còn chủ quan, không đi khám sức khỏe định kỳ, đến khi bệnh ở mức độ nguy hiểm, thậm chí ung thư gan giai đoạn cuối thì mới đến bệnh viện”, bác sỹ Võ Văn Phương - Trưởng khoa Ung Bướu BVĐK Hà Tĩnh cho biết.

Mỗi năm, gần 400 bệnh nhân ung thư gan điều trị tại BVĐK Hà Tĩnh

Bác sỹ Khoa Nội tổng hợp BVĐK tỉnh tư vấn cho bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày do bệnh gan

Khoa Nội tổng hợp BVĐK tỉnh tiếp nhận số lượng bệnh nhân liên quan đến các bệnh lý về gan rất lớn. Trung bình mỗi ngày khoa có từ 80 - 135 bệnh nhân nội trú, trong đó có khoảng 20 - 30 bệnh nhân bị các bệnh lý về gan; gần 90% các bệnh nhân bị các bệnh lý về gan vào điều trị trong tình trạng nặng và trên nền viêm gan mãn. Bệnh nhân có xu hướng ngày càng trẻ hóa, chiếm 1/3 ở lứa tuổi trên dưới 30 tuổi, đa số vào viện trong trình trạng nôn ra máu trên nền bệnh nhân nghiện rượu hoặc do các ngộ độc khác.

Bệnh nhân Nguyễn Hồng Thái, 19 tuổi, ở xã Phúc Thạch, huyện Hương Khê ngậm ngùi: “Sau khi nổi một số mận nhỏ trên người, em đi kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Hương Khê, bác sỹ khuyên nên nhập viện điều trị bệnh gan nhưng em chủ quan không nghe mà về lấy thuốc Nam ở Nghệ An uống (vì nghe đồn ở Nghệ An có thầy chuyên chữa bệnh gan bằng thuốc Nam giỏi lắm). Em mua 6 thang về sắc, uống đến 5 thang mà bệnh không đỡ. Vào bệnh viện kiểm tra lại, kết quả men gan tăng nhiều hơn đợt trước và em được chuyển lên BVĐK tỉnh để điều trị. Giờ em rất hối hận, nếu như điều trị theo sự hướng dẫn của bác sỹ ngay từ đầu thì bây giờ bệnh không nặng như thế này”.

Mỗi năm, gần 400 bệnh nhân ung thư gan điều trị tại BVĐK Hà Tĩnh

Bệnh gan thường diễn biến rất âm thầm, khó nhận biết ở giai đoạn đầu, vì vậy các bác sỹ khuyến cáo người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm

Bác sỹ Vương Kim Đức - Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Với những bệnh nhân viêm gan nặng do độc chất (ngộ độc thuốc nam, thuốc bắc, thuốc đông y…) nếu không điều trị kịp thời sẽ tăng men gan quá cao dẫn đến biến chứng như: rối loạn đông máu, rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng huyết… và có thể dẫn đến tử vong.

Việt Nam được nhận định là 1 trong những nước ở khu vực Tây Thái Bình Dương có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan cao. Ước tính có khoảng 8,7 triệu người bị viêm gan B mạn tính và 1 triệu người bị viêm gan C, gấp gần 40 lần số người nhiễm HIV. Bên cạnh đó, tỷ lệ các bệnh lý liên quan đến gan do ngộ độc cũng ngày một tăng cao. Tỷ lệ tử vong do viêm gan trong 15 năm qua tăng 22% trong khi các bệnh khác như HIV, lao, sốt rét lại giảm đi.

Ở Hà Tĩnh, số lượng người mắc căn bệnh này cũng ngày càng gia tăng, mỗi năm đều có hàng trăm người mắc mới, diễn biến của bệnh ngày càng đa dạng, phức tạp và tỷ lệ tử vong rất cao.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính có khoảng 150 triệu người đang mắc bệnh viêm gan C mạn tính và mỗi năm có thêm 3-4 triệu ca nhiễm mới, 700.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến viêm gan C như xơ gan, ung thư gan hoặc suy gan (WHO 2016).

Việc điều trị HCV (virus viêm gan C) bằng các thuốc kháng vi rút trực tiếp mới (DAAs) có tỷ lệ khỏi bệnh trên 90%, với chi phí thấp hơn thuốc cũ là Interferon, nhưng DAAs chưa được chi trả qua BHYT và hầu hết chưa được đăng ký tại Việt Nam, khiến cho giá thành vẫn cao và vượt quá khả năng chi trả của người bệnh.

Theo số liệu từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trung bình chi phí cho 1 lộ trình điều trị DAAs 3 tháng là khoảng 45 triệu đồng. Trong khi đó, theo khảo sát năm 2014 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chỉ khoảng 10% bệnh nhân Viêm gan C sẵn sàng chi trả trên 10 triệu đồng/ tháng cho điều trị, nghĩa là 90% bệnh nhân không có khả năng tiếp cận điều trị.

Theo báo cáo của Bộ y tế, trong số tổng 991.150 người nhiễm HCV, mới chỉ có 4.500 người được điều trị. Đây là thách thức lớn trong việc hỗ trợ, chăm sóc và điều trị cho người bệnh nhiễm HCV.

Đọc thêm