Thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, kích hoạt các dòng vốn chảy vào nền kinh tế, thu hút dự án đầu tư mới… là những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục được Hà Tĩnh tập trung triển khai. Đây được xem là những bước đi quan trọng nhằm giải phóng nguồn lực, thúc đẩy các động lực nội tại để về đích mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8% trong năm 2025.
Những tháng đầu năm 2025, dự án đường vành đai phía Đông TP Hà Tĩnh tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ thi công các đoạn tuyến đã có mặt bằng sạch. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.189 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 850 tỷ đồng, đến nay khối lượng thi công đạt trên 70%. Ông Nguyễn Danh Phong - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP Hà Tĩnh cho biết: “Cùng với dự án đường vành đai phía Đông, thành phố cũng đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm như: đường Xuân Diệu kéo dài đoạn từ đường bao khu đô thị Bắc đến đường Ngô Quyền, Trường THPT Phan Đình Phùng... Chủ đầu tư cho xây dựng đường găng kế hoạch cụ thể và lập cam kết về tiến độ thực hiện, giải ngân đối với các dự án, phấn đấu mục tiêu cùng tỉnh đạt 100% tỷ lệ giải ngân năm 2025”.
Trên địa bàn tỉnh, nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn đang được chủ đầu tư, nhà thầu tập trung triển khai như: dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ (QL) 8C đoạn Thiên Cầm - QL 1 và đoạn từ QL 8 đến đường Hồ Chí Minh với tổng mức 1.075 tỷ đồng (khối lượng thực hiện đã đạt 36%, dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2025); đường trục chính trung tâm nối QL 1 đoạn tránh TX Kỳ Anh đến cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương với tổng mức 1.437 tỷ đồng (khối lượng thực hiện đạt 50%); đường từ QL 12C đi Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh với tổng mức 668 tỷ đồng (khối lượng thực hiện đạt 95%)…
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế (KKT) tỉnh cho biết: “Ngay từ đầu năm, đơn vị đã xác định tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án khởi công mới và giải ngân 100% nguồn vốn được giao là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, triển khai đồng bộ các giải pháp như: phối hợp các địa phương đẩy nhanh GPMB, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu; chỉ đạo nhà thầu tăng nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công; rà soát hồ sơ các dự án còn tồn đọng, vướng mắc để báo cáo UBND tỉnh, tham mưu phương án xử lý”.
Bên cạnh đẩy nhanh thi công các dự án chuyển tiếp, đối với những dự án mới được bố trí vốn năm 2025, các chủ đầu tư tập trung hoàn tất thủ tục về đấu thầu, giao thầu theo quy định để có đủ điều kiện khởi công và thanh toán kế hoạch vốn ngay trong những tháng đầu năm. Tính đến đầu tháng 4, giải ngân vốn đầu tư công của Hà Tĩnh đạt 17% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn bình quân cả nước (9,53%) và đứng thứ 19/110 bộ, ngành, địa phương. Hà Tĩnh xác định lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt, thu hút mọi nguồn lực xã hội và yêu cầu các cấp, ngành ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Cùng với khơi thông nguồn vốn đầu tư công, việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp (DN) triển khai các dự án đảm bảo tiến độ cũng là bước đi quan trọng, kỳ vọng tạo đột phá cho tăng trưởng kinh tế. Tại TX Kỳ Anh - địa bàn trọng điểm về các dự án lớn của tỉnh, địa phương đang tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, bàn giao mặt bằng đối với các dự án đang thực hiện. Đặc biệt là bám sát, thúc đẩy tiến độ các dự án có tính động lực như: các dự án của Tập đoàn Vingroup tại phường Kỳ Thịnh, phường Kỳ Trinh, xã Kỳ Lợi; các dự án cảng biển, logistics tại xã Kỳ Lợi; các dự án: điện tại phường Kỳ Phương, phát triển dịch vụ, du lịch tại các phường Kỳ Ninh, Kỳ Nam... Ở các địa phương khác, công tác GPMB cũng được chỉ đạo quyết liệt để sớm có mặt bằng bàn giao cho các chủ đầu tư, thi công đáp ứng tiến độ như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án hạ tầng Khu công nghiệp Gia Lách mở rộng, dự án Khu đô thị Nam Cầu Phủ…
