Bắt đầu từ giữa tháng 1/2025, nhiều diện tích trồng dưa hấu ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân đã được bà con xuống giống, chuẩn bị cho vụ dưa chính trong năm. Tuy nhiên, khi cây dưa mới được 20 ngày thì gặp phải nhiều đợt mưa lạnh kéo dài, cây bị thối rễ chết dần.
Ông Cao Đình Toán (thôn 7, xã Xuân Hồng) chia sẻ: "Vụ dưa năm nay gặp khó khăn hơn rất nhiều do thời tiết bất lợi. Từ tháng 1, tôi bắt đầu ra đồng xuống giống, theo tính toán thì đến tháng 4 sẽ bắt đầu thu hoạch, thế nhưng không tính lại trời, bao nhiêu giống bị ngập úng hết. Sau 20 ngày, tôi tiếp tục xuống giống lần nữa nhưng cũng không công.
Nguyên nhân là do từ tháng 1 đến tháng 2 xảy ra nhiều đợt mưa rét, gây ngập úng, dưa bị thối rễ và mắc bệnh cháy lá; mặc dù tiến hành phun các loại thuốc đặc trị nhưng vẫn không hiệu quả. Trên 2 ha, hàng nghìn cây dưa hấu của gia đình bị chết phải nhổ bỏ, tính ra thiệt hại hơn 6 triệu đồng, chưa kể đầu tư phân bón và công chăm sóc".

Không riêng gì gia đình ông Toán mà nhiều hộ trồng dưa hấu ở thôn 7, thôn 8 cũng gặp tình trạng dưa bị chết, thối rễ do ngập úng.
Toàn xã Xuân Hồng có khoảng 35 ha trồng dưa hấu, chia thành 2 vùng, đất cát (10 ha) và đất thịt pha cát (25ha). Đây là một trong những vùng trồng dưa tập trung của huyện Nghi Xuân. Theo bà con nông dân, thiệt hại vừa qua chủ yếu xảy ra tại vùng trồng dưa trên đất cát.
Theo tập quán, các hộ dân ở đây thường xuống giống dưa sớm hơn để tránh nắng nóng, khô hạn vào thời điểm cây còn nhỏ; nếu thuận lợi, cây sẽ cho quả sớm và được giá hơn so với thời điểm thu hoạch đại trà. Tuy nhiên, do thời tiết đầu năm 2025 nhiều bất lợi, toàn bộ 10 ha sản xuất dưa hấu trên đất cát pha buộc phải gieo trỉa lại.

Để vớt vát vụ dưa hấu chính trong năm, từ những ngày đầu tháng 4, nhiều hộ dân ở các thôn 7, 8 (xã Xuân Hồng) đã tranh thủ thời tiết nắng ráo xuống đồng gieo trỉa, chăm sóc dinh dưỡng cho diện tích dưa hấu.
“Tôi thường xuyên bám đồng để kiểm tra sinh trưởng của cây dưa. Hơn 1,5 ha bị thiệt hại khoảng 70% nên gia đình tập trung lực lượng để gieo bù đủ diện tích. Những cây dưa không bị ảnh hưởng hiện đang vào giai đoạn ra hoa nên tôi tiến hành bón phân, sử dụng chế phẩm sinh học để cây sinh trưởng tốt. Hi vọng thời gian tới thời tiết thuận lợi, dưa đậu quả tốt và sẽ cho thu hoạch vào khoảng từ đầu tháng 6 năm nay" - ông Nguyễn Văn Hiệp, thôn 7 cho hay.

Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc, thôn 8 cũng đang tiến hành phủ bạt ni lông cho cây dưa vừa mới xuống giống được 10 ngày. Giải pháp kỹ thuật này nhằm tăng khả năng quang hợp cho cây, đồng thời giữ độ ẩm tốt và hạn chế cỏ dại mọc xung quanh. Đặc biệt, tránh được tình trạng ngập úng nước, xói mòn đất… bảo vệ được cây trồng.
Ông cho biết: "Dưa hấu là cây trồng chủ lực của xã Xuân Hồng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Thời gian sinh trưởng ngắn (gần 3 tháng), do đó người dân ở đây xuống giống nhiều đợt và có thể rải vụ thu hoạch, bắt đầu từ giữa tháng 5 cho đến đầu tháng 7. Hằng năm, năng suất bình quân đạt từ 20 - 30 tấn dưa/ha, dưa hấu Xuân Hồng luôn được khách hàng ưa chuộng do có màu đỏ tươi, ruột chắc, vị ngọt thơm nên rất dễ bán, mang lại thu nhập khá cho người dân".

Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng cho rằng: "Đầu vụ nhiều diện tích trồng dưa bị thiệt hại khiến cho ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tổng sản lượng dưa của địa phương. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân theo dõi diễn biến thời tiết, nếu thuận lợi có thể xuống thêm 1 – 2 đợt giống bởi năm nay nhuần hai tháng 6 âm lịch.
Để hỗ trợ bà con nông dân, địa phương phân công cán bộ chuyên môn bám sát đồng ruộng, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật. Đặc biệt, hướng dẫn người dân bón phân hữu cơ giai đoạn đầu và cung cấp đủ nước tưới cho cây để dưa hấu sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm".