Chiều 19/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; dự án Luật Phòng không nhân dân.
Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận tổ cùng các đoàn: Cao Bằng, Lâm Đồng, Cà Mau.
Huy động sức mạnh toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy
Thảo luận tại tổ, các đại biểu Đoàn Hà Tĩnh khẳng định sự cần thiết ban hành dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khắc phục hạn chế, vướng mắc của pháp luật hiện hành; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đại biểu cho rằng, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quy định tiêu chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy; nghiệp vụ, điều kiện, phương án xử lý sự cố, tai nạn; củng cố mô hình lực lượng bán chuyên trách phòng cháy, chữa cháy; đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền trong trường học; điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy nhà ở, nhất là các khu vực khó tiếp cận; kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy; biện pháp cơ bản phòng cháy.
Đoàn Hà Tĩnh đề nghị xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phương tiện phòng cháy, chữa cháy; phòng ngừa sự cố, tai nạn; bảo đảm an toàn, chất lượng thiết bị điện; quyền ưu tiên cho lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy; khắc phục hậu quả vụ cháy; trách nhiệm kiểm tra phòng cháy, chữa cháy; đầu tư, phân bổ nguồn lực; huy động sức mạnh toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy; trang bị kiến thức, kỹ năng; nâng cao nhận thức, hành động về công tác phòng cháy, chữa cháy.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện
Đánh giá những kết quả và hạn chế, vướng mắc, các đại biểu đoàn Hà Tĩnh thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân, tạo cơ sở pháp lý xây dựng, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; bảo đảm an toàn phòng không; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Các đại biểu Hà Tĩnh đề nghị quy định cụ thể vai trò của lực lượng phòng không lục quân, phòng không quốc gia trong thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân; đăng kiểm tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; trách nhiệm quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không; quy định thống nhất về độ tuổi, thẩm quyền huy động, huấn luyện, diễn tập; điều hành và giám sát hoạt động bay; bảo vệ trận địa, công trình phòng không; nguồn lực, chế độ, chính sách, trang bị cho phòng không nhân dân.
Bên cạnh đó, cần quy định tiêu chí trọng điểm phòng không nhân dân; cơ chế chỉ huy điều hành, lực lượng phòng không nhân dân; lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân; xây dựng thế trận phòng không nhân dân; biện pháp bảo đảm an toàn phòng không; thủ tục rút gọn cấp phép bay cá nhân; cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động phòng không nhân dân.