Nhận diện khó khăn từng dự án và tập trung giải quyết dứt điểm, đối với dự án Khu công nghiệp VSIP Hà Tĩnh, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan và nhà đầu tư tập trung mọi nguồn lực, giải pháp, khẩn trương thực hiện đầu tư hoàn thành dự án theo đúng tiến độ. Sát cánh cùng nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan, các sở, ngành đang tập trung giải bài toán về nguồn vật liệu san lấp để thi công dự án. Theo thông tin từ Sở NN&MT, toàn tỉnh hiện có 20 mỏ đất san lấp với tổng trữ lượng 29 triệu m3. Dựa trên báo cáo nhu cầu mà Sở Xây dựng cung cấp, Sở NN&MT đang đánh giá, khảo sát và lựa chọn các mỏ đất có tiềm năng để đưa vào kế hoạch đấu giá trong thời gian tới, giải quyết tình trạng thiếu vật liệu san lấp. Dự kiến, sắp tới, Sở NN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh đưa vào kế hoạch đấu giá từ 9-12 mỏ đất san lấp, tăng khoảng 13 mỏ đất san lấp so với năm 2024. Gỡ được “nút thắt” này, không chỉ giải quyết khó khăn trong thi công các dự án trọng điểm mà còn khắc phục tình trạng thiếu vật liệu khiến nhiều dự án, công trình thi công cầm chừng.
Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thống kê Hà Tĩnh cho biết: “HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết điều chỉnh một số chỉ tiêu, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên 50.000 tỷ đồng, tăng 6.000 tỷ đồng so với kịch bản tăng trưởng 7% ban đầu. Kết quả đáng mừng là trong quý I/2025, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt hơn 12.200 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2024, góp phần đưa lĩnh vực xây dựng trở thành điểm sáng với mức tăng trưởng 15,5%, cao hơn dự kiến.
Đây là tiền đề quan trọng để khu vực công nghiệp - xây dựng đạt mức tăng 10,15%, đóng góp 4,5 điểm % tăng trưởng, trong đó lĩnh vực xây dựng tăng 0,27%, đóng góp 0,03 điểm % tăng trưởng…”.
Dòng chảy vốn tín dụng ngân hàng được coi là “liều thuốc” trợ lực kinh tế, thúc đẩy đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Những tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động, góp phần “kéo” lãi suất cho vay xuống thấp, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước khu vực 8, trong quý I, mặt bằng lãi suất huy động duy trì ổn định, một số tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất nhằm giúp người dân, DN dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để phát triển SXKD. Đến hết quý I, nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 112.420 tỷ đồng, tăng 3,5% và dư nợ cho vay đạt khoảng 111.000 tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2024. Trong đó, dư nợ DN hiện đạt gần 33.900 tỷ đồng, chiếm trên 30% tổng dư nợ của tỉnh. Nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn đã giảm lãi suất huy động như: Bắc Á Bank Hà Tĩnh đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động với tổng mức giảm 0,4%/năm; MSB Hà Tĩnh 2 lần giảm lãi suất tiền gửi với tổng mức giảm từ 0,5-0,8%/năm tùy vào kỳ hạn và số tiền gửi; MB Bank “tung” nhiều gói tín dụng với lãi suất cho vay ưu đãi phục vụ SXKD, cho vay ngắn hạn lãi suất chỉ từ 5,75%/năm, cho vay trung dài hạn lãi suất khoảng 9%/năm…
Ông Lê Đức Thắng - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết: “Việc giảm lãi suất của các ngân hàng thời điểm đầu năm là điều đáng mừng đối với cộng đồng DN. Tuy nhiên, để tháo gỡ các điểm nghẽn, DN nhanh chóng được tiếp cận vốn khi cần thì các ngân hàng cần tiếp tục cải thiện quy trình vay vốn, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt, có các quy định về vay vốn phù hợp với đặc thù của DN vừa và nhỏ. Như vậy, lãi suất giảm mới thực sự mang lại hiệu quả trong hỗ trợ DN”.
Đồng hành, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, Chính phủ tiếp tục gia hạn và gia tăng các chương trình miễn, giảm, giãn thuế, phí. Theo đại diện Chi cục Thuế khu vực XI, trong quý I, trên địa bàn Hà Tĩnh, ngành thuế đã thực hiện miễn giảm hơn 323,6 tỷ đồng theo chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn và chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng.
