Năm mới bắt đầu từ tháng chín...

(Baohatinh.vn) - Viết về nhà giáo, nhiều bài thơ in dấu vào tâm trí bạn đọc nhờ thể hiện được sự đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu sâu sắc với những con người lặng lẽ, miệt mài nghiệp bảng đen, phấn trắng. Trong số những tác phẩm thành công phải kể đến bài thơ "Thời gian của chúng tôi" của Nguyễn Vũ Tiềm. Từ những trải nghiệm nghề giáo và nghề văn, tác giả đã có được cách nói rất riêng về một đề tài không mới.

Năm mới bắt đầu từ tháng chín... ảnh 1

Năm mới đã bắt đầu. Nguồn: Internet

Nhan đề bài thơ đã nhấn mạnh nét riêng ấy. Thời gian là yếu tố khách quan, quỹ thời gian trong ngày ai cũng như nhau. Nhưng cách sử dụng thời gian ở mỗi người, mỗi nghề lại chẳng ai giống ai cả. Ở đây, Nguyễn Vũ Tiềm vừa như giãi bày, vừa như để đối thoại và khẳng định: 'Thời gian của chúng tôi'. Nhan đề đã định hình cái tứ của toàn bài: Với nhà giáo, thời gian thật đặc biệt, cả về cách tính và ý nghĩa.

Điều khác lẽ thường đầu tiên là cách tính “năm mới”. Với nghề giáo, năm mới không bắt đầu từ tháng giêng mà bắt đầu từ tháng chín, thời điểm những hồi trống khai trường vang lên gọi mời, giục giã. Nghề giáo đón chào năm học mới bằng niềm vui như muôn triệu người chào đón tân niên. Bởi vậy, dù “năm mới” bắt đầu từ những ngày thu êm đềm tháng chín, nhưng không khí không hề bình lặng mà vẫn nô nức, rạng rỡ, tưng bừng: Cổng trường mở ra/ Năm mới ùa vào! Chữ “ùa vào” diễn tả niềm vui tựu trường của lớp lớp học trò. Tâm thế “ùa vào” cổng trường đồng thời cũng thể hiện niềm thiết tha với đạo học. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của cả học trò, thầy cô và mái trường: Ánh mắt nào cũng trời thu xôn xao/ Tiếng nói chen nhau, sân trường thành chật hẹp... Dùng chữ “năm mới”, vốn gắn với lễ tết, có lẽ Nguyễn Vũ Tiềm muốn nhấn mạnh tính chất thiêng liêng của thời điểm bắt đầu năm học mới ở những môi trường giàu tính nhân văn?

Trách nhiệm, niềm đam mê nghề nghiệp, tình yêu dành cho học trò đã tạo nên những trăn trở thường trực trong mỗi nhà giáo. Nguyễn Vũ Tiềm đã tái hiện những trăn trở ấy qua các tín hiệu thời gian: Mỗi tiết học bốn mươi lăm phút/ Cả chiều dài thế kỷ xếp sao đây? Cả chiều dài thế kỷ mà chỉ dạy trong 45 phút, mâu thuẫn giữa dung lượng thông tin và thời lượng lên lớp đặt ra cho người thầy nhiều băn khoăn. Công việc của người thầy là lựa chọn nội dung và phương pháp tối ưu. Để lựa chọn, người thầy phải lao tâm, khổ tứ. Tác giả khắc họa công việc lao động trí óc gian khổ của nghề giáo trong các mối quan hệ tương ứng về thời gian và đối lập các đơn vị: Sáng hồi hộp từng trang, đêm thao thức từng dòng. Để có từng trang giáo án phải thao thức từng dòng, để có một giờ giảng ưng ý không biết bao lần phải trắng đêm. Quên đi nhịp sinh học của bản thân, đắm mình vào việc chuẩn bị bài giảng, để rồi, thế giới tri thức hòa nhịp với thiên nhiên đất trời: Vầng trăng hạn vơi đầy cùng bình mực/ Quỹ đạo hành tinh cùng vẽ hình e-líp/ Trang hình học không gian nối điểm sáng sao trời.

Sân trường ngày khai giảng. Ảnh: Thu Trang

Sân trường ngày khai giảng. Ảnh: Thu Trang

Dẫu cuộc sống đời thường bao khó khăn, song người thầy đến lớp luôn đầy trách nhiệm và tình yêu với học trò: Khép lại nhà bao ấm lạnh, lo âu/ Hồi trống gọi những niềm vui tới lớp. Gắng khép lại những nỗi niềm riêng để tạo không khí, tâm thế thuận lợi nhất cho học trò học tập nhưng chẳng dễ gì giấu được. Vì thế, Nguyễn Vũ Tiềm đã thốt lên: Đồng nghiệp ơi, trang đời, trang viết/ Đêm trắng làm sao giấu nổi trên đầu. Đã khỏa lấp thời gian mà thời gian cứ hiển hiện nơi vầng trán ưu tư và những sợi tóc ngả màu. Đó là những câu thơ viết ra từ sự cảm thông sâu sắc mà đầy thương mến! Viết như thế cho mình thì có gì xa xót, viết như thế cho đồng nghiệp thì vô cùng thấu suốt, sẻ chia…

Cái tứ 'Thời gian của chúng tôi' được hoàn thiện ở cuối bài: Thời gian của chúng tôi không tính tháng, tính ngày/ Tính bằng những lớp người lớn lên, nối tiếp/ Thu vừa đón lứa đầu mùa e ấp/ Hè đã chào lớp tuổi chín ra đi. Mỗi một ngôi trường, một cấp học có những mục tiêu nhất định trong việc góp phần hoàn thiện nhân cách con người, đầu cấp sẽ “đón lứa đầu mùa e ấp” và cuối cấp sẽ “chào lớp tuổi chín ra đi”. Vòng quay ấy liên tục, đều đặn, không ngơi nghỉ. Tính thời gian bằng “những lớp người lớn lên, nối tiếp” liệu có mau già cỗi tâm hồn? Làm sao già cỗi được khi thầy cô luôn tiếp xúc với những thế giới tâm hồn mới mẻ, khi khoảng cách thế hệ nén lại thật gần “thu vừa đón…”, “hè đã chào…”?!

Với 'Thời gian của chúng tôi', Nguyễn Vũ Tiềm muốn sẻ chia, bộc bạch, đối thoại với cuộc đời để mọi người hiểu đúng hơn về nghề giáo, đồng thời, nhà thơ cũng giãi bày cùng các đồng nghiệp mến thương niềm tự hào, kiêu hãnh về công việc lặng thầm mà cao cả: trồng người!

Thời gian của chúng tôi

Năm mới của chúng tôi

Không bắt đầu từ tháng giêng

Tháng chín gõ ba hồi chín tiếng

Cổng trường mở ra

Năm mới ùa vào!

Ánh mắt nào cũng trời thu xôn xao

Tiếng nói chen nhau, sân trường thành chật hẹp

Mỗi tiết học bốn mươi lăm phút

Cả chiều dài thế kỷ xếp sao đây?

Sáng hồi hộp từng trang, đêm thao thức từng dòng

Vầng trăng hạn vơi đầy cùng bình mực

Quỹ đạo hành tinh cùng vẽ hình e-líp

Trang hình học không gian nối điểm sáng sao trời.

Khép lại nhà bao ấm lạnh, lo âu

Hồi trống gọi những niềm vui tới lớp

Đồng nghiệp ơi, trang đời, trang viết

Đêm trắng làm sao giấu nổi trên đầu.

Thời gian của chúng tôi không tính tháng, tính ngày

Tính bằng những lớp người lớn lên, nối tiếp

Thu vừa đón lứa đầu mùa e ấp

Hè đã chào lớp tuổi chín ra đi.

NGUYỄN VŨ TIỀM

Đọc thêm

Ký ức đêm hội trăng rằm

Ký ức đêm hội trăng rằm

Với trẻ em Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng, tết Trung thu luôn là một thế giới rực rỡ, thần tiên. Ký ức mỗi mùa trăng đã nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta lớn lên cùng năm tháng.
Podcast truyện ngắn: Chuột Bún bán bánh

Podcast truyện ngắn: Chuột Bún bán bánh

Những mùa Trung thu, tôi luôn nhận được quà của bà Chuột Bún là những chiếc bánh Trung thu thơm phức. Cũng từ đó, cái tên Chuột Bánh luôn đi liền với tình bạn thời tiểu học của tôi.
Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Trong đau thương, mất mát của người dân nhiều tỉnh thành phía Bắc sau bão số 3, nhiều tứ thơ đã được gieo vần. Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu một số bài thơ đầy cảm xúc trong cơn hoạn nạn.
Chuyện cây Hà Nội sau bão

Chuyện cây Hà Nội sau bão

Ngay sau cái đêm kinh hoàng bão YAGI đổ bộ vào Hà Nội, tôi lái xe ra đường. Khắp cả thành phố, cây nằm la liệt, nhiều cây bật gốc, gãy đổ tan hoang.
Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải, xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh) là một trong những di tích đặc trưng cho sinh hoạt tín ngưỡng, chốn trao gửi tâm linh của người dân và du khách thập phương.
Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Hình ảnh cảm động các chiến sĩ đưa dân ra ngoài, các xe đi chậm lại để dìu mọi người trên cầu trong lúc gió to… được cô gái TP. Hồ Chí Minh khắc họa lại trong bộ tranh nói về Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi.
Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Tối 8/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala tiếng Việt thân thương đã diễn ra với sự tham dự của hơn 600 đại biểu. Những “Sứ giả tiếng Việt” năm 2024 đã được vinh danh và trao tặng bằng khen.
Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Cây nhãn già thách thức mưa nắng, bão bùng, nhìn vào đó, bà luôn tưởng tượng bóng hình Hiếu, vẫn hiển hiện đâu đây trong khu vườn, căn nhà thân thuộc, như chưa từng có cuộc chia ly...
Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Có vẻ như mọi hân hoan, quyến luyến, mọi mỹ cảm, nồng say đều dồn tụ hết vào một chữ thu. Thu xao xuyến, thu bồi hồi, thu bâng khuâng, thu đa cảm...
Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào ngày 12/4/2018, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ hai tại Việt Nam sau Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang.
Truyện ngắn: Màu áo lính

Truyện ngắn: Màu áo lính

Phía ngoài ô cửa sổ, loa phát thanh đang vang lên tin tức về những hoạt động mừng ngày tết Độc lập. Ông Việt nhìn ra lá cờ đỏ sao vàng tung bay ngoài song cửa rồi mắt ông ầng ậc nước…
Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời hơn 360 năm, nằm trong khuôn viên nhà thờ Phan Tôn Chu và Ngọc Hoa công chúa ở thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.