THUẾ GIẢM KÉO THEO GIÁ BÁN HÀNG HÓA GIẢM, SỨC MUA TĂNG LÊN, TỪ ĐÓ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP.
Bà Phạm Thị Hiệp Định - Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh chia sẻ: “Trong bối cảnh hoạt động SXKD gặp khó khăn, chi phí sản xuất còn cao, sức mua có dấu hiệu chậm lại thì chính sách giảm thuế VAT 2% của Chính phủ đã góp phần quan trọng vào tăng tổng cầu. Thuế giảm kéo theo giá bán hàng hóa giảm, sức mua tăng lên, từ đó thúc đẩy phát triển SXKD của DN”.
Bên cạnh hỗ trợ, tiếp vốn cho nền kinh tế phát triển, việc tiếp tục đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn cũng là giải pháp chiến lược nhằm tạo đòn bẩy cho sự bứt phá. Cùng với các hoạt động xúc tiến đầu tư, tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Chỉ số Cải cách hành chính (PAR index), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)…; phát huy hiệu quả các tổ công tác để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, khơi thông nguồn lực, đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng của địa phương. Điển hình như Ban Quản lý KKT tỉnh đã mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư xuống còn 2/3 thời gian so với quy định, thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước. Qua đó, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo sự hài lòng và tin cậy cho các nhà đầu tư.
Thời gian qua, Hà Tĩnh cũng chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường kết nối cung cầu, phát triển thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu cho các DN; đảm bảo ANTT để các dự án triển khai thuận lợi. Ông Nguyễn Minh Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh cho biết: “Quý I/2025, trung tâm đã thực hiện khảo sát 577 DN, trong đó 204 DN có nhu cầu tuyển dụng với số lượng cần tuyển 11.818 người. Trung tâm cũng tổ chức 27 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 11 phiên định hướng nghề nghiệp cho học sinh và bộ đội xuất ngũ tại các đơn vị, địa phương… Kết quả có 1.113 lao động đã được các DN tuyển dụng”.
LŨY KẾ ĐẾN NAY, TOÀN TỈNH CÓ 1.560 DỰ ÁN VỚI TỔNG VỐN 538.000 TỶ ĐỒNG, TRONG ĐÓ 71 DỰ ÁN FDI CÓ VỐN 16 TỶ USD.
Theo số liệu của Sở Tài chính, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 1.560 dự án với tổng vốn 538.000 tỷ đồng, trong đó 71 dự án FDI có vốn 16 tỷ USD. Các cấp, ngành tiếp tục đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đã ký kết tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư. Hiện nhiều dự án quy mô lớn đang được triển khai các thủ tục để tiến tới chấp thuận chủ trương đầu tư như: Khu thương mại dịch vụ du lịch thể thao phía Tây Nam huyện Thạch Hà (đang tham vấn ý kiến của Bộ Xây dựng về đồ án quy hoạch); Tổ hợp dự án nghỉ dưỡng, sân golf quốc tế Thịnh Lộc (Thạch Hà)...
Ông Lê Trung Phước - Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh cho biết, các dự án đầu tư đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, giải quyết nhu cầu lao động và tăng thu ngân sách trên địa bàn. Cùng với hệ thống nhà máy sản xuất pin đã đi vào vận hành, tới đây, khi nhà máy sản xuất ô tô điện đi vào hoạt động sẽ bổ sung nguồn lực tăng trưởng cho tỉnh. Một tín hiệu vui nữa là vừa qua, Tổng Công ty Khí Việt Nam đã đề xuất đầu tư dự án kho khí LNG Bắc Trung Bộ tại KKT Vũng Áng với tổng vốn đầu tư hơn 26.735 tỷ đồng. Hiện nay, nhiều DN cũng đang nghiên cứu, khảo sát đầu tư tiếp tục mở ra những triển vọng lớn cho tăng trưởng từ 8% trong năm 2025, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để Hà Tĩnh cùng cả nước đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.
BÀI, ẢNH: ĐÌNH TRUNG - NGỌC LOAN - THÁI OANH
THIẾT KẾ: HUY TÙNG
(Còn nữa)